Các mục tiêu chính sách của Trung Quốc tại Biển Đông năm 2020 vẫn không thay đổi: Thúc đẩy tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp, đồng thời tiếp tục làm suy yếu tuyên bố chủ quyền của các nước Đông Nam Á thông qua hoạt động trên thực địa cũng như chính sách nội địa cùng hoạt động tuyên truyền.

Gây hấn trên thực địa

Năm 2020, Trung Quốc tiếp tục sử dụng các tiền đồn trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) để hỗ trợ các hoạt động của hải quân và cảnh sát biển.

Từ những tháng đầu năm, tàu chấp pháp Trung Quốc hiện diện liên tục ở Biển Đông. Tàu cảnh sát biển 5302 của nước này có mặt ở một số thực thể của Trường Sa trong tháng 3.

{keywords}
Lực lượng hải cảnh Trung Quốc ngày càng tỏ ra hung hăng ở Biển Đông, đe dọa tàu thuyền các nước. Ảnh: SCMP/AP

Lúc 3h sáng 2/4, khi một tàu cá Quảng Ngãi đang hoạt động trên vùng biển Trường Sa thì bị tàu Trung Quốc đâm chìm. Hôm sau, Trung Quốc uy hiếp 2 tàu cá Quảng Ngãi khác đến ứng cứu và đưa về đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa của Việt Nam, rồi chiều tối mới thả 2 tàu này và 8 ngư dân của tàu cá bị đâm chìm ngày 2/4.

Học giả Derek Grossman, Viện RAND (Mỹ) cho rằng vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam cho thấy "Trung Quốc sẵn sàng sử dụng vũ lực để đảm bảo yêu sách Biển Đông”.

Ngày 23/4, tàu hải quân Philippines tuần tra ở khu vực mỏ dầu Malampaya bị tàu chiến 541 của Trung Quốc chĩa rađa vào. Ngày 5/5, 3 tàu cảnh sát biển Trung Quốc xuất hiện gần bãi cạn Scarborough ở Biển Đông. Cách đó khoảng 40 hải lý, một tàu của Philippines đang khoan thăm dò. Ngoài ra, lực lượng hải cảnh Trung Quốc đã tịch thu trái phép thiết bị đánh bắt cá tổng hợp của 1 ngư dân Philippines. Bộ Ngoại giao Philippines đã gửi công hàm ngoại giao phản đối hành động này.

Ở khu vực Bồn trũng Nam Côn Sơn, Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam khi sáng 15/7, tàu cảnh sát biển Trung Quốc lần thứ 4 tiến vào lô 06.01 mà Việt Nam đang tiến hành hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí.

Ngoài ra, Trung Quốc còn triển khai các máy bay trinh sát trên đá Chữ Thập (quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Trang tin Jane's (Anh) ngày 12/5 trích dẫn hình ảnh vệ tinh cho thấy các máy bay của hải quân Trung Quốc hiện diện trên đá Chữ Thập, gồm 1 máy bay chống ngầm KJ-200, 1 máy bay cảnh báo sớm KJ-500 và 1 trực thăng Z-8.

Trong tháng 8, quân đội Trung Quốc triển khai máy bay ném bom H-6J tới đảo Phú Lâm. Tháng 10, họ điều động tàu và máy bay để theo dõi tàu khu trục mang lên lửa dẫn đường John S. McCain của Mỹ, khi tàu này tiến hành hoạt động tự do hàng hải (FONOP) gần Hoàng Sa.

Dùng pháp luật nội địa để củng cố yêu sách trái phép

Thành lập “khu Tây Sa" và “khu Nam Sa”

Ngày 18/4, Bộ Dân chính Trung Quốc ngang nhiên thông báo Quốc Vụ viện vừa phê chuẩn thành lập cái gọi là "khu Tây Sa" và "khu Nam Sa" thuộc thành phố Tam Sa, tỉnh Hải Nam.

Cũng theo phía Trung Quốc đưa tin, “khu Tây Sa » quản lý các đảo thuộc quần đảo Tây Sa (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và bãi Macclesfield (quần đảo Trung Sa) và vùng nước phụ cận.

{keywords}
Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Ảnh: CSIS/AMTI

Trung Quốc đặt cái gọi là "chính quyền khu Tây Sa" đóng tại đảo Phú Lâm - cấu trúc lớn nhất thuộc Hoàng Sa, còn “khu Nam Sa” "quản lý" các đảo thuộc quần đảo Nam Sa (quần đảo Trường Sa của Việt Nam) và vùng nước phụ cận, cái gọi là "chính quyền khu Nam Sa" đóng tại đá Chữ Thập - một cấu trúc thuộc Trường Sa mà Trung Quốc đã quân sự hoá gần đây.

