Thông tin từ Sở GDCK TP.HCM cho biết, CTCP Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer (MCH) đã chính thức hoàn tất việc mua 52% cổ phần CTCP Bột giặt Net (Netco) với mức giá trung bình 48.000 đồng/cp, tương đương mức định giá Netco là 46 triệu USD (1.068 tỷ đồng).
Như vậy, Masan Consumer đã bỏ ra khoảng 555 tỷ đồng cho thương vụ này.
Đây được xem là bước đi chính thức của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang “lấn sân” vào mảng Chăm sóc cá nhân & gia đình, và là bước đi tiếp theo trong quá trình mở rộng danh mục hàng tiêu dùng và tích hợp các mảng kinh doanh gắn vào thế mạnh hệ thống phân phối của Masan (MSN).
Netco được biết đến là doanh nghiệp nội địa nhà sản xuất sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình khá nổi tiếng ở Việt Nam, bên cạnh những hãng lớn như Unilever, Procter & Gamble, Đại Việt Hương, LIX… với doanh thu thuần trong năm 2018 đạt gần 1,2 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận thuần sau thuế 81 tỷ đồng.
Sau thương vụ, giới đầu tư sẽ chứng kiến sự tích hợp sản phẩm của Netco vào hệ thống phân phối của Masan gồm 300.000 điểm bán lẻ truyền thống và nền tảng thương mại hiện đại gồm 3.000 siêu thị và siêu thị mini trên cả nước.
Tỷ phú Việt có những bước đi mạnh mẽ ngay đầu năm mới 2020. |
Trong năm 2019, tỷ phú Nguyễn Đăng Quang thực hiện cú sáp nhập mảng bán lẻ và nông nghiệp của Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng để tạo ra một tập đoàn bán lẻ - tiêu dùng tỷ USD tại Việt Nam.
Vingroup-Masan được xem có thể là thương vụ M&A lớn nhất trong năm 2019 bởi quy mô riêng mảng bán lẻ VinCommerce với khoảng 2.600 cửa hàng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã được khối ngoại mua bán giao dịch với mức giá lên tới 3 tỷ USD.
Thương vụ hợp tác này được xem là cơ hội lớn cho một tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng nhanh Masan của tiến sĩ Nguyễn Đăng Quang và cũng là một cú huých giúp sức mạnh của các ông lớn bán lẻ của Việt Nam tăng lên đáng kể, trước làn sóng xâm nhập lớn chưa từng có của các NĐT nước ngoài.
Với Netco, điều này được xem là đặc biệt có ý nghĩa hơn khi phần lớn, khoảng 35-40% thị trường các sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình được phân phối thông qua các kênh bán hàng hiện đại.
Ông Nguyễn Đăng Quang hướng tới mục tiêu xây dựng một đế bán lẻ và sản xuất kinh doanh hàng tiêu dùng tại Việt Nam. |
Cũng trong đầu năm mới, trong khi Masan của ông Nguyễn Đăng Quang tập trung vào thế mạnh sản xuất hàng tiêu dùng và bán lẻ thì tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng dồn sức vào chiến lược mới.
CTCP Vinpearl của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vừa công bố chiến lược đa dạng hóa sản phẩm/dịch vụ và phát triển các điểm đến hàng đầu thế giới với việc đổi tên thành VinWonders. Ở mảng thiết bị thông minh, Vingroup đã ra mắt một số loại TV và đặc biệt thành công với một số sản phẩm smartphone mức giá bình dân trong bối cảnh nhiều nhà sản xuất Trung Quốc gặp khó khăn trong sản xuất vì dịch bệnh Covid-19.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), sáng 21/1 chỉ số VN-Index giảm nhẹ. Nhóm cổ phiếu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng giảm sau một phiên hồi phục ấn tượng. Cổ phiếu Masan tăng khá mạnh thêm 1.800 đồng lên 52.900 đồng/cp.
Nhiều cổ phiếu ngân hàng vẫn diễn biến khá tích cực sau thông tin tốt 2019 và khả năng lọt mắt xanh của các NĐT châu Âu sau hiệp định EVTFA.
Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng.
Theo TVSI, thị trường dự báo có thể tiếp cận vùng kháng cự 940-950 điểm. Đây vẫn đang được đánh giá là vùng kháng cự mạnh, do đó nhiều khả năng sẽ xuất hiện rung lắc. Không loại trừ khả năng chỉ số sẽ giảm điểm trở lại nhưng rủi ro giảm sâu sẽ không quá lớn. Thị trường vẫn đang trong trạng thái giằng co. Tín hiệu hình thành nhịp tăng giá mạnh chưa rõ ràng, vì vậy nhà đầu tư vẫn nên duy trì vị thế quan sát.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 20/2, VN-Index tăng 9,37 điểm lên 938,13 điểm; HNX-Index tăng 0,28 điểm len 109,57 điểm. Upcom-Index giảm 0,05 điểm xuống 56,34 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 3,8 ngàn tỷ đồng.
V. Hà