Trong cuộc trò chuyện với Tuần Việt Nam, Nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng, ông Thái Phụng Nê nói về những vấn đề của ngành điện hiện nay.

Xem lại bài"Vỡ đập, lo thì lo nhưng đừng thái quá"

Thưa ông, hơn hai năm gần đây không có công trình điện lớn nào được khởi công xây dựng. Thực tế này phát đi những cảnh báo rất đáng lo đối với việc cung điện trong thời gian tới?

EVN đã thấy điều này hai năm nay và đã báo cáo với Chính phủ. Tôi tin với sự chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương, EVN sẽ cố gắng lấy lại thế “đi trước một bước” trong đảm bảo cung ứng điện vì không còn con đường nào khác.

Rất may là trong trận nóng vừa rồi chúng ta có đủ điện nên nhân dân khen. Tôi mong là sang năm nhân dân còn khen chứ không đủ điện thì ít nhiều cũng ảnh hưởng uy tín. Tôi già rồi, không tham gia trực tiếp nữa, nhưng thi thoảng đi nghe họp giao ban thì thấy lãnh đạo EVN rất quyết tâm, có nhiều giải pháp, kể cả quản lý phụ tải mà lâu nay không chú ý đến. Cần phải hạn chế những nơi có phụ tải không cần thiết. Điều quan trọng nhất là phải có quy định các công trình công nghiệp lớn phải giảm phụ tải vào thời gian cao điểm, nhất là thời gian nắng nóng.

Mà các nước đều có quy định như thế này lâu rồi.

{keywords}
"Việc tăng giá điện là theo thời gian, không phải ngay lập tức bằng giá các nước khác được". Ảnh minh họa

Dự án điện hạt nhân đã bị dừng do nhiều lo lắng về trình độ quản lý, năng lực vận hành, vốn… Nhưng rồi làm sao bù đắp thiếu hụt cung điện đã tính toán từ nhà máy này?

Nói về điện hạt nhân thì khó vì Đảng và Nhà nước đã quyết, tôi cũng là đảng viên nên phải chấp hành. Nhưng giờ dừng rồi, mọi người, đặc biệt là EVN là lực lượng chủ đạo phải ra sức tìm cách khắc phục.

Tuy nhiên, dự án điện hạt nhân có công suất 8.000 MW, lớn hơn không quá nhiều so với những trung tâm nhiệt điện của EVN. Nhiệt điện Duyên Hải, Vĩnh Tân mỗi cái có tới 6.000 MW. Bên cạnh đó còn có Dung Quất, Ô Môn… Tức là chúng ta đã đạt được năng lực đấy. Vậy thì phải lo làm để bù lại thôi.

Bên cạnh đó, giá điện hạt nhân cũng phải 9-10 cent/kw/h tức không còn rẻ nữa vì chi phí đảm bảo an toàn cho hệ thống rất nghiêm ngặt.

Cá nhân tôi ủng hộ phải đẩy nhiệt điện sử dụng khí hóa lỏng vì nguồn cung của thế giới khá thừa, mua dễ.

Quan điểm của ông với việc phát triển năng lượng tái tạo như thế nào trong tương quan với nhiệt điện than?

Việt Nam có thể phát triển dạng năng lượng này, nhưng phát triển đến mưc nào để đảm bảo an toàn cho hệ thống thì phải tính. Năng lượng mặt trời không ổn định, nếu thời gian cả năm có hơn 8.700 giờ thì chỉ chạy được 1.500 giờ thôi, còn lại hơn 7.000 giờ thì phải có nguồn đối ứng. Tỷ trọng đó nhất định phải nghiên cứu thêm.

Hiện nay công suất của điện tái tạo là 23 ngàn MW, cũng giúp ích cho đỉnh phụ tải, nên Nhà nước có chính sách khuyến khích làm. Tiếc là thủ tục còn rất nhiều khó khăn. Một nhà máy điện mặt trời 50 MW mà trải qua đủ thủ tục như nhà máy nhiệt điện 1.000 MW. Thế thì ai làm được. Doanh nghiệp cũng đã phản ánh vấn đề đó lên Chính phủ và các bộ, tuy nhiên cũng chưa có cải thiện thủ tục gì đáng kể.

Nhiều người đang nói về giá điện bán ra, chỉ khoảng 7,5 cent. Nó quá thấp.

Thực ra giá điện của Việt Nam rẻ nên phụ tải công nghiệp không có ý kiến, các doanh nghiệp FDI thì hoan nghênh vui vẻ vì họ đi đâu thì giá điện cũng cao hơn Việt Nam.

