Đại tá Yury Ignat, phát ngôn viên lực lượng Không quân Ukraine, mới đây thừa nhận Kiev không có cách nào chống lại bom dẫn đường có độ chính xác cao của Nga, đồng thời nhắc lại đề nghị từ lâu là được hỗ trợ các tiêm kích hiện đại của Mỹ.
Hãng tin RT đưa tin, ông Ignat cho hay mỗi ngày Nga phóng 20 quả bom dẫn đường trên tiền tuyến. Theo quan chức Ukraine, loại đạn của Nga có thể bay xa khoảng 70km và tấn công các cơ sở hạ tầng quan trọng, cùng nhiều mục tiêu khác.
“Chúng tôi không thể chống lại loại đạn này, và hệ thống phòng không cũng không hiệu quả”, ông Ignat nhấn mạnh thêm để ngăn chặn các cuộc tấn công như trên, Ukraine phải có các tiêm kích như Su-34, Su-35, và nhiều loại máy bay chiến thuật khác.
Cũng theo ông Ignat, Ukraine cần một loại vũ khí có thể tiếp cận đối phương ở khoảng cách xa hơn so với những vũ khí hiện tại. Theo ông, một trong những vũ khí phòng không tầm xa nhất mà Kiev đang sở hữu là hệ thống tên lửa S-300 từ thời Liên Xô cũ, có khả năng tấn công mục tiêu ở khoảng cách lên tới 100km. Vị quan chức nói thêm năng lực phòng không của Ukraine cũng đã được tăng cường nhờ vũ khí do phương Tây sản xuất với tầm bắn 150km, song những vũ khí này đang ngày càng thiếu hụt.
Để giải quyết vấn đề, ông Ignat cho rằng phương Tây cần trang bị cho Ukraine các tiêm kích hiện đại.
“Chiến đấu cơ F-16 có thể đối phó với máy bay Nga một cách hiệu quả dọc theo rìa vùng chiến sự”, ông Ignat cho biết thêm, những máy bay này còn có thể ngăn cản máy bay Nga tiếp cận biên giới Ukraine.
Tuy nhiên hồi tháng Hai, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố Ukraine “hiện không cần F-16”. Theo ông Biden, Mỹ đang tập trung hỗ trợ cho Kiev xe tăng và pháo.
Nga quyết tìm ra thủ phạm tấn công Điện Kremlin
Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh cơ quan thực thi pháp luật nước này hoàn toàn có thể tìm ra và buộc tội những kẻ phát động cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) vào Điện Kremlin.
“Những tội ác như vậy không thể bỏ qua”, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định trong tuyên bố hôm 4/5 rằng, thủ phạm sẽ phải đối mặt với “hình phạt nghiêm khắc và không thể tránh khỏi”.
Bộ Ngoại giao Nga khẳng định “chính quyền Kiev” đứng sau vụ tấn công Điện Kremlin, do Ukraine “đã cố tình hỗ trợ và sử dụng các biện pháp khủng bố chống lại cơ sở hạ tầng dân sự, và dân cư trong suốt thời gian dài”.
Theo đó, Bộ Ngoại giao Nga đã trích dẫn vụ đánh bom cầu Crưm vào tháng 10/2022. Tuy nhiên, chính phủ Ukraine đã phủ nhận là chủ mưu phá hoại cây cầu, cướp đi sinh mạng của 3 dân thường. Kiev cũng bác bỏ cáo buộc của Moscow liên quan đến vụ tấn công bằng UAV vào Điện Kremlin hôm 3/5.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, vụ việc mới nhất cho thấy Kiev không quan tâm đến hòa bình, và Nga cần tiếp tục thực hiện chiến dịch quân sự ở Ukraine.