- Sau Hiệp định thương mại Việt - Mỹ, cánh cửa giao thương đã rộng mở nhưng con đường đến Mỹ thực sự có rất nhiều chông gai. Những thăng trầm của ngành dệt may Việt Nam từ thuở phải đi xin visa xuất khẩu cho đến khi đạt thứ hạng quán quân xuất khẩu hiện nay là một câu chuyện điển hình nhất.

LTS: Để chọn một điển hình hội nhập kinh tế của Việt Nam thì chắc chắn quan hệ giao thương Việt - Mỹ là một câu chuyện thành công.

20 năm từ ngày Việt Nam - Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ, giao thương giữa hai nước từ gần như con số 0 thương mại hai chiều đã bùng nổ lên hơn 35 tỷ USD vào cuối 2014. Mỹ đã trở thành đối tác thương mại, nhà đầu tư hàng đầu của Việt Nam. Điều này phản ánh nét tiêu biểu nhất trong quan hệ kinh tế hai nước là: Bùng nổ về quy mô và gia tăng tốc độ mạnh mẽ.

Từ bình thường hóa quan hệ, tới Hiệp định thương mại Việt - Mỹ, rồi WTO và sắp tới có thể là TPP, mỗi bước tiến hội nhập chính là một nấc thang mới trong quan hệ kinh tế hai nước.

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, VietNamNet xin giới thiệu với bạn đọc loạt bài: “20 năm giao thương Việt - Mỹ: Bùng nổ quy mô, gia tăng tốc độ” để góp cái nhìn tổng thể về quan hệ kinh tế Việt - Mỹ cũng như một góc nhìn về hội nhập kinh tế của Việt Nam.

Bài học đầu tiên: Hết hạn ngạch lại giám sát

"Ngay sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao, năm 1995, tôi và 30 lãnh đạo DN Việt Nam được tham gia khóa đào tạo tại Mỹ trong 2 tháng do Hội Cựu Chiến binh Mỹ (AAVF) tổ chức. Chúng tôi được vào thực tập tại Công ty May OXFORT INDUSTRY tại ATLANTA", nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam, ông Lê Quốc Ân, mở đầu câu chuyện.

Ông kể: "Đó là lần đầu tiên chúng tôi học được cách tổ chức sản xuất và kinh doanh của một công ty Mỹ trong ngành may mặc, cũng lần đầu tiên, được tiếp cận văn hóa kinh doanh Mỹ".

Nhưng từ học đến hành còn là khoảng cách xa. 6 năm sau, khi Hiệp định thương mại Việt - Mỹ (BTA) được ký kết, ông Ân mới có cơ hội áp dụng những kiến thức đó.

Ông chia sẻ tiếp: "Cuối năm 2001, chúng tôi mới bắt đầu thực sự tiếp cận thị trường Mỹ. Tôi đưa một đoàn 20 DN sang tổ chức triển lãm, đồng thời khai trương văn phòng VINATEX tại New York".

{keywords}

Ông Lê Quốc Ân, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam.

"Trong dịp đó, chúng tôi mới lần đầu tiên được tiếp xúc với ban lãnh đạo các đối tác lớn của Mỹ như AAFA (Hiệp hội các nhà sản xuất may mặc và giày da Mỹ ), US ITA (Hiệp hội các nhà Nhập khẩu dệt may Mỹ ), các tập đoàn như Mass Industry, JC Penny Limited,… để mời chào họ. Kết quả là, năm sau, 2002, họ đã bắt tay hợp tác với các DN dệt may Việt Nam", ông Ân kể.

Cũng từ đây, xuất khẩu của dệt may vào Mỹ ngày càng tăng mạnh. Nếu như năm 2001, trước BTA có hiệu lực, xuất khẩu dệt may vào Mỹ chỉ có 47 triệu USD thì năm 2002, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này lên tới 957 triệu USD, gấp hơn 20 lần.

Hai năm sau, 2004, dệt may vào Mỹ đạt con số 2,4 tỷ USD, gấp 2,5 lần. Đến năm 2006, con số tiếp tục nhích lên 3,2 tỷ USD rồi 4 tỷ USD...

Và đến nay, 2014, dệt may Việt Nam vào Mỹ đã vọt lên con số gần 10 tỷ USD, chiếm 10% thị phần ở Mỹ, là nhà xuất khẩu lớn thứ 2 vào Mỹ, chỉ đứng sau Trung Quốc.

Tuy nhiên, ngoài thuận lợi về thuế nhập khẩu vào Mỹ giảm mạnh sau BTA, con đường đến Mỹ của dệt may Việt Nam không hề bằng phẳng.

