Phía Trung Quốc muốn đạt thỏa thuận này vì các lý do của riêng họ, và Vladimir Putin chẳng thể cưỡng lại. 

Hoa Kỳ cần sự ủng hộ của Nga để chốt thảo thuận hạt nhân với Iran. Như Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cho biết: “chúng tôi không thể đạt được thỏa thuận này nếu Nga không sẵn sàng sát cánh cùng chúng tôi”. Nhưng quan hệ Mỹ - Nga hiện đang ở mức thấp nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, sự ủng hộ của Nga không khỏi gây ngạc nhiên, ngay cả với ông Obama. 

Vậy, tại sao Nga lại sẵn sàng ủng hộ thỏa thuận với Iran, thậm chí ngay cả giới truyền thông Nga bình thường vẫn chống Mỹ cũng coi đây là một kỳ tích của cá nhân ông Obama? 

Như mọi khi, câu trả lời không hề đơn giản và rốt cuộc nằm sâu trong tính toán của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Việc Nga hậu thuẫn cho quá trình đàm phán với Iran là điều mâu thuẫn và về tổng thể cho thấy nhiều cảm xúc lẫn lộn. Từ góc độ của riêng Nga, thỏa thuận này có nguy cơ tạo ra một dòng khí đốt và dầu lửa ổn định chuyển ra thị trường thế giới, vào đúng thời điểm mà giá năng lượng đã sụt giảm, đe dọa tới nền kinh tế Nga. 

Khi đã hiểu rõ bất lợi đó rồi thì nhân tố quyết định trong thỏa thuận này hẳn sẽ là Trung Quốc. Phía Trung Quốc muốn đạt thỏa thuận này vì các lý do của riêng họ, và Vladimir Putin chẳng thể cưỡng lại. 

{keywords}
Vì TQ, tổng thống Putin bất ngờ ủng hộ Mỹ? Ảnh minh họa, nguồn: AP

Quá trình gian nan 

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov chẳng có gì phải ngại khi nói thẳng ra rằng nếu không có Nga, thỏa thuận với Iran đã chẳng thể đạt được. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy các chuyến đi không thường xuyên của ông tới Vienna, Lausanne, và Geneva thực sự mang lại bất kỳ nhượng bộ nào. Ngược lại, có nhiều điều cho thấy Moscow còn tìm cách làm phức tạp thêm – nếu không phải làm suy yếu thêm – lập trường của nhóm P5+1 ở một số thời điểm mong manh trong quá trình đàm phán: 

- Giữa tháng 11/2014, Nga tuyên bố một thỏa thuận lớn với Iran để xây dựng thêm hai lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Bushehr, cùng với đó là một phương án xây dựng thêm 6 lò phản ứng. Ngày 24/11/2014, hạn chót cho vòng đàm phán tại Vienna đã bị nhỡ một cách đúng lúc. 

- Giữa tháng 4/2015, Nga tuyên bố dỡ bỏ đơn phương lệnh cấm (năm 2010) về việc chuyển giao các tên lửa phòng không S300 cho Iran. Động thái này diễn ra quá muộn nên không thể làm hỏng thỏa thuận khung tạm thời giữa P5+1 và Iran ngày 2/4. Thậm chí, hành động này còn khuyến khích Iran có lập trường quyết tâm hơn để khởi động các đàm phán tại Vienna về Kế hoạch Hành động Toàn diện chung. 

- Đầu tháng 6/2015, Nga tuyên bố thỏa thuận trao đổi dầu lửa với Iran từ lâu có thể tiếp diễn để thực thi trong vòng một tuần. Một lần nữa, hạn chót cho đàm phán tại Vienna lại bỏ lỡ đúng lúc. 

Giữa lúc các nỗ lực trên làm gián đoạn và quan hệ Mỹ - Nga hầu như mỗi ngày lại xấu thêm, việc đạt được sự đồng ý tích cực của Moscow đối với thỏa thuận với Iran rõ ràng là thách thức cho chính quyền Obama. Ngay cả khi các tư lệnh cấp cao trong quân đội Mỹ đánh giá rằng Nga là một “mối đe dọa sống còn” đối với Mỹ, Nhà Trắng vẫn tìm cách làm dịu đi tuyên bố này.

