Căn cứ vào chính sách này, cộng thêm khả năng mạnh dạn mà Quảng Nam đã áp dụng cho trường hợp của tân Giám đốc Sở KHĐT 30 tuổi, sao lại không hy vọng tỉnh nhà sẽ mau chóng trải thảm đón nhiều nhân tài khác?

Dư luận vẫn xôn xao về nhân tài trẻ ở Quảng Nam, về quyết định 42 của tỉnh nhà  chỉ đầu tư được kinh phí  du học cho duy nhất 1 người mà nay đã lên làm Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư. Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu Quảng Nam có thiếu nhân tài? Và nếu có nhân tài ngang hay vượt hơn cỡ tân giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư  thì liệu tỉnh nhà có lập tức trải thảm đỏ mời về làm sếp hay không?

Tài năng trẻ đất Quảng có thiếu?

Quảng Nam vốn nổi danh là vùng “đất học”, quê hương của những nhân vật kiệt xuất như Tiến sĩ Hán học Huỳnh Thúc Kháng, Phó bảng Phan Châu Trinh, Phó bảng Nguyễn Dục, Phó bảng Nguyễn Tựu… Còn thời nay, chỉ sơ sơ tìm hiểu, người viết đã thấy được không ít gương mặt trẻ tài năng nổi trội.

Huỳnh Minh Việt quê ở Gò Nổi, Điện Bàn, Quảng Nam mới ngoài 30 tuổi. Anh từ lâu nổi tiếng trong làng nhân sĩ trí thức vì khả năng học tập xuất sắc và ước mơ cống hiến cho quê hương. Từ một học sinh thi đậu học bổng AStar của Chính phủ Singapore, sau chương trình tú tài, anh đã vào được đại học Stanford bằng học bổng. Kế đó, anh đã tốt nghiệp trường này với hai bằng cử nhân kinh tế và thạc sĩ quản trị công nghiệp. Anh tiếp tục nhận học bổng ở Harvard để lấy bằng MBA.

Năm 2005, Huỳnh Minh Việt được chọn là một trong số 50 sinh viên xuất sắc nhất toàn cầu được cử tham dự chương trình lãnh đạo thế giới do Quỹ từ thiện của Goldman Sasch và Viện giáo dục quốc tế của Mỹ tổ chức. Từng làm việc tại Morgan Stanley, sau 14 năm học tập và làm việc tại Singapore, Anh và Mỹ, Huỳnh Minh Việt đã trở về Việt Nam để cống hiến.

Về kinh nghiệm làm việc, sau khi về VN, anh từng làm Giám đốc đầu tư khu đô thị Ecopark. Anh cũng đã làm trợ lý TGĐ cho nhiều công ty như Cổ phần khoáng sản Đất Quảng Chu Lai, trợ lý Chủ tịch thép Úc và thép Việt Úc, Phó tổng giám đốc Quỹ đầu tư TAEL. Nay anh đang là giảng viên Đại học Quốc gia TPHCM và chương trình JVN và đang tham gia vào nhiều dự án phát triển giáo dục.

Trong khi đó, các nhân tài xứ Quảng vửa trẻ trung, vừa ham học hỏi cũng đang tiếp tục nở rộ, mà đa phần từ con nhà nghèo học giỏi, nỗ lực. Ví như tại vùng quê nghèo ở xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, Quảng Nam có chàng trai Phan Thế Hoàng, sinh năm 1989 hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ bằng học bổng của trường cấp tại University of Wollongong, Australia. Anh từng là thủ khoa của Khoa Kỹ thuật giao thông, đại học Bách khoa TPHCM. Đang ở những năm tháng cuối của chương trình nghiên cứu sinh, Phan Thế Hoàng đang bày tỏ nguyện vọng được cống hiến cho cộng đồng sau khi tốt nghiệp.

{keywords}
Nhân tài là nguồn lực quan trọng của quốc gia. Ảnh minh họa: VOV

Gần đây ở Tam Kỳ, Quảng Nam là hai chị em ruột tên Lê Mai Thanh Thảo, Lê Mai Thanh Đức đều do học giỏi mà có được học bổng du học tại Na Uy và Mỹ. Trong đó em Đức được trường Macalester tại Mỹ cấp học bổng 4 năm lên tới 270.000 USD. Còn em Thảo là thạc sĩ du học tại BI Norwegian Business School (top 20 trường đại học kinh tế hàng đầu châu Âu). Trước đó, ngay tại trường chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quảng Nam cũng có những học sinh do thành tích xuất sắc đã nhận học bổng du học nước ngoài.

Đó là mới kể những nhân tài xứ Quảng du học bằng học bổng từ thành tích xuất sắc, nếu kể cả những nhân tài thủ khoa hay tốt nghiệp hạng ưu từ các đại học trong nước danh tiếng, đã có kinh nghiệm làm việc ở nhiều cơ quan, đơn vị lớn thì chắc chắn có tới hàng trăm, hàng ngàn chứ chẳng chơi.  Chưa kể là ngoài quê xứ Quảng, nếu có chính sách tốt ắt sẽ có người tài đến.

Nhân đà “GĐ sở 30 tuổi”…

Nhớ lại hồi tháng 10/2014, UBND tỉnh Quảng Nam từng ban hành đề án thu hút nhân tài từ 2014 - 2020, có tờ báo từng chạy tiêu đề “Quảng Nam trải 32 tỷ đồng đón nhân tài về quê”. Theo đó ngoài các chế độ, chính sách theo quy định chung, các đối tượng này còn được hỗ trợ kinh phí một lần từ 30 triệu (cử nhân) cho đến 300 triệu (tiến sĩ). Và trong đề án này, Quảng Nam cũng hứa sẽ xem xét các đối tượng này để xem xét quy hoạch, bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo nếu quá trình làm việc phát huy hiệu quả tốt. Chính sách này đặc biệt quan tâm đến sinh viên có hộ khẩu Quảng Nam.

Vậy căn cứ vào chính sách này, cộng thêm khả năng mạnh dạn mà Quảng Nam đã áp dụng cho trường hợp của tân Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư 30 tuổi, vì sao chúng ta không hy vọng tỉnh nhà sẽ mau chóng ban hành hàng loạt quyết định mới.

Giả dụ như tỉnh đã tiên phong bổ nhiệm anh Lê Phước Hoài Bảo vừa du học bằng tiền thuế của dân về, cứ vài tháng qua một chức vụ để kịp lên làm GĐ Sở KHĐT, thì cũng có thể “trải thảm” mời anh Huỳnh Minh Việt, nhân tài tự tìm học bổng có cả bằng ở Stanford lẫn Harvard, từng kinh qua nhiều công việc quan trọng có thể lên làm Giám đốc Sở Tài chính và tương lai, rồi lên thẳng Phó chủ tịch tỉnh phụ trách Kinh tế chăng? Hoặc anh Phan Thế Hoàng nếu chỉ vừa tốt nghiệp tiến sĩ mà nhận được lời trọng dụng của tỉnh nhà về công tác ở Sở Giao thông công chánh và quy hoạch thành Giám đốc Sở tương lai thì sao nhỉ?

Chỉ cần vài quyết định như vậy mà hiệu quả, có thể tin rằng Quảng Nam chắc chắn sẽ là vùng đất của hiền tài, người dân ấm no hạnh phúc thay vì tiếng xấu là tỉnh chuyên nhận tiền cứu đói cho dân hàng năm như hiện nay.

Nguyễn Anh Thi