Mỹ đang khởi động một cuộc chơi mới đa phương diện hơn buộc các nước nhỏ phải chủ động biến hoá cho phù hợp trong từng hoàn cảnh và điều kiện mới. 

>> Xem lại Kỳ 1: Đưa tên lửa đến Hoàng Sa, TQ lộ rõ ý đồ ngăn chặn Mỹ

Các hành vi quân sự hoá mạnh mẽ của Trung Quốc tại Biển Đông thời gian vừa qua đã đẩy căng thẳng tăng cao ở khu vực. Các nước khu vực đang đứng trước những lựa chọn phản ứng. Trong đó Mỹ, cường quốc hàng đầu khu vực, tuyên bố tiếp túc đẩy mạnh hoạt động tuần tra, đảm bảo quyền tự do đi lại xung quanh các đảo mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép.

Mỹ thay đổi cách tiếp cận

Các hoạt động đảm bảo quyền tự do đi lại của Mỹ tại Biển Đông đã trở nên thường xuyên trong các tháng gần đây. Đầu tiên là sự kiện tàu USS Lassen đi vào vùng 12 hải lý quanh bãi Subi do Trung Quốc chiếm giữ trái phép tại Trường Sa vào ngày 26/10/2015. Tiếp đó, ngày 30/1/2016, tàu USS Curtis Wilbur tiến hành tuần tra trong phạm vi 12 hải lý xung quanh đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Tạm gác lại các tác động về mặt pháp lý của các sự kiện trên, việc Washington chính thức trên thực tế điều tàu chiến và máy bay đến các khu vực tranh chấp ở Biển Đông cho thấy sự thay đổi cách tiếp cận của Mỹ.

Quá trình mở rộng các đảo nhân tạo của Trung Quốc khiến cục diện chiến lược thay đổi nhanh chóng theo chiều hướng có lợi cho Bắc Kinh. Washington không thể nói miệng mà phải thực hiện một hành động cụ thể trực quan. Thứ nhất là để duy trì uy tín ở khu vực. Thứ hai là để khuyến khích các nước bạn bè và đồng minh có những bước đi cụ thể và thiết thực hơn là chỉ phản đối về mặt ngoại giao. Thứ ba là tăng cường năng lực nhận thức hàng hải và quan sát kỹ hơn các bước đi của Bắc Kinh.

Trước tháng 10, Mỹ bị coi là “nói nhiều làm ít” trước sự hung hăng quá trớn của Trung Quốc. Nhiều nước trong khu vực đã nói tới “sự thất bại” của Washington trong chiến lược xoay trục khi Trung Quốc có thể tự tung tự tác tại Biển Đông mà không gặp phải nhiều trở lực.

Về mặt tác chiến, sự hiện diện của các khu trục hạm như USS Lassen hay USS Curtis Wilbur giúp Washington thăm dò năng lực quân sự của Trung Quốc trên các đảo. Hành động này cũng giúp Mỹ nắm được các phản ứng quân sự và ngoại giao của Trung Quốc trong hiện tại và dự đoán cho tương lai.

Mục đích thứ hai là quan trọng hơn cả. Tăng cường vai trò của đồng minh và bạn bè trong khu vực là một trong những cách tiếp cận trọng tâm của chiến lược xoay trục. Bị dàn trải trên nhiều mặt trận, Mỹ phải dựa vào hệ thống liên minh chính thức và gián tiếp (liên minh trong liên minh) nhằm đảm bảo vai trò lãnh đạo truyền thống của mình ở khu vực. Thiết lập được một lực lượng tuần tra chung có thể là một lựa chọn đầy hấp dẫn.

{keywords}

Tàu khu trục Mỹ USS Lassen (phải) trong một cuộc tập trận hồi tháng 3/2015. Ảnh: Reuters.

Phản ứng của ASEAN

Tuy nhiên, với Mỹ, xoay trục không phải là gánh mọi sức ép và nghĩa vụ trong một khu vực chồng chéo và đa dạng về lợi ích. Mục tiêu chính của Washington là khuyến khích các nước khác có những tiếng nói mạnh mẽ hơn, cùng với những hành động quyết đoán hơn. Australia, Nhật Bản và cả Ấn Độ cũng đã tỏ ý sẽ tham gia tuần tra chung ở Biển Đông.

