- Tưởng rằng sinh ra hai đứa con có nếp có tẻ vậy là hạnh phúc lắm rồi. Thế nhưng họ chưa được một ngày an nhàn, hưởng trọn niềm vui thì đứa con trai duy nhất lại mang dị tật bại não bẩm sinh…Số phận dường như đang đày đọa lên đôi vai của đôi vợ chồng già.

TIN BÀI KHÁC:

Đứa con bại não

Người con trai bị bệnh bại não từ nhỏ!
Một hoàn cảnh thật éo le giữa đời thường đang rơi vào cùng cực của nghèo đói và bất hạnh, bởi hai tấm thân đã già nua nhưng vẫn ngày ngày chăm lo từng bữa cho đứa con trai dị tật của mình. Đó là gia đình ông Nguyễn Thế Thơi (64 tuổi) và bà Phan Thị Lan (69 tuổi) ở xóm Đông Phú, xã Hậu Thành, Yên Thành – Nghệ An.

Qua mấy câu hỏi thăm để tìm đường, không mấy khó khăn chúng tôi tìm đến nhà ông bà Thơi bởi nơi đây ai cũng bảo gia đình này thuộc dạng “đặc biệt” nhất. Trên con đường quanh co những ổ gà, nhà bà Lan nằm sâu trong xóm nhỏ nghèo xơ xác, xung quanh là những rặng tre già.

Gặp chúng tôi, đôi mắt bà buồn trĩu kể lại: “Từ đời ông cha chúng tôi vốn đã nghèo đói lắm rồi, ngay căn nhà cũ nát này cũng là của bố mẹ chồng để lại cho con. Nghèo đói rồi cũng thành quen nhưng với quyết tâm mong có ngày thoát khỏi cảnh cùng cực này, vợ chồng đã cố gắng làm lụng bất kể nắng mưa để nuôi con khôn lớn, thế nhưng ở đời ai biết được chữ ngờ hả chú…nói được đến vậy, nước mắt mà đã trào ra”.

Đứa con gái đầu Nguyễn Thị Thảo, sinh năm 1975, chào đời trong sự vui mừng khôn xiết của gia đình nội ngoại. Đôi vợ chồng hạnh phúc khi đứa con chào đời làm cho cuộc sống thêm ý nghĩa.

Đến năm 1977 con thứ Nguyễn Thế Thắng sinh ra kháu khỉnh, bụ bẫm trông càng đáng yêu hơn. Có lẽ ông bà cũng chỉ mong chờ có vậy, một trai một gái cho vui cửa nhà, dù là lúc đó gia đình bà thuộc diện nghèo đói nhất cái xã này.

Ấy vậy mà nuôi mãi Thắng vẫn chỉ là đứa trẻ, không biết đi, không biết nói, và người thì ngày càng gầy khô dần. Như có sự linh cảm điều chẳng lành, ông bà đã cố gắng lấy thuốc thang về cho con uống nhưng rồi bệnh tật vẫn cứ vậy và ngày một trầm trọng hơn.

Nước mắt vợ chồng già

Gia đình nghèo đói, con cái lại bệnh tật, từ chỗ đang yên ấm hạnh phúc ông bà sống trong những lo sợ một ngày nào đó đứa con trai duy nhất sẽ bỏ bố mẹ mà đi.

Mỗi khi nhìn con đau đớn, lòng bà quặn thắt...
Ông Thơi nói: “Không biết số tôi sao khổ vậy, từ đời ông cha đã khổ lắm rồi, tưởng rằng vợ chồng chăm chỉ làm ăn để củng cố đời con, ai ngờ con trai lại ra vậy…”.

Con gái lớn biết hoàn cảnh gia đình khó khăn cũng đi làm thêm để phụ giúp gia đình, may mắn thay gặp được người cùng cảnh ngộ nên đã xây dựng gia đình. Vậy là vợ chồng già lại còng lưng để kiếm củ khoai, miếng cơm nuôi gia đình, chăm con bệnh.

