Luật BHXH mới dự thảo thực ra là hợp lý hơn. Song vì sao chính sách đúng đắn đó lại gặp sự phản đối của người lao động?

Các nhà nước hiện đại đều buộc công dân phải đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) vì hai lí do.

Thứ nhất, nhà nước cho rằng xã hội luôn có những người ít có khả năng kiềm chế. Họ có thể sống buông thả, thích phung phí, hưởng lạc. Khi còn trẻ khỏe, làm ra bao nhiêu ăn tiêu hết, lúc ốm đau hoặc khi về già trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. BHXH là cách nhà nước buộc công dân phải tiết kiệm để lo cho tuổi già hoặc khi sa cơ lỡ vận. (Ở các xã hội trước đây, khi không có BHXH, việc nuôi người già cơ bản là trách nhiệm của con cháu. Con cháu chính là sổ hưu của các cụ ngày xưa.) 

Thứ hai, BHXH cùng các chính sách thuế là những công cụ để nhà nước thực hiện chức năng “xã hội”, mà bản chất là tái phân phối thu nhập, san sẻ một phần tài sản của nhóm người có thu nhập cao sang nhóm người có thu nhập thấp, hoặc từ những nhóm có lợi thế về thu nhập (đàn ông, người độc thân) sang những nhóm có ít lợi thế hơn (phụ nữ, người có gia đình, người tàn tật...). 

Trên thực tế, mô hình nhà nước xã hội, vốn hình thành ở Đức thời Bismarck, hiện là mô hình phổ biến khắp thế giới. Có thể nói, tất cả các nhà nước trên thế giới hiện nay đều là nhà nước xã hội. 

Có hai khuynh hướng chính trị lớn trong thời hiện đại là Dân chủ Tự do (liberal demoracy) và Dân chủ Xã hội (social democracy). Hai khuynh hướng này nỗ lực đưa ra những cách trả lời khác nhau cho những câu hỏi về Quan hệ giữa Nhà nước và Công dân. Nhà nước được quyền (nên hay không nên) can thiệp đến đâu vào các hoạt động của công dân?  

Xét về tư tưởng thì khuynh hướng Tự do (cánh hữu) cho rằng nhà nước càng ít can thiệp càng tốt, đặc biệt không nên can thiệp vào các hoạt động kinh tế, còn khuynh hướng Xã hội (cánh tả) lại cho rằng nhà nước nên can thiệp nhiều hơn, thậm chí nên giữ vai trò chủ đạo trong hoạt động kinh tế thông qua các công ty nhà nước. Về lí thuyết thì như vậy, nhưng trên thực tế, các đường biên giữa Tả và Hữu càng nhập vào nhau. Có nơi, các đảng cánh tả trên thực tế lại đưa ra những chính sách không khác gì một đảng cánh hữu - và ngược lại. 

{keywords}

Công nhân Công ty Pouyuen tập trung ở khu sinh hoạt để đối thoại với lãnh đạo Bộ Lao động. Ảnh: Quốc Thắng/ VnExpress.

Vì sao đúng đắn mà dân chưa tin?

Trở lại vấn đề BHXH đang tranh cãi ở Việt Nam.

Nếu xét trên mục đích của BHXH là đảm bảo an sinh cho người lao động khi về già hoặc khi gặp cảnh ốm đau, thất nghiệp, thì việc cho phép người lao động lĩnh tiền một cục sau vài năm làm việc sẽ khiến cho mục đích đó hoàn toàn không đạt được.

Giả sử một công nhân đi làm 3 năm, lĩnh BHXH một lần được 20 triệu đồng, thì anh ta hoàn toàn có thể phung phí hết số tiền đó, và nếu anh ta cứ làm việc thời gian ngắn lại bỏ việc, lĩnh BHXH một cục, thì đến tuổi hưu, anh ta hoàn toàn không có lương hưu. Thế thì BHXH để làm gì? Nếu thế thì thà cứ miễn cho anh ta khỏi đóng BHXH ngay từ đầu có tốt hơn không? Cứ trả lương đầy đủ cho anh ta rồi để anh ta tự tiết kiệm! Song nếu con người ai cũng có khả năng tự lo cho bản thân như thế thì chúng ta đâu cần BHXH làm chi? 