Ý tưởng về một “lực lượng gìn giữ hoà bình chung” của ASEAN đã được Malaysia đề xuất từ đầu năm 2015. Sáng kiến này được Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia đưa ra trước chuyến thăm tới Việt Nam.

Indonesia, Malaysia và Singapore cũng từng đề cập đến khả năng tuần tra chung tại Biển Đông, nhưng với mục đích chính là chống cướp biển, chứ không phải là khẳng định tự do hàng hải. Hoạt động này có thể được mở rộng với sự tham gia của cả Thái Lan và Việt Nam dựa trên Sáng kiến An ninh Eo biển Malacca (MSSI).

Sau các hoạt động tuần tra của hai tàu chiến Mỹ, Philippines có mong muốn tham gia các hoạt động tuần tra chung trên Biển Đông. Việt Nam “tôn trọng quyền đi lại vô hại trong lãnh hải” được thực hiện phù hợp với pháp luật quốc tế có liên quan, nhưng vẫn bỏ ngỏ khả năng tuần tra chung với Mỹ.

Trên thực tế, các hoạt động tuần tra chung cả trên biển và trên không nếu muốn thành hiện thực cần phải vượt qua một số rào cản chính trị. Khó khăn nhất là xác định mục tiêu chung của tuần tra là gì trong bối cảnh ASEAN còn nhiều chia rẽ. Các rào cản về kỹ thuật chỉ là những khó khăn thứ yếu.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, trước mắt cũng không cần phải có qua nhiều nước trong ASEAN tham gia mà chỉ cần Mỹ, cùng một số nước khác như Nhật Bản và các nước có tranh chấp căng thẳng nhất tại Biển Đông như một “nhóm tiên phong”. Nhóm các nước này trước hết cùng theo đuổi một mục tiêu chung về mặt lợi ích: đảm bảo tự do hàng hải và hạn chế khả năng bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông.

Sự ra đời của một nhóm tiên phong tuần tra chung mang lại ba hàm ý căn bản: (1) các nước đảm bảo được quyền tự do đi lại của mình theo như luật quốc tế quy định, phá lập luận chủ quyền của Trung Quốc; (2) cân bằng với áp lực hiện diện mà các lực lượng Trung Quốc đang áp đặt lên các vùng biển chủ quyền; và (3) cho thấy một sự đoàn kết quốc tế cần thiết trong nỗ lực chống lại sức mạnh áp đặt một cách đơn phương của Trung Quốc.

Mỹ đang khởi động một cuộc chơi mới đa phương diện hơn. Điều này đặt các nước nhỏ vào tư thế phải chủ động biến hoá cho phù hợp trong từng hoàn cảnh và điều kiện mới.

Một số phân tích cho thấy, để tạo hiệu quả thiết thực và tránh gia tăng căng thẳng, một sáng kiến tuần tra chung có thể sẽ phải lưu ý:

Thứ nhất, các lực lượng tham gia tuần tra nên là các lực lượng tuần duyên bán quân sự. Mỹ cũng đã có một lực lượng tuần duyên nhỏ đồn trú tại Guam.

Thứ hai, có thể thiết kế hai nhóm tuần tra khác nhau, một là các nước có liên quan trực tiếp tới tranh chấp sẽ đóng vai trò cùng nhau tuần tra tại các khu vực bên trong lõi tranh chấp ở Hoàng Sa hay Trường Sa. Trong khi các nước lớn như Mỹ hay Nhật Bản tuần tra vòng ngoài và hỗ trợ kết hợp các thông tin tình báo và giám sát trên không.

Thứ ba, mọi thông tin liên quan tới các hoạt động tuần tra phải được công khai trước, trong và sau các chiến dịch nhằm thể hiện sự minh bạch theo đúng thông lệ. Minh bạch giúp tránh được các chỉ trích không đáng có và gia tăng niềm tin vào các hoạt động đảm bảo chủ quyền và quyền tự do đi lại. Điều này sẽ là đối ngược lại với các hoạt động khẳng định chủ quyền “lén lút” của Trung Quốc.

Nguyễn Thế Phương, Nghiên cứu viên cộng tác thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM.

*Quan điểm trong bài phản ánh quan điểm cá nhân của tác giả.