“Chúng tôi khi đó cần một đội quân khoảng 250.000-260.000 người, nhưng lại chỉ có 120.000 binh sĩ Ukraine sẵn sàng chiến đấu trước khi chiến sự với Nga nổ ra. Nhưng hiện nay, số binh sĩ Ukraine tại ngũ đã lên tới 700.000 người. Mọi người có thể thấy những thành quả chiến đấu của 700.000 binh sĩ”, hãng tin RT dẫn lời ông Volodymyr nói trong buổi phỏng vấn với trang Ukraine 24.

Theo RT, số binh sĩ Ukraine đột ngột tăng nhiều như vậy là do ông Zelensky ngay sau thời điểm nổ ra chiến sự đã ra lệnh tổng động viên nhập ngũ đối với người trong độ tuổi từ 18-60.

Phần Lan-Thổ Nhĩ Kỳ điện đàm về NATO

Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto hôm 21/5 cho biết bản thân đã có một cuộc nói chuyện ‘cởi mở và trực tiếp’ với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan về vấn đề nước này xin gia nhập vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

“Tôi tuyên bố rằng với tư cách là các nước đồng minh trong NATO, Phần Lan và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đảm bảo an ninh của nhau và mối quan hệ của chúng ta sẽ phát triển mạnh mẽ hơn. Phần Lan lên án chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức và biểu hiện”, hãng tin Al Jazeera dẫn bài đăng trên Twitter của ông Niinisto nêu rõ.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: AP

Hãng tin Anadolu cho biết, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan trong cuộc điện đàm đã nói việc làm ngơ trước những tổ chức khủng bố đang tạo ra mối đe dọa với những nước đồng minh trong NATO là “một sự không tương thích với tinh thần hữu nghị và liên minh”.

“Theo ông Erdogan, quyền ‘tự nhiên nhất’ của Thổ Nhĩ Kỳ là mong đợi sự tôn trọng và ủng hộ cho cuộc đấu tranh chính đáng, cũng như kiên quyết chống lại những vấn đề là mối đe dọa rõ ràng với an ninh quốc gia và người dân của chúng tôi”, thông cáo từ cơ quan truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.

Theo hãng tin AP, cuộc điện đàm trên diễn ra chỉ vài ngày sau khi chính quyền Ankara đưa ra danh sách gồm 10 yêu cầu cần chính quyền hai nước Phần Lan và Thụy Điển đáp ứng, trước khi Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn tư cách thành viên NATO cho các quốc gia này.

“Phần Lan và Thụy Điển cần phải ngừng hỗ trợ tài chính cho những nhóm có liên hệ với đảng Công nhân người Kurd (PKK) cũng như các tay súng người Kurd đang hoạt động ở Syria. Hai quốc gia Bắc Âu cần ngừng liên lạc với các thành viên của nhóm người Kurd ở Syria. Thụy Điển cũng phải kìm hãm chiến dịch thông tin sai lệch chống lại Thổ Nhĩ Kỳ của những người đi theo kẻ giật dây âm mưu đảo chính hồi năm 2016, khi các đối tượng trên đã chạy tới nước này cư trú”, một phần của bản danh sách viết.

Nga nói phá hủy một lượng lớn vũ khí phương Tây ở Ukraine

Bộ Quốc phòng Nga hôm 21/5 tuyên bố rằng, nước này đã sử dụng tên lửa hành trình để phá hủy lượng lớn vũ khí được phương Tây cung cấp cho Ukraine ở tỉnh Zhytomir. “Tên lửa hành trình phóng từ biển Kalibr đã phá hủy một lượng lớn vũ khí và trang thiết bị quân sự được chuyển từ Mỹ và nhiều nước thuộc châu Âu. Dự kiến, số vũ khí trên sẽ được chuyển cho quân đội Ukraine đang chiến đấu ở khu vực Donbass”, thông cáo từ Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ.

Hiện giới chức Ukraine chưa đưa ra phản hồi về thông tin trên của Bộ Quốc phòng Nga.

Hungary tiếp tục ví đòn các trừng phạt Nga như bom nguyên tử

Theo hãng tin RT, Thủ tướng Hungary Viktor Orban trong cuộc gặp với Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic được tổ chức hôm 21/5 tiếp tục khẳng định nước này không đồng ý với những quyết định được Liên minh châu Âu (EU) đưa ra nhằm chống lại Nga.

“Những biện pháp trừng phạt đó có khả năng gây thiệt hại cho Hungary, khiến giá cả tăng cao và hủy hoại nền kinh tế. Việc đưa ra những đòn trừng phạt chống lại Nga sẽ tương đương với bom nguyên tử, khi chúng có thể dẫn đến tình huống Hungary không thể nuôi sống người dân”, ông Orban nói.

Thủ tướng Hungary Orban sau đó cũng cảnh báo về “một mùa đông khó khăn ở phía trước, khi lạm phát phi mã, giá cả tăng cao, nạn đói bùng phát ở nhiều nơi trên thế giới và chúng ta có cả một cuộc chiến ở Ukraine”.

Tuấn Trần