Trong ngôi nhà đã cũ nát này, cái nồi cơm điện là có giá trị nhất đối với gia đình, mấy hôm nay trời trở rét nhưng bà vẫn mặc một manh áo đã cũ sờn. Đứa con trai ngơ ngẩn nằm ở chiếc chõng tre chân tay co quắp lại, tấm thân chỉ có da bọc xương cùng với tiếng kêu ú ớ trông thật đáng thương.

Con thì ngày một gầy yếu, suốt ngày chỉ ngớ ngớ ngẩn ngẩn, ăn không biết ăn, tắm rửa, sinh hoạt cá nhân…đều chỉ một chỗ trên chiếc chõng tre chông chênh. Đôi mắt anh nhìn chúng tôi như muốn nói điều gì đó mà sao không thể thốt thành lời, chứng kiến cảnh đấy mà lòng tôi như quặn thắt.

Biết chúng tôi đến, bà Hà hàng xóm nhà bà Lan cũng qua góp chuyện: “Nhà bà Lan từ trước tới giờ vẫn chỉ là căn nhà ông cha để lại đã tồi tàn đấy chú ạ, tưởng rằng vợ chồng sẽ được nhờ ở con cái lúc về già nhưng rồi gánh nặng lại chồng chất thêm”.

May mắn thay con trai của bà giờ cũng có chế độ trợ cấp của xã hội coi như cũng là niềm an ủi động viên phần nào nhưng từng đó thì có thấm vào đâu so với những lúc con lên cơn co giật phải đưa đi bệnh viện, những thứ thuốc đắt tiền khác cùng bao khoản chi tiêu trong nhà phải lo.

Hai vợ chồng già này vẫn ngày ngày quần quật với ba sào ruộng, rồi cố gắng làm thuê làm mướn thêm nhưng cái ăn thì vẫn chạy từng bữa… “Khổ quá chú ạ, giờ chỉ mong sao cho có thêm chút điều kiện mà chăm sóc cho con thôi, vợ chồng chúng tôi cũng già yếu rồi có biết sống chết lúc nào nữa đâu, nghĩ đến lúc đó mà thấy xót cho con quá” – Bà Lan mếu máo nói.

Bác Nguyễn Văn Phương, trưởng thôn xóm Đông Phú cho biết: “Hoàn cảnh nhà ông bà Thới quả thật rất khó khăn, dù chính quyền địa phương và bà con lối xóm luôn tận tình giúp đỡ ông bà ấy nhưng ngặt nỗi gia đình vẫn luôn trong nghèo khó, không biết còn có bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn như vậy nữa đang cần những vòng tay nhân ái của mọi người”.

Trong đôi mắt sâu hoắm của bà dường như chỉ còn biết chậc trào ra những giọt nước mắt của một đời làm mẹ mà đã không đem lại những điều may mắn đến với đứa con bé bỏng của mình, nỗi xót xa của người mẹ già khi từng ngày nhìn con vật vã trong cơn đau của bệnh tật.

Đức Chung
Mọi sự ủng xin gửi về:

1. Gửi trực tiếp bà Phan Thị Lan ở xóm Đông Phú, xã Hậu Thành, Yên Thành – Nghệ An.

2. Hoặc qua báo VietNamNet (Ghi rõ ủng hộ bà Phan Thị Lan)
Chuyển khoản: Đơn vị thụ hưởng: Báo VIETNAMNET
Số tài khoản: 0011002643148. Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam
198 Trần Quang Khải, Hà Nội
- Chuyển khoản từ nước ngoài:
- Bank account: VIETNAMNET NEWSPAPER
- The currency of bank account: 0011002643148
-Bank:
- BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM
-Address: 198 Tran Quang Khai, Hanoi, Vietnam
-SWIFT code: BFTVVNVX

3.Hoặc trực tiếp báo VietNamNet:
Phía Bắc địa chỉ: tầng 3, tòa nhà C’Land, 156 Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội
Phía Nam: Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam, số 51 Trương Định, P6, quận 3,TP.HCM. Điện thoại: 08.39309882 - Fax: 08.39309881
Email: banbandoc@vietnamnet.vn