Người ở Hà Nội khi được hỏi có thể đi đâu giải trí vui chơi, thì phần lớn đều sững người một lúc để suy nghĩ, và câu trả lời thường là cái lắc đầu… không biết!
Vụ việc “tắm miễn phí” của công viên nước Hồ Tây ngày 19/4/2015 mới đây vô tình như giọt nước tràn ly cho những gì gọi là dịch vụ miễn phí của Hà Nội nói riêng, ở XH ta nói chung.
Hội chứng miễn phí
Vụ việc đó không phải cá biệt, mà nó chỉ là tiếp tục danh sách những vụ việc miễn phí gây huyên náo, chen lấn, gây ồn ào bàn tán trong XH lâu nay. Một vụ phát áo mưa miễn phí, bán hàng điện tử giảm giá, hay miễn phí sushi…
Ngoài ra, 02 năm trở lại đây còn có cả miễn phí xem kịch, xem cải lương, xem phim… Vô tình, ở VN nói chung, Hà Nội nói riêng đã manh nha “hội chứng miễn phí”, nhưng lại khiến người Việt bộc lộ những thói xấu.
Miễn phí là một hình thức “miễn thu tiền" của thế giới văn minh. Ở khía cạnh xã hội, đó là những hoạt động có tính từ thiện với cộng đồng, dành cho những người thiếu điều kiện. Nhất là những hoạt động như chăm sóc y tế phổ cập, giáo dục phổ thông, hay những bữa ăn, chỗ tạm trú cho người nghèo, người thất nghiệp….
Ở khía cạnh thương trường, miễn phí là một hình thức PR cho một sản phẩm hoặc sắp đưa ra thị trường hoặc ế ẩm và muốn tiêu thụ nhanh, thậm chí đó có thể là cuộc chiến để cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của đối thủ…
Có một điều ở VN, miễn phí không chỉ mang tính hàng hóa, mà còn có ở cả lĩnh vực vui chơi, du lịch, văn hóa nghệ thuật, và không có ranh giới dành cho người thiếu- đủ- thừa. Hễ cái gì miễn phí thì thường kéo theo một đám đông, vì cái gì cho không đều có sự hấp dẫn riêng, như người Việt nói nôm na, “của chùa” không hưởng cũng thiệt.
Cảnh tượng hỗn loạn tại Công viên nước Hồ Tây mới đây. Ảnh: Lê Lan/ VietNamNet |
Vì thế chẳng riêng gì những lần phát áo mưa, mũ bảo hiểm, thức ăn… nườm nượp người chen lấn để tranh cướp, mà ngay cả có những bộ phim, vở kịch cũng chỉ khi nào miễn phí mới có khách xem.
Ví dụ, một bộ phim lịch sử bán không được 01 vé /01 suất chiếu, nhưng khi chiếu miễn phí vài buổi thì lại có hàng trăm người xin vé. Hay như khi sân khấu không sáng đèn vì khó bán vé, nhưng khi diễn miễn phí thì thiên hạ dập dìu kéo đi xem kín chật.
Ngay cả ở những cuộc miễn phí như nêu trên, trong đám đông chen lấn đó, không phải tất cả đều thiếu, đều khát, đói hay không có tiền. Một suất ăn miễn phí và món quà tặng của một hãng thức ăn nhanh chỉ dành cho ai đi xe máy, xe đạp, và nhìn cái khối đám đông đó không thiếu những chiếc xe xịn.
Hay ở vụ việc Hồ Tây vừa xảy ra, tôi biết có ông bố khoe trên FB vừa ăn nhậu hết cả triệu đồng, nhưng cũng đồng thời hồ hởi khoe như một chiến tích khi không mất tiền vé đưa con vào công viên nước nhờ một cuộc chen lấn vô tiền khoáng hậu.
Rồi đáng thương hay đáng trách khi nhiều cô gái bị lạm dụng trong đám đông hỗn tạp kia do ăn mặc khá gợi cảm và chen lấn vào công viên nước chỉ vì không mất tiền…
Vẫn biết người dân còn nghèo, nhu cầu hưởng thụ và đòi hỏi chất lượng cuộc sống cao, trong khi cung ít hơn cầu nên dễ dẫn đến những cảnh kém văn minh văn hóa như trên. Thế nhưng tại sao cứ bất kỳ cái gì gọi là miễn phí lập tức xảy ra những hiện tượng chen chúc, xô lấn, tranh giành... cho đến mất cả tư cách.
Phải chăng vì tư duy “cho không”, “biếu không” của một thời khốn khó hay trong tiềm thức của người Việt, một đất nước nghèo, nhỏ bé mà tâm lý cái gì xin- cho không mất tiền là… a lô xô?
Vừa thiếu vừa đắt?
“Vụ việc Hồ Tây” ngày 19/4/2015, nếu bỏ qua cái gọi là a dua, hội chứng đám đông, văn minh miễn phí…. thì rõ ràng có một nhu cầu giải trí thật sự ở người dân, mà điều kiện để giải trí của Hà Nội thì quá hiếm hoi.
Người ở Hà Nội khi được hỏi có thể đi đâu giải trí vui chơi, thì phần lớn đều sững người một lúc để suy nghĩ, và câu trả lời thường là cái lắc đầu… không biết!
Đúng là từ khi Thủ đô Hà Nội mở rộng, rất nhiều công trình được xây dựng, nhưng một khu vui chơi kiểu Công viên nước Hồ Tây hay một Disneyland kiểu “made in Vietnam” cũng không có trong nội đô, nói gì đến ngoại đô.
Những khu vui chơi hiện có thì cũng ở đâu xa xa, khó đi lại, và ngay cả những tuyến bus đến đó cũng không có.
Trong các dự án quy hoạch đô thị Hà Nội, cái cần là những khu vui chơi giải trí phức hợp thì ít được nhắc đến, hay có trong quy hoạch. Chưa kể giá vé cũng là một điều cần lưu tâm, không phải ai cũng có thể có điều kiện để đưa gia đình đến vui chơi. Vì thế việc miễn phí vào cửa như là một dịp may hiếm có để vào nơi này.
Sự khiếm khuyết trong quy hoạch đô thị liệu có phải là điều đáng để suy nghĩ. Nhưng còn một sự khiếm khuyết khác là ngành giáo dục hầu như không trang bị kiến thức kỹ năng sống cho học sinh từ thuở bé thơ, dù trường nào cũng một thời nhan nhản khẩu hiệu: “Tiên học lễ, hậu học văn”.
Không biết các nhà xã hội học, văn hóa học, giáo dục học có lưu tâm vấn đề này để có một sự đổi mới trong cung cách giáo dục- đó là dạy kỹ năng sống cho hợp với văn minh thời đại, văn hóa cộng đồng ngay từ lớp mẫu giáo trở đi?
Một vụ việc tắm miễn phí, nhưng lại phản chiếu không ít những điều cần một thứ “phí” khác- tư duy về quy hoạch đô thị, về giáo dục và văn hóa…
Hoài Hương