Triều Tiên, ngày 30/10, bắn hai vật phóng tầm ngắn ra ngoài biển phía đông nước này. Hàn Quốc xác nhận hai tên lửa được phóng từ thành phố Sunchon, phía bắc Bình Nhưỡng, và chúng di chuyển khoảng 370km qua bán đảo rồi đáp xuống biển. Theo hãng thông tấn Yonhap, hai vũ khí đạt cao độ tối đa 90km.

{keywords}
Chủ tịch Kim Jong Un thường đích thân giám sát các vụ thử vũ khí của Triều Tiên. (Ảnh: KCNA)

Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân (JCS) cho biết, hiện các quan chức tình báo của cả nước này và Mỹ đang tiến hành phân tích về vụ phóng để xác định cụ thể vũ khí được sử dụng. JCS thông báo quân đội Hàn Quốc đang theo dõi tình hình và duy trì tư thế sẵn sàng", đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng "ngay lập tức dừng những hành động không giúp gì cho nỗ lực xoa dịu căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên".

Đây là vụ phóng vũ khí thứ 12 của Triều Tiên trong năm nay. Trong số các lần thử trước, gây lo ngại nhất là tên lửa đạn đạo được phóng từ tàu ngầm hồi đầu tháng 10.

Trong khi đó, các đại diện Mỹ và Triều Tiên vẫn tiếp tục đàm phán về phi hạt nhân hóa và dỡ bỏ cấm vận, tiến trình mà đến nay vẫn chưa đạt được kết quả nào. Chủ tịch Kim Jong Un đã đặt thời hạn chót vào cuối năm nay cho phía Mỹ phải đưa ra được một đề xuất mới nhằm khơi thông bế tắc. Và để tránh chọc giận Mỹ, ông cũng không cho thử tên lửa đạn đạo liên lục địa hoặc vũ khí hạt nhân.

Đến nay, Tổng thống Trump vẫn coi nhẹ các vụ thử của Bình Nhưỡng, miêu tả chúng là "tiêu chuẩn" và tuyên bố Mỹ không có gì phải lo ngại.

Harry Kazianis, Giám đốc cấp cao về các nghiên cứu Triều Tiên của tạp chí Mỹ National Interest nhận định qua email với báo Newsweek rằng hành động mới nhất của chính quyền Kim Jong Un làm gia tăng nguy cơ bùng nổ một cuộc khủng hoảng mới vào năm 2020 nếu không có đột phá trong đàm phán.

"Nếu không có thay đổi nào trong quỹ đạo quan hệ Mỹ - Triều hiện thời thì chỉ một kết cục duy nhất có thể: Một vụ thử tên lửa tầm xa hoặc vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng sẽ khơi mào một cuộc khủng hoảng như hồi năm 2017", ông cảnh báo. "Câu hỏi là Tổng thống Trump sẽ phản ứng thế nào, khi mất đi sự nhượng bộ duy nhất mà ông có thể đạt được từ Triều Tiên sau ba hội nghị tay trắng".

Triều Tiên tuyên bố sẽ theo đuổi "cách thức mới" nếu Mỹ không trở lại bàn đàm phán với một kế hoạch thỏa mãn. Ông Kazianis cảnh báo cách này có thể bao gồm "khởi phát một cuộc khủng hoảng mà không thể bị phớt đi" như những gì "Bình Nhưỡng luôn làm mỗi khi muốn gây chú ý".

Theo Kazianias, cách thức tốt nhất để Kim Jong Un đạt được điều này là bắt đầu năm 2020 bằng vụ thử "một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) để chứng minh Triều Tiên có thể tấn công lãnh thổ Mỹ bằng các vũ khí hạt nhân".

Tuy nhiên, Vipin Narang, giáo sư khoa học chính trị tại MIT, cho rằng loạt vụ thử gần đây của Triều Tiên không làm thay đổi gì nhiều. Ông nói với Newsweek rằng chúng là một phần của "hồi trống đều đặn" được thiết kế giữ cho Bình Nhưỡng luôn là mối quan tâm của Mỹ.

"Đây là kiểu chiến dịch áp lực tối đa của ông Kim Jong Un, và cứ thế duy trì áp lực mà không cần phải tăng cường độ", giáo sư Narang bình luận. Ông cho rằng vũ khí được thử ngày 30/10 là tên lửa đạn đạo tầm ngắn KN-25 có tầm bắn tối đa 380km. 

Chủ tịch Kim có thể gia tăng sức ép bằng cách thử một SLBM (Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm) hoặc thậm chí một phương tiện phóng vệ tinh, mà cả hai sẽ khiến Mỹ buộc phải chú ý hơn. ICBM hoặc thử nghiệm hạt nhân vẫn là quân át chủ bài của nhà lãnh đạo Triều Tiên, sự kiện có thể kéo cả thế giới trở lại nguy cơ chiến tranh với "lửa và cơn thịnh nộ" như năm 2017.

Thanh Hảo