Vì vậy, tôi cho rằng chính sách cho lĩnh tiền BHXH một cục là một chính sách nửa vời. Luật BHXH mới dự thảo thực ra là hợp lý hơn. Người mất việc có thể được trợ cấp thất nghiệp một thời gian (do anh ta đóng bảo hiểm thất nghiệp) cho đến khi tìm được việc làm, còn bảo hiểm hưu trí thì chỉ khi nào đến tuổi hưu anh ta mới được lãnh, trừ những trường hợp đặc biệt như người lao động mắc bệnh hiểm nghèo, ra nước ngoài sinh sống v.v… Có như thế thì BHXH mới có ý nghĩa. 

Song vì sao chính sách đúng đắn đó lại gặp sự phản đối mạnh của người lao động? Theo tôi có hai lý do.  

Lý do thứ nhất là sự thiếu niềm tin. Người lao động không tin rằng tiền của họ ở Quỹ BHXH được quản lý hiệu quả, họ cũng không tin rằng sau 15-20-30 năm nữa họ sẽ có cơ hội nhận được số tiền hưu xứng đáng. Nói thẳng ra, từ các kinh nghiệm tồi tệ trong quá khứ, ví dụ như kinh nghiệm mua trái phiếu, nỗi sợ một ngày nào đó Quỹ BHXH sẽ bị vỡ khiến người lao động không thể an tâm về tương lai của mình.  

Mặt khác, việc quản lý quỹ bảo hiểm thiếu minh bạch, những hoạt động đầu tư gây thất thoát đến cả nghìn tỷ[1], việc thiếu cam kết mạnh mẽ về những trường hợp rủi ro cho người lao động như lạm phát cao, vỡ quỹ bảo hiểm[2], cũng như những chính sách thiếu bình đẳng về quyền lợi của người đóng bảo hiểm giữa người làm trong khối nhà nước và khối tư nhân… khiến cho người lao động càng bất an.

Lý do thứ hai là những yếu kém về truyền thông và năng lực thuyết phục của chính quyền, các cơ quan thực thi. Ngay chính một lãnh đạo của bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khi lý giải nguyên nhân quan trọng khiến người dân phản ứng với việc hạn chế BHXH một lần, cũng đã thừa nhận: “Công tác tuyên truyền, phổ biến luật của chúng ta đôi khi mang nặng tính hình thức ở chỗ chỉ nhắc lại những điều được quy định trong luật mà không giải thích rõ cho người lao động biết được sự ưu việt của chính sách, tạo nên sự đồng thuận trong xã hội[3].

Trong xã hội hiện đại, việc người dân phản đối một chính sách nào đó là bình thường. Đó là những hoạt động lành mạnh, cần được bảo vệ. Song một chính phủ tốt là một chính phủ không phải khi nào cũng chiều theo ý của số đông, bởi không phải khi nào số đông cũng đúng. Một chính phủ tốt là một chính phủ biết đưa ra những chính sách đúng và thuyết phục được số đông ủng hộ chính sách đó.  

Dĩ nhiên, thuyết phục không phải là dùng các biện pháp phi dân chủ để cưỡng bức, mà phải dựa trên truyền thông đúng đắn để số đông hiểu đúng về chính sách mới. Song trên hết, điều quan trọng nhất là bản thân chính phủ đó phải thể hiện ra được là họ nghiêm túc, trong sạch, thẳng thắn.

Đinh Bá Anh

---

[1] Quỹ Bảo hiểm xã hội: Coi như mất trắng 1.052 tỉ đồng!, Báo Lao động, 25/04/2014.

[2] Vỡ Quỹ bảo hiểm, những báo động đáng sợ?, VietNamNet, 09/05/2014.

[3] Thứ trưởng Lao động: 'Đối thoại là cách nhanh nhất để gỡ vướng mắc cho công nhân', VnExpress, 3/4/2015.