Đẩy mạnh hoạt động dân sinh trên đảo nhân tạo

Trung Quốc đang xây dựng khả năng tự cung tự cấp cho các thực thể nhân tạo chiếm đóng phi pháp trên Biển Đông nhằm đưa thêm người, gồm cả binh sĩ và "dân thường" ra đồn trú.

Hải quân nước này bắt tay với Đại học Trùng Khánh để thử nghiệm công nghệ mới trên mảnh đất rộng 300m2 ở Phú Lâm, sau 1 tháng thu hoạch được hơn 750kg rau xanh nhờ công nghệ trồng trên cát. Công nghệ này sẽ được nhân rộng ra các thực thể khác bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép trên Biển Đông.

Công bố danh xưng tiêu chuẩn cho các thực thể

Ngày 19/4, Bộ Tài nguyên thiên nhiên và Bộ Dân chính Trung Quốc công  bố cái gọi là “danh xưng tiêu chuẩn của 25 đảo, đá trên Biển Đông” và “55 thực thể địa lý dưới đáy Biển Đông”.

Các thực thể này tập trung chủ yếu ở phần phía tây Biển Đông, nằm dọc theo cái gọi là “đường lưỡi bò”. Đáng chú ý, trong những thực thể này có những bãi cạn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, có điểm chỉ cách bờ biển Việt Nam chưa đầy 60 hải lý hoặc đường cơ sở Việt Nam khoảng 50 hải lý.

Danh sách 80 thực thể được đăng trên website của Bộ Dân chính Trung Quốc. Thay đổi khái niệm “vùng biển ven bờ”

Trung Quốc mới đây công bố bản sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 1/8) "Quy tắc kỹ thuật để kiểm tra theo luật định tàu biển trong các chuyến đi nội địa" ban hành từ năm 1974.

Trong văn bản này, Trung Quốc đã thành lập cái gọi là "Vùng hàng hải Hải Nam - Tây Sa". Vùng này nằm giữa 2 điểm trên đảo Hải Nam và 3 điểm trên quần đảo Hoàng Sa.

Trung Quốc cũng thay đổi thuật ngữ, gọi khu vực này là "vùng ven biển", thay cho cụm từ "vùng biển ngoài khơi" trước đây. Trong khi đó, các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa chỉ có lãnh hải 12 hải lý, không có khả năng tạo ra vùng đặc quyền kinh tế để tạo ra "vùng ven biển" như Trung Quốc nhận định.

Công bố luật Cảnh sát vũ trang mới sửa đổi

Ngày 20/6, Chủ tịch Trung  Quốc Tập Cận Bình ký lệnh công bố luật Cảnh sát vũ trang mới sửa đổi. Luật mới quy định rõ cảnh sát vũ trang chịu trách nhiệm thực thi quyền chấp pháp trên biển thông qua lực lượng Cảnh sát biển.

Theo luật này, cảnh sát biển được tích hợp nhiều hơn nữa vào lực lượng quân sự, tham gia huấn luyện, tập trận và cứu hộ, cứu nạn chung với Hải quân, và trong tình huống khẩn cấp, Quân ủy TƯ sẽ nắm quyền điều hành Cảnh sát biển.

{keywords}
Một tàu hải cảnh Trung Quốc áp sát tàu hải quân Indonesia đang tuần tra gần quần đảo Natuna

Động thái này nhằm tăng cường sự hợp tác giữa Cảnh sát biển và quân đội, với mục đích tăng cường áp lực lên Biển Đông cũng như các vùng tranh chấp khác. Giới quan sát quốc tế nhận định, với luật sửa đổi, Cảnh sát biển thực sự là “lực lượng hải quân thứ hai của Trung Quốc” trên biển.

Công bố dự thảo luật, trao nhiều đặc quyền cho Hải cảnh

Dự luật Hải cảnh được Bắc Kinh công bố trên trang mạng của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc ngày 4/11 để trưng cầu ý dân cho đến ngày 3/12.

Dự luật này trao quyền cho lực lượng Hải cảnh, bao gồm cả việc sử dụng vũ khí, khi chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền và quyền tài phán bị các tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài xâm phạm trên biển hoặc đối mặt với nguy cơ sắp bị xâm phạm bất hợp pháp.

