- “Tôi viết những dòng này với tư cách là một độc giả rất yêu quý VietNamNet, cũng là một cộng tác viên của VietNamNet, tờ báo mà tôi dành rất nhiều tình cảm.” Bạn Vũ Viết Tuân, lớp Báo In K29A1, Học viện Báo chí và Tuyên truyền mở đầu ý kiến của mình.
TIN BÀI KHÁC:
Mục Khoa học Vietnamnet đưa tin chậm
“Phiên bản báo VietNamNet cho điện thoại di động còn nhiều bất cập”
Nên đưa chọn lọc những thông tin “độc”
Tin tiêu cực còn miên man quá
Điểm mạnh, yếu của VietNamNet
Để thành công, tờ báo phải có định hướng rõ ràng
Sức khỏe giới tính để ở chuyên mục khoa học không hợp
Giám sát và phản biện xã hội để tiếp tục khẳng định uy tín
Đừng biến VietNamNet thành con đường một chiều
“Từ lâu, cái tên VietNamNet đã in sâu trong tâm khảm của rất nhiều người Việt Nam, là một trong những tờ báo mạng điện tử tiên phong của nước ta. Hơn nữa ngày đó VietNamNet còn được biết đến là một tờ báo mạng với ngọn lửa Đanko rực cháy, dám nhìn thẳng vào sự thật, dám viết những điều mà những tờ báo khác không dám viết với tất cả những trăn trở, suy tư cho vận mệnh của dân tộc. Nhất là chuyên trang TuanVietNam, với ngòi bút chính luận sắc sảo, đã trở thành một trong những trang báo được nhiều người quan tâm nhất.
Ngày đó, được cộng tác với VietNamNet là ước mơ của rất nhiều sinh viên báo chí chúng tôi. Thậm chí, khi trong khoa báo in của Học viện báo chí tuyên truyền chúng tôi có một bạn có bài được đăng trên VietNamNet, thì lập tức bạn đó trở thành người nổi tiếng được cả khoa biết đến. Chúng tôi đã gửi cho nhau đường link bài của bạn đó, để đọc, nghiền ngẫm và thán phục. Bản thân tôi, từ sau đợt thực tập tại báo VietNamNet, đã thường xuyên viết bài cộng tác với quý báo. Còn nhớ một buổi sáng, mới chỉ nghe một bạn trong khoa nói “cậu có bài đăng trên VietNamNet”, tôi đã bỏ cả buổi học để về nhà xem với biết bao kiêu hãnh.
Thời gian suốt mấy tháng ròng, khi báo điện tử VietNamNet bị hacker tấn công, tôi lo lắng, không thể ăn ngon ngủ yên được. Tôi dám chắc rằng vào thời điểm đó, không chỉ riêng tôi mà có rất nhiều độc giả của VietNamNet cũng từng ngày, từng giờ nín thở cầu mong cho báo vượt qua được thời kỳ khó khăn ấy. Có lần, tôi đã bỏ cả bữa cơm vì nhận được tin là tên miền Vietnamnet.vn có thể sẽ không thể khắc phục được và báo sẽ chuyển sang tên miền mới Vietnamnet.com.vn.
Nhưng cũng từ khi vượt qua được khó khăn ấy, tôi thấy báo ngày càng thay đổi một cách chóng mặt. Đến nỗi, tôi không còn nhận ra đó là tờ báo mà trước đây tôi hằng yêu quý, ngưỡng mộ và thán phục nữa.
Những tin giật gân, câu khách, những tin bài xoáy sâu vào những vấn đề nhạy cảm, vào đời tư của giới hoa khôi, người mẫu, ca sỹ ngày càng nhiều. Ngay cả những mục tổng hợp tin bài “Nóng trong ngày”, “Nóng trong tuần” cũng đầy rẫy những tin bài như vậy. Thậm chí những bài tôi viết cho VietNamNet khi được đăng thì hầu hết đều “bị” biên tập lại với mục đích là câu khách, đến nỗi tôi không nhận ra đó là bài của mình nữa.
Hiện tại bây giờ, mỗi sáng tôi vẫn vào báo để đọc tin tức. Nhưng khác trước là tôi chỉ lướt qua báo một lượt hoặc vào TuanVietNam (thời gian gần đây đã sống ngọn lửa phản biện xã hội đầy tính chiến đấu của ngày xưa) để đọc, rồi nhanh chóng chuyển sang tờ báo khác như một sự chạy trốn. Bởi trên khắp mặt báo, từ mục xã hội đến mục văn hóa, hay mục đời sống đều là những tin bài giật gân, câu khách, thậm chí, nói theo ngôn ngữ của nhiều người là “lá cải” và “tin vịt” quá nhiều.
Tôi biết, cũng như nhiều tờ báo khác, VietNamNet cũng đang phải đối mặt với bài toán nan giải về “cơm áo gạo tiền”. Nhưng nếu chỉ vì thế mà tự đánh mất mình thì có lẽ niềm tin của tôi, cũng như của biết bao độc giả trung thành với VietNamNet bấy lâu nay có lẽ đã đặt nhầm chỗ?
Vì thế, cá nhân tôi, với tư cách là một độc giả rất yêu quý báo, và là một cộng tác viên của báo, mong mỏi ban biên tập của báo nghiêm túc nhìn nhận lại tờ báo một cách toàn diện, nghiêm túc và dũng cảm để trở lại chàng Đanko VietNamNet như ngày xưa, là một trong những tờ báo có tính chiến đấu và phản biện xã hội hàng đầu của làng báo chí nước nhà.”
Trân trọng cảm ơn bạn đọc. Chúng tôi sẽ tiếp tục đăng tải những ý kiến góp ý của các bạn.
Ban Bạn đọc