- Dù được chủ tọa nhiều lần mời mọc nhưng cử tri tại tổ bầu cử ở một huyện ngoại thành Hà Nội vẫn dè dặt nêu câu hỏi chất vấn ứng viên. Đa số đều tán thành với chương trình hành động của các ứng viên và phân vân không biết sẽ chọn ai trong số 5 ứng viên "ngang sức ngang tài".
Cuối tuần qua, cử tri tại tổ bầu cử số 6 đã có hai buổi tiếp xúc với 5 ứng viên đang hướng tới 3 ghế ở nghị trường.
Ngoài doanh nhân Nguyễn Thị Nguyệt Hường là đại biểu tái cử, 4 ứng viên còn lại gồm các ông Lê Truyền (nguyên Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam, đảng viên tự ứng cử duy nhất của Hà Nội), Trịnh Thế Khiết (Chủ tịch Hội nông dân thành phố), Phạm Văn Tân (Tổng thư ký VUSTA - Liên hiệp các hội khoa học - kỹ thuật Việt Nam) và Nguyễn Văn Thanh (Thiếu tướng, Chính ủy Quân chủng phòng không - không quân).
Sẽ không trốn họp
Trước khi nêu chương trình hành động, hầu hết ứng viên đều dành thời gian nói về tiềm năng phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và những hạn chế cần khắc phục. Có ứng viên còn chuẩn bị kỹ lưỡng tài liệu với con số chi tiết, nhắc lại nhiều thông tin về chỉ tiêu kinh tế, xã hội.
Vị lãnh đạo Hội nông dân thành phố tuy ít nói về bản thân nhưng trong chương trình hành động lại nêu rõ những việc cụ thể mà Hội nông dân sẽ làm nếu ông trở thành đại biểu QH.
Cử tri nêu các nguyện vọng
thiết thực với ứng viên về công ăn việc làm, đầu tư... Ảnh: Lê Nhung
Tổng thư ký Vusta khẳng định nếu trúng cử, ông sẽ huy động được chất xám của đội ngũ chuyên gia đóng góp cho QH. Đồng thời, ông sẽ phát huy vai trò các nhà khoa học giải quyết các vấn đề người dân địa phương quan tâm.
Chính ủy Quân chủng phòng không không quân cho biết, ông sẽ có nhiều việc làm thiết thực, cụ thể hướng tới đối tượng con em địa phương.
Về phần mình, ông Lê Truyền khẳng định, trăn trở lớn nhất của ông khi ra tự ứng cử là muốn phát huy quyền làm chủ của người dân. Ông cho hay, sẽ tận dụng tối đa các kênh tiếp xúc cử tri, chất xám xã hội, sẽ dành 50% thời gian trong năm cho hoạt động QH và trước mắt sẽ lập văn phòng riêng để thuận tiện cho công việc. Ông Truyền xem những đại biểu khóa 12 tâm huyết, không né tránh, không ngại va chạm và được dân tin yêu là những tấm gương để noi theo.
Đa số ứng viên đều hứa dù được bầu hay không vẫn sẽ luôn làm tốt công việc chuyên môn. Nếu được bầu, họ sẽ đi họp thường xuyên, không có chuyện để lại những ghế trống trong hội trường.
Hãy quan tâm đến chúng tôi
Cho rằng các chương trình hành động của ứng viên đã quá chi tiết, rõ ràng nên hầu như cử tri rất ít hỏi thêm mà chỉ tranh thủ đề xuất một số nguyện vọng cụ thể, liên quan đến khó khăn, vướng mắc ở địa phương. Chẳng hạn, những đề xuất thiết thực về việc xóa đói giảm nghèo, tình trạng thất nghiệp, đầu tư hạ tầng cơ sở, phát triển khu du lịch...
Cử tri Nguyễn Thị Bản (xã Mỹ An, Mỹ Đức) phản ánh, mong muốn lớn nhất của cử tri là các ứng viên có thể góp phần tạo thêm công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo cho địa phương. Đề xuất thứ hai là các ứng viên có giải pháp hữu hiệu đảm bảo vệ sinh môi trường.
"Người nào trúng cử thì hãy quan tâm và thấu hiểu từng nguyện vọng nhỏ nhất của chúng tôi. Có gần dân, lắng nghe tiếng nói nhân dân thì dân mới được nhờ", bà Bản nói.
Cử tri Nguyễn Văn Minh bổ sung, khi đại biểu dám phản ánh vấn đề của dân lên QH thì hãy theo dõi sát sao, đeo đuổi đến cùng để vấn đề được giải quyết rốt ráo, như vậy mới chứng tỏ được trách nhiệm với dân.
Đa số cử tri đều thể hiện nhất trí cao với chương trình hành động của 5 ứng viên vào QH khóa mới. Các ứng viên cũng gửi gắm, thông qua một buổi tiếp xúc ngắn ngủi, từng cử tri đã đến dự hội nghị sẽ truyền tải thông điệp và chương trình hành động của họ đến những người dân khác trong huyện, xã. Đây là những người sẽ trực tiếp bỏ lá phiếu quyết định chọn hay không chọn ai đó, nhưng lại không có dịp dự buổi gặp mặt ứng viên.
Cũng như hơn 800 ứng viên khác trong cả nước, 5 người ở đơn vị bầu cử số 6 của Hà Nội sẽ tiếp tục các cuộc vận động bầu cử do MTTQ tổ chức đến hết ngày 18/5.
-
Lê Nhung