Hải cảnh được đưa các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã bồi lấp, cải tạo và xây dựng trái phép trên Biển Đông vào trong phạm vi bảo vệ của lực lượng này…

Hải cảnh được dỡ bỏ các công trình do nước ngoài xây dựng tại những vùng biển thuộc "quyền quản lý" của lực lượng này. Ngoài ra, Hải cảnh còn được tịch thu và tiêu hủy tàu nước ngoài nếu họ "xâm phạm trái phép vùng biển" của Trung Quốc.

Có thể thấy, dự luật là bước đi nhằm tăng cường sự hợp tác giữa Hải cảnh và Hải quân Trung Quốc, tạo tiền đề cho phép Hải cảnh tăng cường hiện diện trên các vùng biển.

Cấm đánh bắt cá

Lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông bắt đầu từ 12h ngày 1/5 đến 12h ngày 16/8, phạm vi cấm trải dài từ vùng biển phía Bắc Biển Đông đến 12 độ vĩ Bắc, bao gồm cả một phần vịnh Bắc bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Tuyên truyền về yêu sách chủ quyền sai trái

Trung Quốc tuyên truyền về yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông thông qua rất nhiều cách thức như cài cắm “đường lưỡi bò” trong các tài liệu hội thảo…

Ngày 16/3, trên trang Facebook và Twitter của Đại sứ quán Trung Quốc tại Italy, một bài viết nói về tình đoàn kết giữa hai nước đã đính kèm hình ảnh “đường lưỡi bò”.

Họ lồng ghép tinh vi “đường lưỡi bò” trong phim ảnh, với tốc độ lan truyền nhanh chóng, từ phim “Điệp vụ biển đỏ” (tháng 3/2018), “Everest - Người tuyết bé nhỏ” phát hành tháng 10/2019, cho đến phim “Lấy danh nghĩa người nhà” phát hành năm 2020.

Bác bỏ phán quyết, diễn giải UNCLOS theo hướng có lợi

Từ sau khi Tòa trọng tài ra phán quyết năm 2016, các học giả Trung Quốc đã viết loạt bài bác bỏ thẩm quyền của Tòa cũng như giá trị của phán quyết.

Bên cạnh đó, Trung Quốc còn diễn giải các điều khoản liên quan của Công ước LHQ về Luật biển năm 1982 theo hướng có lợi cho mình. Họ diễn giải điều 8 trong Lời nói đầu ghi nhận: "Các vấn đề không quy định trong Công ước sẽ tiếp tục được điều chỉnh bằng các quy tắc và nguyên tắc của pháp luật quốc tế chung” để khẳng định rằng “UNCLOS không bao trùm mọi vấn đề trên biển”.

Từ đó, Trung Quốc tự diễn giải và áp dụng tập quán quốc tế theo hướng có lợi cho mình, đưa ra các yêu sách về thiết lập đường cơ sở và lãnh hải của một quốc gia quần đảo áp dụng cho quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, hay đưa ra các tuyên bố chủ quyền với "các vùng nước liền kề" và quyền chủ quyền với "vùng biển liên quan”, là các khái niệm không hề xuất hiện trong luật pháp quốc tế.

Hướng sự chỉ trích vào bên ngoài , đặc biệt là Mỹ

Các bài viết của tác giả Trung Quốc đều đưa đến kết luận rằng Mỹ là nhân tố then chốt "phá hỏng cục diện hòa bình ổn định” và “quân sự hóa” Biển Đông, hay Mỹ mới chính là nước muốn khống chế Biển Đông thông qua chiêu bài thực thi quyền tự do hàng hải ở vùng biển này.

Trung Quốc sử dụng những hình ảnh đẹp đẽ để truyền bá về một đất nước yêu chuộng hòa bình, có trách nhiệm, tuân thủ pháp luật quốc tế.

Nhưng trên thực tế, những hình ảnh đó và hành động của Trung Quốc không hề tương thích với nhau, những nội dung tuyên truyền của Trung Quốc về Biển Đông đa phần là sai trái, nhưng đẩy mạnh tuyên truyền để những quan điểm sai này ăn sâu vào nhận thức của dư luận trong nước và quốc tế.

Kỳ tới: Biển Đông 2020: Mỹ chỉnh chính sách, Đông Nam Á cứng rắn hơn với Trung Quốc

Việt Hoàng      

Dự luật hải cảnh Trung Quốc: Tăng hiện diện, ‘đòn thử’ với tân Tổng thống Mỹ

Dự luật hải cảnh Trung Quốc: Tăng hiện diện, ‘đòn thử’ với tân Tổng thống Mỹ

Trong khi dư luận thế giới theo dõi bầu cử ở Mỹ, căng thẳng trên Biển Đông vẫn không thuyên giảm với các hành động đầy khiêu khích từ Bắc Kinh.