Tổng thống Nga từng khiến các nhà hoạch định chính sách nước ngoài bất ngờ với quyết định đem quân vào Syria năm tháng trước. Nay, ông lại gây sốc khi ra lệnh rút quân khỏi Syria mà không hề báo trước cho bất kỳ bên nào.
Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu hôm 14/3, ông Putin đã lệnh rút quân Nga khỏi Syria ngay ngày 15/3.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) ra lệnh rút phần lớn quân Nga khỏi Syria trong phiên họp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 14/3/2016. Ảnh: Reuters |
Về việc rút quân, ông Putin nói rằng do ‘phần lớn các mục tiêu đã đạt được’ nên quân Nga sẽ rút khỏi đây, và chỉ để lại một nhóm đóng tại cảng Tartus và căn cứ quân sự Khmeimim để quan sát thỏa thuận ngừng bắn.
Nga rút quân đột ngột, trong khi Syria khẳng định là không có ‘rạn nứt nào’ giữa Moscow và Damascus. Tổng thống Bashar al-Assad đồng thuận với việc ‘giảm’ lực lượng Nga trong một cuộc điện đàm với ông Putin.
“Toàn bộ vấn đề này diễn ra trong sự hợp tác toàn diện giữa Nga và Syria, và đây là một bước đi đã được nghiên cứu kỹ lưỡng và chính xác” – trích tuyên bố của chính phủ Syria. Mặt khác, Damascus nói thêm là Moscow vẫn hứa tiếp tục giúp Syrira ‘đương đầu với khủng bố’.
Theo Reuters, sự việc này khiến nhiều nhà ngoại giao phương Tây đoán rằng, ông Putin có thể đang gây sức ép với ông Assad, để chấp nhận việc dàn xếp chính trị cho cuộc chiến kéo dài 5 năm, khiến 250.000 người thiệt mạng.
Tại Geneva, người nhận nhiệm vụ hòa giải của Liên Hợp Quốc là Staffan de Mistura nói rằng sẽ không có ‘kế hoạch dự phòng’ nào ngoài thực tế là xung đột sẽ tiếp diễn, nếu như ba vòng đàm phán đầu tiên, nhằm thiết lập một ‘lộ trình rõ ràng’ cho Syria không có tiến triển.
Còn phe đối lập tại Syria dường như vẫn chưa hiểu nổi bước đi này. Một phát ngôn viên của phe này bình luận: “Không ai hiểu nổi trong đầu ông Putin nghĩ gì”. Tuy nhiên, họ đòi hỏi nhiều hơn từ bước đi được cho là có tính nhượng bộ của Putin, đó là rút quân hoàn toàn khỏi đất Syria.
“Tôi không hiểu nổi tuyên bố của Nga, điều đó thật sự bất ngờ, y như cách họ tham gia vào cuộc chiến vậy” – Fadi Ahmad, người phát ngôn cho Lữ đoàn Duyên hải số 1 thuộc Quân đội Syria Tự do nói.
Đặc biệt, ông Putin chỉ nói với bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao của Nga trong cuộc họp chính phủ. Mỹ cũng không hề nghe phong thanh gì về việc này, dù cũng trong ngày 14/3, ông Putin có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama về Syria.
Các nước phương Tây luôn cho rằng, việc Nga can thiệp quân sự vào Syria là nhằm hậu thuẫn cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad là chính, còn việc tiêu diệt phiến quân ‘Nhà nước Hồi giáo’ tự xưng (IS) chỉ là phụ. Các đợt không kích của quân Nga được cho là nhằm vào lực lượng đối lập và mở đường cho quân chính phủ Syria ở một số điểm then chốt.
Sau 5 tháng can thiệp quân sự tại chiến trường Syria, Nga, Mỹ cùng các đối tác và các bên tại Syria đã tiến tới việc đàm phán hòa bình. Nhưng phương Tây luôn viện cớ do Nga hậu thuẫn cho quân chính phủ bằng các đợt không kích, nên việc hòa đàm bị cản trở.
Với quyết định rút quân gấp rút, hòa đàm về Syria không còn trở ngại. Và nhiều bên đã lên tiếng hoan nghênh bước đi này của ông Putin.
“Chúng tôi cũng nhận thấy sự lưu ý tích cực trong quyết định của Nga, nhằm rút một phần lực lượng” – RT dẫn lời Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Đại sứ Angola Ismael Abraao Gaspar Martins.
Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ ẩn danh nói rằng, Washington cảm thấy rất khích lệ trước thông báo rút quân của Putin, nhưng giờ vẫn còn quá sớm để hiểu được ý nghĩa của hành động này, và rằng liệu ông Putin có thực hiện như lời ông nói, cùng với mục đích đằng sau tuyên bố đó.
Tờ New York Times cho rằng, Nga luôn nhớ bài học xương máu khi bị sa vào cuộc chiến kéo dài ở Afghanistan những năm 1980.
Hiện nay, mỗi ngày Nga phải chi 3 triệu USD khi tham chiến ở Syria, trong khi nguồn thu chính đang cạn kiệt vì giá dầu chạm sàn, và kinh tế đình đốn vì các trừng phạt của phương Tây. Trong bối cảnh đó, việc Nga sớm thu quân về nước là chuyện sớm hay muộn sẽ diễn ra, nếu mục tiêu chính của Putin ở Syria không phải là IS.
Lê Thu
Cuộc chiến ở Syria thay đổi thế giới ra sao?
Cuộc xung đột ở Syria đã gây ảnh hưởng tới chính trị toàn cầu, với sự trở lại của Nga, sự trỗi dậy của IS, sự nổi lên của Iran và cuộc khủng hoảng nhập cư ở châu Âu.
Vì sao CIA không giải mã nổi Putin?
Các sĩ quan tình báo Mỹ được đào tạo để "giải mã" những mục tiêu khó nhằn. Nhưng luôn có những nhân vật quá kín kẽ, như Tổng thống Nga Putin.
Vì sao Triều Tiên liên tục 'khoe' vũ khí hạt nhân?
Những phô trương về vũ khí hạt nhân mới đây của Triều Tiên được cho là nhằm củng cố đoàn kết trong nước, bằng cách phóng đại về các mối đe dọa bên ngoài.