Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng trong một tương lai không xa, khi nhu cầu tăng cao và các nguồn năng lượng đầu vào truyền thống như than, khí... đang dần cạn kiệt. Trong khi đó, giá điện bình quân tại Việt Nam hiện là 7,27 cent Mỹ cho 1 kwh, trong khi tại Thái Lan là 12,7 cent, nhưng sản phẩm của Thái Lan vẫn có giá cạnh tranh hơn, so với Việt Nam.
Phát biểu tại Diễn đàn Năng lượng 2016, ông Lê Tuấn Phong, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương), cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức trong lĩnh vực năng lượng. Nhu cầu tăng cao, đang gây áp lực rất đến việc đảm bảo an ninh năng lượng, tạo sức ép lớn cho nền kinh tế.
Số liệu từ Bộ Công thương cho thấy, nhu cầu điện của Việt Nam đã tăng lên rất nhanh với mức trung bình là 13%/năm giai đoạn 2006 - 2010 và 11% giai đoạn 2011- 2015.
Hiện sản lượng điện cả nước đạt 160 tỷ kwh/năm, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, thứ 30 trên thế giới, nhưng tính bình quân đầu người vẫn rất thấp, chỉ ở mức 1.750 kwh/người/năm. Trong khi tại Thái Lan là 3.500 kwh/người/năm, tại Mỹ là 12.000 kwh/người/năm. Kinh tế đang phát triển, đời sống được nâng cao, nhu cầu về điện năng tăng lên là điều tất yếu.
Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng. |
Theo kế hoạch, đến năm 2020, sản lượng điện cả nước sẽ đạt 240 tỷ kwh và năm 2030 đạt 500 tỷ kwh... Trong khi đó, các nguồn năng lượng sơ cấp đã cạn kiệt. Thủy điện coi như đã khai thác gần hết, khí dùng để phát điện sau năm 2020 sản lượng sẽ giảm và chắc chắn phải nhập khẩu với chi phí cao. Than cũng phải nhập khẩu nhiều để đáp ứng cho các nhà máy điện.
Cụ thể, việc cung cấp than cho điện sẽ rất căng thẳng. Nhiệt điện than chiếm khoảng 50% tổng sản lượng điện sản xuất ra, theo tính toán, đến 2025 cần 95 triệu tấn than và 2030 cần 129 triệu tấn than để phát điện. Song sản lượng than sản xuất trong nước vào năm 2025 chỉ đạt khoảng 50 triệu tấn và 2030 đạt 57 triệu tấn, cung cấp cho các ngành khác khoảng 10 triệu tấn, còn lại cấp cho nhiệt điện. Vì vậy, nhập khẩu sẽ rất lớn.
Tuy nhiên, để nhập khẩu than không dễ. Hiện vẫn chưa biết nhập của ai, với giá bao nhiêu. Và điều đáng lo hơn còn nằm ở đầu tư hạ tầng như cảng biển, hệ thống đường giao thông... để đưa than đến các nhà máy. Đây sẽ là những khoản đầu tư khổng lồ, đến nay vẫn chưa biết lấy đâu ra.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tiêu thụ điện năng vẫn quá cao và thiếu hiệu quả.
Ông Tài phân tích, trong 10 năm qua, tăng trưởng điện trung bình mỗi năm đều trên 11%, rất cao so với tăng trưởng GDP, chỉ xung quanh mức 6%. Như vậy, tính bình quân, mỗi 1% tăng trưởng GDP thì phải có 2% tăng trưởng điện năng, trong khi các nước khác chỉ từ 0,5% - 1% tăng trưởng điện năng cho 1% tăng trưởng GDP.
Ông Đỗ Mạnh Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty Schmeider Electric Việt Nam, trích số liệu từ Bộ Công thương cho thấy, công nghiệp xi măng hiện lãng phí 50% năng lượng, dệt may 30%, thép 20%, gốm 35%, chế biến thực phẩm 20%, nông nghiệp 50%, các tòa nhà thương mại 25%...
Bên cạnh đó, thì điện tại Việt Nam cũng bị kẹt cũng về giá. Giá thấp là nguyên nhân khiến sử dụng bừa bãi, không quyết liệt trong việc tìm kiếm các giải pháp tiết kiệm điện, đổi mới công nghệ sản xuất... Các số liệu cho thấy, giá điện bình quân tại Việt Nam hiện là 7,27 cent Mỹ cho 1 kwh, trong khi tại Thái Lan là 12,7 cent, nhưng sản phẩm của Thái Lan vẫn có giá cạnh tranh hơn, so với Việt Nam.
Các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. |
Theo ông Nguyễn Tài Anh, để đáp ứng nhu cầu điện, giai đoạn 2016-2020 cần khoảng 40 tỷ USD, trung bình 7,9 tỷ USD mỗi năm và giai đoạn 2021-2030 cần 108 tỷ USD, trung bình 10,8 tỷ USD mỗi năm.
Đây là con số vốn khổng lồ, rất khó có thể thu xếp. Không đáp ứng đủ thì nguy cơ thiếu điện khó tránh khỏi. Trước thực tế này, nhiều chuyên gia lo ngại việc tăng giá điện là lộ trình không thể tránh khỏi.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Việt Nam là quốc gia sở hữu nhiều nguồn năng lượng tái tạo. Cụ thể, năng lượng mặt trời có thể cung cấp ít nhất 35%, trong khi năng lượng gió có thể cung cấp ít nhất 13%, nhu cầu điện của Việt Nam vào năm 2050.
Tuy nhiên, trong Quy hoạch Phát triển Điện lực quốc gia, giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030, Việt Nam vẫn chỉ tập trung cho kế hoạch phát triển điện dựa chủ yếu vào các dự án thủy điện và các dự án nhiệt điện dùng nhiên liệu hóa thạch, không thân thiện với môi trường.
Vì thế, theo các chuyên gia, cần phải có điều chỉnh lại quy hoạch và chiến lược phát triển điện. Đặc biệt, phải tạo ra mức giá hợp lý, để thu hút các nhà đầu tư. Cùng với đó là chính sách sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bởi theo tính toán, cứ tiết kiệm được 1 đơn vị điện năng thì tương đương với 3 đơn vị điện sản xuất và giảm thiểu phát thải Co2.
Trần Thủy