Lầu Năm Góc đã sẵn sàng cho chuyến viếng thăm quân sự cấp cao nhất của Trung Quốc tới Mỹ kể từ khi Bắc Kinh dừng mọi tiếp xúc quân sự hai bên đầu năm 2010 để phản đối việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan trị giá 6,3 tỉ USD.

Chuyến thăm của tướng Trần Bỉnh Đức, Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc và một số tướng lĩnh khác bắt đầu từ tuần này, diễn ra giữa lúc quan hệ Trung - Mỹ có dấu hiệu ấm lên sau chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào hồi tháng 1, quan chức quân sự Mỹ cho biết.

Ngoài việc gặp gỡ với người đồng cấp Mỹ - Đô đốc Mike Mullen, ông Trần sẽ hội kiến với Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates, Ngoại trưởng Hillary Clinton và các thành viên quốc hội cũng như có bài phát biểu tại đại học Quốc phòng Mỹ về quan hệ quân sự song phương.

Quan hệ Trung - Mỹ có xu hướng ấm dần sau chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Ảnh: Wordpress
Các quan chức hy vọng, chuyến viếng thăm lần này sẽ bắt đầu xoay chuyển một mối quan hệ mà trong vài năm gần đây bị “phủ bóng” bởi những căng thẳng do Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, và những lo ngại của Mỹ về việc Trung Quốc nhanh chóng mở rộng quân sự.

"Thiếu những tiếp xúc ổn định và cấp cao có nghĩa là quan hệ Mỹ - Trung vẫn chưa cân bằng”, Cheung Tai Ming, chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu xung đột và hợp tác toàn cầu đại học California cho biết.

Đô đốc Mullen, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, hy vọng chuyến công du sẽ dẫn tới việc thiết lập những tiếp xúc thường xuyên hơn với ông Trần, kiểu như điện đàm thông thường để “cho phép họ phát triển quan hệ hơn nữa”, một quan chức quân sự nhấn mạnh.

"Khu vực và thế giới thực sự mong đợi quân đội hai nước có mối quan hệ được thể chế hóa, để có tin tưởng và minh bạch, và khiến cho hiểu lầm hay tính sai không vượt khỏi tầm kiểm soát”, vị quan chức nói.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, trong khi ông Mullen và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates nỗ lực thúc đẩy việc thể chế hóa các tiếp xúc giữa quân sự hai nước, thì chưa rõ Trung Quốc có sẵn sàng cho một động thái như vậy hay không.

Trở ngại lớn nhất

Tháng trước, ông Trần Bỉnh Đức từng nói với đoàn đại biểu Mỹ tới thăm Trung Quốc rằng, việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan vẫn là trở ngại lớn nhất mà quan hệ quân sự hai bên đối mặt.

Theo lời một quan chức quân sự Mỹ, vấn đề này dường như sẽ được đề cập trong chuyến thăm Mỹ của tướng lĩnh quân sự Trung Quốc nhưng sẽ không sớm giải quyết và quan chức Mỹ sẽ cố gắng để chuyện bán vũ khí không cản trở việc thiết lập một “mối quan hệ tích cực và bền vững”.

Trung Quốc đã ngừng các tiếp xúc quân sự với Mỹ vào tháng 1/2010 sau khi chính quyền của Tổng thống Barack Obama tuyên bố thông qua hợp đồng bán vũ khí cho Đài Loan trị giá 6,3 tỉ USD bao gồm các hệ thống chống tên lửa Patriot và trực thăng tấn công Apache.

Quan hệ quân sự song phương Trung - Mỹ tiếp tục căng thẳng trong hầu hết năm này trước khi một số liên lạc được nối lại vào tháng cuối cùng của năm. Trong khi đó, Mỹ và nhiều nước khác trong khu vực đã chú tâm dõi theo và khá quan ngại về việc quân đội Trung Quốc thể hiện quan điểm ngày một quả quyết hơn và không ngừng mở rộng các khả năng quân sự.

Trong một nỗ lực trình diễn sức mạnh, Trung Quốc đã xác nhận thực hiện các chuyến bay thử đầu tiên với máy bay chiến đấu tàng hình J-20 hồi tháng 1, đúng vào dịp ông Gates tới thăm Bắc Kinh. Sự phát triển nhanh chóng của loại máy bay được cho là “đối trọng” với máy bay tàng hình F-22 Raptor Mỹ đã gây ra sự ngạc nhiên trong giới chuyên gia và phân tích quân sự.

Cũng có nhiều thông tin cho rằng, cuối năm nay, Trung Quốc sẽ hạ thủy tàu sân bay đầu tiên. Những đụng chạm giữa tàu Trung Quốc và tàu Mỹ ở Biển Đông và việc Bắc Kinh bất ngờ phóng tên lửa phá hủy một vệ tinh Trung Quốc năm 2007 lại càng làm gia tăng lo lắng về nguy cơ của những bước đi sai lầm, đặc biệt là chuyện quân đội Trung Quốc có thể sẽ ngày càng “kiềm chế” các lực lượng Mỹ ở châu Á.

Xu hướng dịu lại

Tuy vậy, Đô đốc Robert Willard, chỉ huy các lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương trong một phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ tháng trước đã nói rằng, quân đội Trung Quốc dường như đã “dịu lại” trong năm nay. Một quan chức Mỹ cũng đề cập tới một xu hướng ấm dần lên giữa hai bên sau chuyến công du Mỹ của ông Hồ Cẩm Đào hồi tháng 1.

Một số học giả Trung Quốc cho rằng, nước này xem sự hiện diện quân sự lớn của Mỹ ở châu Á, đặc biệt tại các căn cứ ở Hàn Quốc và Nhật Bản là mối đe dọa tới ảnh hưởng và lợi ích của Trung Quốc. Và hai bên cần có các kênh thông tin tốt hơn.

"Mối quan hệ quân sự này trở nên quan trọng hơn không chỉ vì những phát triển về quân sự của Trung Quốc gây ra sự hiểu lầm, mà còn bởi sự hợp tác cần thiết trong các điểm nóng như Libya, Afghanistan và Pakistan sẽ không thể phát triển nếu không có nó”, giáo sư Chu Phong tại đại học Bắc Kinh, khẳng định.

Ngoài cuộc gặp với các nhà lãnh đạo dân sự và quân sự Mỹ, phái đoàn Trung Quốc sẽ tới thăm bốn căn cứ: Căn cứ Norfolk ở Virginia, Fort Stewart ở Georgia, căn cứ không quân Nellis ở Nevada và trung tâm Đào tạo quân sự tại California.

Thái An (Theo Reuters)