Trong cuộc phỏng vấn với đài ABC News hôm 6/6, Tổng thống Biden xác nhận các lực lượng Kiev được phép dùng vũ khí do Mỹ sản xuất để tấn công vào lãnh thổ Nga, nhưng chỉ được sử dụng ở “gần biên giới, nơi vũ khí Nga ở trên lãnh thổ Nga chuẩn bị tấn công các mục tiêu cụ thể ở Ukraine”. 

“Chúng tôi không cho phép tấn công xa hơn 320km vào lãnh thổ Nga, và chúng tôi không cho phép tấn công vào thủ đô Moscow, vào Điện Kremlin”, ông Biden cho hay. 

vu khi my tan cong nga.jpg
Ukraine chỉ được phép sử dụng vũ khí Mỹ tấn công ‘có giới hạn’ vào lãnh thổ Nga. Ảnh: EPA-EFE

Vào tháng 5/2023, Nga cáo buộc Ukraine muốn tấn công Điện Kremlin. Vào thời điểm đó, các quan chức Nga tuyên bố, 2 máy bay không người lái (UAV) của Ukraine đã bị vô hiệu hóa ở trung tâm Moscow, và vụ tấn công bất thành này được cho là “âm mưu ám sát” nhằm vào Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Cũng trong cuộc phỏng vấn với ABC News, Tổng thống Biden cho biết ông lo ngại về phản ứng của Tổng thống Putin trước sự thay đổi trong chính sách của Mỹ về các cuộc tấn công xuyên biên giới nhằm vào lãnh thổ Nga. Tổng thống Nga trước đó cho rằng, quyết định này là sự xác nhận các nước phương Tây đang “tham gia trực tiếp vào xung đột ở Ukraine”. 

Hồi tuần trước, thông tin Mỹ cho phép Ukraine tiến hành các cuộc tấn công “có giới hạn” vào lãnh thổ Nga đã được một số cơ quan truyền thông phương Tây đưa tin, và sau đó Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã lên tiếng xác nhận. Động thái này được đưa ra sau khi Nga triển khai đợt tấn công mới vào Kharkiv khiến quân đội Ukraine bị đẩy lùi, và làm Nhà Trắng lo ngại Moscow có thể giành được thành phố lớn thứ 2 của Ukraine.

Hôm 5/6, ông Putin đã lên án Mỹ và các thành viên NATO cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine để có thể tấn công vào sâu lãnh thổ Nga. Ông cảnh báo động thái này đánh dấu sự leo thang đáng kể trong xung đột ở Ukraine, và có thể gây phản tác dụng đối với phương Tây.

Huấn luyện viên quân sự Pháp không tới Ukraine 

Hôm 6/6, Thủ tướng Pháp Gabriel Attal tuyên bố Paris chưa bao giờ huấn luyện các lực lượng Kiev trên lãnh thổ Ukraine, nhưng không loại trừ khả năng cử huấn luyện viên quân sự tới Ukraine. Khả năng điều động huấn luyện viên Pháp tới Ukraine đã được chính quyền Paris xem xét từ tháng 2.

Thủ tướng Attal cho hay, Pháp đã huấn luyện khoảng 10.000 binh sĩ Ukraine ở Pháp và trên lãnh thổ một số nước láng giềng. Ông khẳng định hiện tại, chính phủ Pháp không có “dự án” điều động binh sĩ nước này tới Ukraine. 

Moscow cũng cảnh báo bất kỳ nhân viên quân sự nước ngoài nào ở Ukraine đều bị coi là mục tiêu hợp pháp trong các cuộc tấn công của Nga, bất kể họ đến từ quốc gia nào, và họ là binh lính hay huấn luyện viên.