Chính quyền Obama nhấn mạnh vào sự sẵn sàng “tách bạch” của ông Putin và việc Nga chừa lại những khu vực cho hợp tác. Logic cho đánh giá trên của giới chức Mỹ là không chê vào đâu được, trừ sự hợp tác của Iran.

Nếu Nga được coi là “cường quốc xét lại” (revisionist power – cường quốc muốn thay đổi trật tự hiện hữu- ND) và một thách thức về an ninh, thì đó sẽ là một mối đe dọa cho hệ thống an ninh châu Âu và đồng minh của Mỹ. Và vì Nga sở hữu kho vũ khí hạt nhân khổng lồ, nên mối đe dọa này rõ ràng hiện hữu. 

Lo ngại lớn nhất của Nga về thỏa thuận với Iran chắc chắn không phải là do sự thiếu minh bạch của chương trình hạt nhân, mà là về tác động của nó lên giá năng lượng. Tehran thực tế đã thông báo về các kế hoạch tăng gấp đôi sản lượng dầu xuất khẩu, đồng nghĩa với việc tăng thêm nguồn cung dầu trên thế giới vốn đang dư thừa. Hai hãng dầu khí khổng lồ của Nga là Rosneft và Gazprom sẽ không thể được lợi từ việc mở cửa ngành năng lượng Iran, bởi các hãng lớn của phương Tây có lợi thế cạnh tranh và công nghệ tối ưu hơn.  

Ngay cả trong ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân, Iran hẳn sẽ quan tâm tới việc đa dạng hóa hơn là tiến hành các hợp đồng ghi tạm với Nga. Nga cũng chẳng thể nhanh chóng mở rộng xuất khẩu vũ khí, bởi lệnh cấm vận áp dụng với vũ khí tối tân vẫn còn hiệu lực trong vài năm tới, bất kể Moscow đã vận động hành lang ráo riết thế nào. 

Hội chứng Trung Quốc 

Sau cùng, Nga cố kiềm chế các tác động vô ích vào giai đoạn cuối mang tính quyết định của đàm phán. Điều này rất đáng được ghi nhận, nhưng cái mà Moscow tìm kiếm là những phần thưởng hữu hình. 

Tuy vậy, những phần thưởng này sẽ đến từ đâu? Moscow hiểu rằng họ sẽ thua thiệt trong thỏa thuận hạt nhân Iran, nhưng không thể làm gì bởi vì người giành phần thắng chính là Trung Quốc.  

Bắc Kinh đã sẵn sàng đầu tư mạnh mẽ vào các dự án dầu và khí ở Iran, và nếu như mức giá trượt xuống thấp hơn một bậc thì nền kinh tế vốn phụ thuộc vào năng lượng của Trung Quốc càng có lợi. 

Mong muốn của Trung Quốc nhằm thúc đẩy thỏa thuận này chắc chắn là lý do chính đứng đằng sau việc Nga ngừng nỗ lực ngăn trở đàm phán tại Vienna. Bị phương Tây cô lập, Nga đang phụ thuộc vào Trung Quốc về tài chính và thị trường. Hiểu rõ điều này, Bắc Kinh đang ngày càng khó khăn hơn khi giao kèo với một nước Nga đang dần ít lựa chọn hơn. Ít có khả năng nước này đáp tạ hành động hợp tác của Nga về vấn đề Iran bằng các khoản vay hay đầu tư hậu hĩnh. Còn Tổng thống Obama và Ngoại trưởng John Kerry, trong thời buổi ngoại giao Nga đang yếu thế, cũng chẳng cần lo tới việc đền đáp cho Nga. 

Lê Thu (theo Brookings.edu)

Tác giả bài viết, Pavel K. Baev, là giáo sư nghiên cứu tại Học viện Nghiên cứu Hòa bình tại Oslo (PRIO),  nhà nghiên cứu cao cấp tại Ban Chính sách Đối ngoại, Trung tâm Hoa Kỳ và châu Âu Brookings. Ông từng làm việc tại Viện châu Âu tại Moscow trước năm 1992. Các công trình ông đang nghiên cứu bao gồm cải cách quân sự của Nga, lợi ích về năng lượng trong chính sách an ninh và đối ngoại của Nga, quan hệ của Nga với châu Âu và NATO…