Tháng 4/2003, hai nước ký Hiệp định hàng dệt may, Mỹ đặt ra các hạn mức định lượng đối với tăng trưởng xuất khẩu hàng năm khoảng 7%, bắt đầu từ tháng 5/2003. Chế độ hạn ngạch bị áp dụng cho dệt may Việt Nam kéo dài tháng 1/2007, khi Việt Nam vào WTO, mới được xoá bỏ. Chính điều này đã làm giảm đáng kể tốc độ tăng trưởng của dệt may vào Mỹ ở 3 năm sau đó.

Thế nhưng, sau khi xoá cơ chế cấp hạn ngạch, Mỹ lại áp dụng ngay cơ chế giám sát hàng dệt may Việt Nam năm 2007-2008, đặt hàng Việt lơ lửng trên đầu nguy cơ bị kiện chống bán phá giá bất cứ lúc nào.

Mãi đến năm 2009, dưới sức ép từ chính các DN Mỹ, rào cản kỹ thuật trên mới được dỡ bỏ.

Từ một ngành còn phải xin visa cho từng đơn hàng xuất khẩu, dệt may đã trở thành ngành xuất khẩu số 1 ở Việt Nam hiện nay, góp phần đưa Mỹ từ thị trường xuất khẩu nhỏ nhất trở thành lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu dệt may hiện lớn gấp 3 lần ngành da giày, gấp 5,7 lần kim ngạch thuỷ sản vào Mỹ.

Vươn lên chơi với đại gia đẳng cấp

Tương tự như những khó khăn của ngành dệt may Việt Nam, ngành thuỷ sản, da giày Việt Nam cũng trải qua rất nhiều thăng trầm để có thể thành công trên đất Mỹ. Đặc biệt, các ngàng hàng này liên tục đối mặt với các vụ kiện thương mại của Mỹ.

Tới đây, khi TPP (Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương) nếu được ký kết, hàng hoá Việt Nam chắc chắn còn phải gặp nhiều thử thách không kém gì những gian truân ở chặng đường 15 qua sau BTA.

{keywords}

Ngành dệt may Việt Nam đã trải qua rất nhiều thăng trầm để có thể thành công trên đất Mỹ.

Trong đàm phán, Mỹ chủ động đưa ra quy chế xuất xứ từ sợi, nghĩa là, một mặt hàng muốn xuất khẩu sang Mỹ với mức thuế ưu đãi, bắt buộc phải "nội địa hoá" rất lớn, sử dụng nguyên vật liệu từ các nước thành viên TPP. Dệt may, da giày của Việt Nam với 65-70% nguyên vật liệu từ Trung Quốc - nước ngoài TPP - chắc chắc sẽ bất lợi.

Tuy nhiên, ông Lê Quốc Ân nhìn nhận, TPP chắc chắn sẽ là một đòn bẩy giúp phát triển ngành dệt may Việt Nam một cách vững chắc hơn. Chính quy chế xuất xừ từ sợi sẽ tạo nên động lực đầu tư sản xuất vải sợi tại Việt Nam.

"Dĩ nhiên trong thời gian ban đầu áp dụng TPP, chỉ có khoảng 20% các đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ là đáp ứng được quy chế này. Nhưng tỉ lệ này sẽ dần nâng lên trong những năm về sau", ông Ân cho biết.

Ông tin rằng, sau 5 năm, tỉ lệ này sẽ khoảng 40%, sau 10 năm sẽ khoảng 70%. Nhờ TPP, khả năng hàng dệt may Việt Nam tăng tỷ trọng chiếm lĩnh thị trường Mỹ từ 10% hiện nay lên 20-30% trong 10 năm tới".

Ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KHĐT chia sẻ, chơi với Mỹ, ta được rất nhiều. Mỹ là thị trường vô cùng khó tính, với các tiêu chuẩn khắt khe, nên khi hàng Việt đã vào Mỹ thì cũng có nghĩa, có thể đến được các nước khác một cách thuận lợi hơn.

Với GS Nguyễn Mại, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban hợp tác Nhà nước về đầu tư, nhờ cú hích BTA, năng lực cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam tại thị trường Mỹ được cải thiện rõ rệt. Nhưng sự hiểu biết của doanh nghiệp Việt về thị trường Mỹ vẫn còn hạn chế, nhất là ứng phó với các vụ kiện thương mại.

Ông đưa ra khuyến nghị chung, để mở rộng quan hệ thương mại với Mỹ, chúng ta phải làm tốt công tác quảng bá hình ảnh tại Mỹ, như quảng bá về chất lượng, kiểu dáng, giá cả hàng hoá qua các kênh truyền thông. Bản thân các doanh nghiệp Việt cũng phải chủ động có cách tiếp thị phù hợp với từng mặt hàng, tạo quan hệ làm ăn lâu dài với đối tác Mỹ trên cơ sở lòng tin và cùng chia sẻ lợi ích.

Phạm Huyền