CTCP Tập đoàn Masan (MSN) của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang vừa thông báo Tập đoàn Alibaba và Baring Private Equity Asia (BPEA) đã thỏa thuận mua cổ phần phát hành mới của The CrownX (TCX) với tổng giá trị tiền mặt là 400 triệu USD, tương đương 5,5% tỷ lệ sở hữu sau phát hành.

The CrownX là nền tảng tiêu dùng bán lẻ hợp nhất của Masan Consumer Holdings (MCH) và VinCommerce (VCM). Thông qua giao dịch này, The CrownX được định giá 6,9 tỷ USD (trước phát hành) cho 100% vốn chủ sở hữu, tương đương trị giá mỗi cổ phần là 93,5 USD (xấp xỉ 2.150.000 đồng). Sau đợt phát hành này, tỉ lệ sở hữu của Masan tại The CrownX là 80,2%.

The CrownX sẽ hợp tác với Lazada thúc đẩy chuyển đổi số, tăng tốc phát triển thị trường bán lẻ tích hợp từ offline đến online (“O2O”) tại Việt Nam, xây dựng hệ sinh thái tiêu dùng - bán lẻ ứng dụng công nghệ đầu tiên của Việt Nam, mở rộng phạm vi phục vụ người tiêu dùng trên toàn quốc. Hướng đến chuyển đổi The CrownX trở thành một Point of Life - “tất cả trong một” phục vụ các nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người tiêu dùng trên các kênh mua sắm offline và online.

Bên cạnh đó, VinCommerce (VCM) sẽ hợp tác để trở thành nhà bán lẻ nhu yếu phẩm hàng đầu trên nền tảng thương mại điện tử Lazada.

{keywords}
Ông Nguyễn Đăng Quang

Nhu yếu phẩm hiện chiếm 50% thị trường bán lẻ Việt Nam và 25% chi tiêu tiêu dùng của người Việt. Tuy mua sắm với tần suất hàng ngày nhưng khả năng người tiêu dùng tiếp cận mặt hàng nhu yếu phẩm thông qua online vẫn còn hạn chế. Masan đặt mục tiêu tổng giá trị hàng hóa từ kênh online của The CrownX chiếm ít nhất 5% tổng doanh số bán hàng trong thời gian tới.

Được biết, hiện tại Masan đang trong quá trình đàm phán một giao dịch đầu tư chiến lược với những nhà đầu tư khác trị giá từ 300 - 400 triệu USD vào The CrownX và dự kiến hoàn tất trong năm 2021.

Hồi đầu tháng 4, tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc SK Group đã mua lại 16,26% cổ phần của công ty nắm giữ cổ phần VinCommerce (VCM) với tổng giá trị tiền mặt là 410 triệu USD.

Trong nhiều năm qua, ông lớn Hàn Quốc, Nhật Bản và giờ đây là Trung Quốc đổ hàng tỷ USD vào Việt Nam ở nhiều lĩnh vực, không chỉ ngân hàng tài chính, bất động sản mà cả các ngành quan trọng khác như tiêu dùng nhanh, dược phẩm… 

Trước đó, giới đầu tư cũng đã chứng kiến hai thương vụ nổi bật là thương vụ SK chi 1 tỷ USD 6% cổ phần Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và vụ chi 470 triệu USD mua 9,4% cổ phần của Masan Group của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang.

Tập đoàn Hanwha - một tập đoàn kinh tế lớn thứ 7 tại Hàn Quốc hồi cuối 2019 đã có một bước mở rộng tại thị trường Việt Nam. Sau lĩnh vực bảo hiểm và đầu tư, ông lớn Hàn Quốc tiếp tục nhảy vào lĩnh vực chứng khoán với sự xuất hiện của Pinetree Securities.

Quỹ đầu tư STIC Investments của Hàn Quốc cũng đã rót vốn vào hàng loạt doanh nghiệp lớn tại Việt Nam. Một số quỹ và tập đoàn Hàn cũng được biết đến với vốn đổ vào Việt Nam như quỹ KIM, JB Financial Group, KB Financial Group Inc, Mirae Asset…

Giao dịch giữa SK Group và mới đây là Alibaba vào Masan là tín hiệu cho thấy, các tập đoàn nước ngoài quan tâm tới lĩnh vực bán lẻ nhu yếu phẩm hiện đại đầy triển vọng của Việt Nam. 

Các tập đoàn lớn trong và nước ngoài tin tưởng vào tiềm năng tăng trưởng bùng nổ của lĩnh vực bán lẻ nhu yếu phẩm hiện đại tại Việt Nam. Kênh thương mại hiện đại (MT) dự kiến sẽ chiếm 50% toàn ngành bán lẻ thay vì chỉ ở mức 8% như hiện nay, đưa Việt Nam trở thành thị trường MT phát triển nhanh nhất ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương trong thập kỷ tới.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), VN-Index quanh ngưỡng 1.260 điểm.

Theo BVSC, giai đoạn hiện tại tương đối thiếu vắng các thông tin hỗ trợ cho thị trường nên nhiều khả năng VN-Index sẽ tiếp tục biến động theo hướng giằng co với các nhịp tăng giảm đan xen trên trong vùng từ 1.200-1.220 điểm đến 1.275-1.285 điểm để tích lũy, tạo nền giá mới trong ngắn hạn.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/5, chỉ số VN-Index giảm 7,66 điểm xuống 1.258,7 điểm; HNX-Index tăng 2,06 điểm lên 296,79 điểm. Upcom-Index giảm 0,58 điểm xuống 80,42 điểm. Thanh khoản đạt 26,2 nghìn tỷ đồng.

V. Hà