Tình trạng sinh viên mới tốt nghiệp không có việc làm được nhiều nhà tuyển dụng đánh giá là do thái độ cũng như kỹ năng vẫn còn chưa đáp ứng được mong đợi của họ.
“Chấp nhận mức lương công ty đề nghị” là một yếu tố dẫn đến quyết định tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp, điều này cũng giúp cho các sinh viên mới tốt nghiệp có thể nhanh chóng kiếm được việc làm, nhằm tích lũy kinh nghiệm cho một quá trình phát triển nghề nghiệp ổn định.
Vai trò của ngành học
Một khảo sát mới đây của JobStreet.com - trang mạng việc làm hàng đầu châu Á với trên 1.200 sinh viên mới tốt nghiệp tham gia, cho thấy, có đến gần 75% sinh viên mới tốt nghiệp xác định mức lương là yếu tố quan trọng khi đọc mẩu tin tuyển dụng trên các trang mạng việc làm.
Yêu cầu của việc làm và địa điểm làm việc là 2 yếu tố được nhóm đối tượng này quan tâm thứ 2 (71%) và thứ 3 (50%). Trong khi đó, mô tả việc làm, yếu tố tối quan trọng để xác định một công việc có phù hợp với người lao động hay không chỉ đứng ở vị trí ưu tiên thứ 4 (48%).
Việc chọn ngành nghề theo học đóng vai trò khá quan trọng để tìm được một công việc phù hợp ngay từ khi mới ra trường. Số liệu thống kê của JobStreet.vn cho thấy, quý I thường là thời gian cao điểm nhất trong thị trường tuyển dụng. Kinh doanh và tiếp thị là ngành có nhu cầu lớn nhất trên thị trường khi có đến gần 30% tin đăng tuyển dụng thuộc về ngành nghề này.
Ngành kỹ thuật: 12%; Kế toán/Tài chính 10,2% lần lượt đứng thứ 2 và 3 trong số những ngành nghề “hot” nhất trên thị trường hiện tại. Tuy nhiên, theo nhiều nhà tuyển dụng, những hồ sơ thuộc các ngành “hot” thường không đủ về lượng cũng như mức lương mong muốn thường không phù hợp với thị trường, đặc biệt với đối tượng mới ra trường.
Theo Báo cáo lương của JobStreet Việt Nam 2015 - 2016, dù mức lương của Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể trong thời gian qua khi năm 2016 đánh dấu sự tăng trưởng đến gần 2 chữ số, đặc biệt ở những vị trí mới ra trường, nhưng sự kỳ vọng về mức lương của đối tượng này đang tỏ ra chưa thực tế.
Nghiên cứu Xu hướng tăng trưởng lương năm 2016 của châu Á - Thái Bình Dương cho thấy, mức lương tăng trưởng thường chỉ tương ứng với mức độ lạm phát của quốc gia đó. Cùng với tình trạng lạm phát, tỷ lệ nhảy việc cũng lên đến hàng 2 con số trong hầu hết các quốc gia khu vực.
Học hỏi sau tốt nghiệp
Bà Dương Thị Ngọc Hải, Giám đốc Marketing JobStreet.com Việt Nam nhận định: Có thể sinh viên thật sự đang được trả lương thấp hơn thị trường. Nhưng một người vừa tốt nghiệp đang có rất nhiều cơ hội để định hướng phát triển nghề nghiệp theo các cách riêng của mình. Tốt nhất, khoảng thời gian ngay sau tốt nghiệp nên được dành để học hỏi, đa dạng hóa những kỹ năng cả cứng và mềm hơn là hướng ngay đến một vị trí được trả lương cao.
Chuyên gia của JobStreet.com cho rằng, khi bước vào môi trường làm việc, các sinh viên mới tốt nghiệp cần đặt mình vào vị trí nhà tuyển dụng. Những người sử dụng lao động cần có thời gian để điều chỉnh mức lương phù hợp với khả năng nhân viên, đặc biệt là những người hoàn toàn chưa có kinh nghiệm.
Do đó, một giải pháp khi những nhân viên mới không kiếm được mức lương hằng mong đợi là hãy có một cuộc trao đổi cởi mở trực tiếp với cấp trên về việc lập ra những con số, mục tiêu cụ thể để đạt được điều mong muốn.
Rất nhiều chuyên gia tại những công ty hàng đầu đã đưa ra nhận định, sự kiên định và nhất quán, tập trung cao vào công việc sẽ đưa một người tiến xa trên chặng đường sự nghiệp hơn là chỉ nhắm đến một vị trí có lương khởi điểm trên mức trung bình.
Việc lập những kế hoạch ngắn, trung và dài hạn cũng giúp những người mới tốt nghiệp đạt được những mục tiêu trong công việc. Tuy nhiên, dù đang sống trong một thời đại công nghệ phát triển nhanh vượt bậc, nhưng sự nghiệp luôn cần kinh nghiệm và thời gian để phát triển.
Làm việc vì tiền, hay vì kinh nghiệm đều quan trọng như nhau, nhưng với những sinh viên mới tốt nghiệp, kinh nghiệm sẽ đem lại một quá trình phát triển nghề nghiệp ổn định và các nhà tuyển dụng đều mong muốn được làm việc với người lao động trung thành và có tầm nhìn xa.
(Theo Giáo dục và Thời đại)