Việt Nam đã bước vào giai đoạn tăng tốc của nền kinh tế số. Xu hướng số hóa đang phủ khắp nhiều lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là ngân hàng - tài chính - tín dụng - tiêu dùng. Các hoạt động truyền thống của doanh nghiệp đang được thay thế bằng công nghệ, thực hiện trên không gian mạng, không tiếp xúc, hoạt động 24/7. Công nghệ điện toán, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu bắt đầu được sử dụng để chấm điểm tín dụng tổ chức và cá nhân, để phát triển khách hàng, mở rộng thị trường. Cùng với đó, công nghệ chuỗi khối giúp kết nối thanh toán, công nghệ chuyển tiền quốc tế, công nghệ QR code, sinh trắc nhận diện vân tay, khuôn mặt để xác nhận khách hàng... giúp đảm bảo an ninh, an toàn các hoạt động thanh toán trực tuyến.

Đặc biệt, hàng loạt công ty tài chính sử dụng công nghệ số (Fintech) xuất hiện và ngày càng lớn mạnh, cung cấp các dịch vụ tài chính đa dạng (thanh toán điện tử, huy động vốn cộng đồng, cho vay ngang hàng, quản lý tài sản…) chiếm thị phần ngày càng lớn trên thị trường. Là người đến sau trong hệ sinh thái tài chính, Fintech mau chóng liên kết với các tổ chức tài chính mở rộng dịch vụ và hoạt động trên bức tranh ngân hàng số và tín dụng thông minh.

Nhờ thế, thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, thị trường cho vay tiêu dùng liên tục tăng trưởng hai con số trong vòng ba năm qua, trong khi dư địa cho mảng dịch vụ này của Việt Nam còn rất lớn với hàng triệu tỷ đồng.

{keywords}
 

Tuy nhiên năm 2021, phân khúc cho vay tiêu dùng ở các công ty tài chính “ngấm đòn”của đại dịch Covid-19; tín dụng gần như không tăng trưởng, nợ xấu tăng mạnh.

Trong khi thu nhập của khách hàng vay tiêu dùng giảm mạnh, theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, phần lớn người dân vẫn không tiếp cận được nguồn vốn chính thống. Hiện có khoảng 47% người Việt tham gia vay tiền, nhưng chỉ 18,5% là vay từ những tổ chức tín dụng và các tổ chức tài chính chính thức, phần còn lại là vay từ người thân, bạn bè, đặc biệt là "tín dụng đen".

Để các doanh nghiệp tối ưu hóa được thị trường cho vay tiêu dùng đang còn rất rộng lớn, và tạo cơ hội cho người dân tiếp cận được các nguồn vốn vay dễ dàng - nhanh chóng - an toàn, các chuyên gia tin rằng số hoá sẽ quyết định sự thành công. Thành công này cần sự kết hợp của ba chân kiềng: Các nhà cung cấp sản phẩm số hóa, Thế hệ tiêu dùng mới và Cơ quan quản lý thiết kế luật chơi.

Góp phần kiến tạo sân chơi công bằng, minh bạch nhưng vẫn thúc đẩy sự phát triển của nền tài chính số, trong đó có thị trường vay tiêu dùng, Báo VietNamNet phối hợp FE Credit thực hiện mở Tiểu mục Tài chính 4.0 - Điểm tín dụng công dân.

Tại đây, các nhà quản lý, nhà kinh doanh, chuyên gia, người tiêu dùng sẽ cùng chia sẻ thông tin trong nước và trên thế giới, cùng hiến kế khai thông thị trường tài chính - tín dụng, đóng góp các giải pháp hoàn thiện pháp luật hiện hành đối với cho vay trực tuyến, phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam.

Chúng tôi tin rằng một thị trường tài chính thông minh và văn minh sẽ luôn được ủng hộ như cấu phần quan trọng của nền kinh tế số, nơi mọi đối tượng kinh doanh và sử dụng dịch vụ hoạt động đúng pháp luật, được bảo vệ trước rủi ro bằng hệ thống chính sách và được đánh giá bằng thang đo uy tín.

{keywords}
 

Tài chính 4.0 - Điểm tín dụng công dân là nơi VietNamNet phối hợp cùng FE Credit - công ty tài chính tiêu dùng hàng đầu tại Việt Nam với hơn 45% thị phần, hơn 21.000 điểm giới thiệu dịch vụ và hơn 16.000 nhân viên trên toàn quốc để phát triển các ý tưởng giá trị và kiến tạo thị trường tín dụng hiện đại, thúc đẩy kinh tế số và hội nhập mạnh mẽ.

Hy vọng sự ra đời của tiểu mục này sẽ nâng cao nhận thức của xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi số, từ đó thiết kế một văn hóa tiêu dùng mới không chỉ của thị trường gần 100 triệu dân mà còn trở thành nền tảng cho vô số dịch vụ của nền kinh tế số trong tương lai.

VietNamNet