Văn phòng Chính phủ vừa ban hành kết luận của Thường trực Chính phủ về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).

Trước đó, ngày 20/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Điện gió, điện mặt trời vẫn chưa có cơ chế giá sau khi hết hạn giá FIT.

Tại Kết luận này, Thường trực Chính phủ cho rằng: Quy hoạch điện VIII phải có tính khả thi để bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân, tuyệt đối không để xảy ra thiếu điện trong mọi tình huống. Nhưng giá điện phải hợp lý với điều kiện của Việt Nam và không cao hơn các nước trong khu vực, nhất là giá điện gió và điện mặt trời. 

Với điện gió, điện mặt trời, quan điểm của Thường trực Chính phủ là tăng nguồn điện gió với quy mô phù hợp, khả thi.

"Gió, nắng không ai lấy được của ta và cũng không phải mua; do vậy, phải tính toán khai thác tối đa, hiệu quả và hợp lý về giá bán điện (vì càng ngày công nghệ càng phát triển và sẽ giảm giá theo thời gian)", Thường trực Chính phủ kết luận.

Về quy hoạch nguồn điện mặt trời trong giai đoạn đến năm 2030, Thường trực Chính phủ yêu cầu cần tiếp tục rà soát để bảo đảm hiệu quả kinh tế chung, tránh gây thiệt hại kinh tế, nhất là việc tính giá điện chưa hợp lý; đồng thời không hợp thức hóa cái sai. Nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động nguồn điện mặt trời áp mái với mục đích tự sử dụng, không bán vào hệ thống điện quốc gia. 

Thường trực Chính phủ yêu cầu tiếp tục rà soát theo hướng giảm quy hoạch nguồn điện than đến năm 2030. 

Nhiều dự án điện mặt trời đã vận hành nhưng chưa có giá

Mới đây, Công ty Mua bán điện (EVN) đã có văn bản gửi Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam thông báo dừng khai thác phần công suất chưa có cơ chế giá (172MW/450MW) của nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam công suất 450MW (Ninh Thuận).

Theo chủ đầu tư điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam, khi dừng huy động 40% công suất của dự án theo văn bản của Công ty mua bán điện đồng nghĩa dự án chỉ vận hành đạt 60% so với thiết kế, sẽ phá vỡ cam kết của Nhà, đầu tư về phương án tài chính được tổ chức tín dụng thống nhất, dẫn đến dự án mất khả năng cân đối trả nợ vay trong khi đó các nhà đầu tư khác cũng như EVN lại được hưởng lợi trên đường dây truyền tải do Trung Nam đầu tư.

Theo công ty này, việc dừng huy động công suất chưa có giá điện của dự án là không phù hợp theo các điều khoản đã thỏa thuận của hợp đồng mua bán điện giữa EVN và công ty TNHH điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam.

Ngày 5/9, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận cũng có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, có ý kiến với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành xem xét, tiếp tục huy động và ghi nhận sản lượng đối với phần công suất chưa có giá điện của dự án điện mặt trời điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam 450MW.