Tuy nhiên, vì điều này mà những nhà đầu tư nguồn điện phải cân nhắc. Đã có những báo cáo gửi Chính  phủ phạt những doanh nghiệp trong nước “đắp chiếu”. Tuy nhiên, còn rất nhiều doanh nghiệp FDI cũng “đắp chiếu” mà không bị phạt. Họ giữ mặt bằng, nhận dự án rồi bỏ đấy không làm. Tuy nhiên, vì đó là quan hệ ngoại giao nên tôi chỉ nêu vấn đề vậy thôi.

Tôi chỉ nhấn mạnh là vai trò chủ đạo trong đảm bảo điện cho kinh tế quốc dân thì EVN phải lo.

Vâng, như đã nói, giá bán điện thì được quy định chỉ có 7,5 cent/kwh trong khi, ví dụ, giá điện chạy khí hóa lỏng có giá thành lên đến 12 cent/kwh. Làm sao phát triển bền vững trên nền tảng đó?

Cái đó thì ông già này không trả lời được (cười). Việc đó báo cáo nhiều rồi. Nhưng theo tôi hiểu, bây giờ nhu cầu cho sinh hoạt của nhân dân lớn quá, chiếm trên 55% tổng nhu cầu, nhà nào cũng có tủ lạnh, 2-3 điều hòa, bếp điện… Mà nhu cầu đó là cần thiết, tiện dụng cho người dân. Mà dân ta, tôi nhận định, là đang còn nghèo, bình quân GDP đầu người có 2.400 đô la. Thái Lan có thu nhập gần gấp ba lần thì họ mới chịu được giá điện cao. Vì thế chúng ta mới phải nghĩ.

Thứ hai là chúng ta đang trên đà phát triển. Chúng ta không có gì cả, có cái giá điện mới lôi được vốn FDI vào. Song đến lúc nào đó thì phải xem lại vấn đề này.

Tôi nghĩ đơn giản là như thế. Cái lớn nhất là lo cho dân, vì dân như Bác Hồ nói. Phải luôn luôn nghĩ cái đó. Tăng giá điện ngay mà đời sống người dân khó thì sao phát triển được. Người dân từ chỗ đun rơm rạ đến dùng điện thì mừng quá.

Tóm lại EVN chấp hành sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước mà trực tiếp là Bộ Công Thương, Cục Điều tiết Điện lực. Họ tính toán hết chứ không phải họ không hiểu biết đâu. Việc tăng giá điện là theo thời gian, không phải ngay lập tức bằng giá các nước khác được. Việt Nam mình thực hiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Định hướng xã hội chủ nghĩa chỉ ở chỗ này thôi, cắt cái đó thì còn đâu định hướng xã hội chủ nghĩa nữa.

Nhưng nếu so với bình diện khu vực thì giá điện của ta rẻ vào loại nhất, và như thế là rất khó về mặt kinh tế học…

Tôi hỏi lại, chúng ta coi trọng đảm bảo đủ điện hơn hay là coi trọng giá điện hơn? Mục tiêu chính là đảm bảo đủ điện; không đủ điện thì mới chết chứ không phải giá. Làm sao đòi hỏi một đất nước ở trình độ phát triển như thế này có giá điện như ở các nước khác được!

Trong mọi trường hợp phải đảm bảo đủ điện. Điện luôn luôn phải đi trước một bước mới đảm bảo cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và của người dân. Đó là tuyệt đối, làm gì thì làm cũng phải nhớ điều đó.

Xin cám ơn ông Thái Phụng Nê đã dành thời gian cho Tuần Việt Nam.

Tư Giang thực hiện.

Giá điện cần theo thị trường 

Trong cuộc làm việc của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng hồi đầu tháng 7 tại Bộ Công Thương, thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đã cảnh báo tình trạng thiếu điện nếu không được sự quan tâm đúng mực.

Thứ trưởng cho biết, công suất phát điện cả nước đạt 45 ngàn MW hiện nay; công suất phát điện phải đạt đến 96 ngàn MW năm 2025 và 130 ngàn MW năm 2035. Như vậy, mỗi năm cần có thêm 6.000-7.000 MW và phải huy động được 10 tỷ đô la để phát triển ngành điện.

Nhu cầu phát triển này là tương đối thách thức trong bối cảnh các tập đoàn năng lượng như than, dầu khí, điện có năng lực tài chính hạn chế và chính sách thu hút vốn FDI cũng chưa hấp dẫn.

Hiện nay mới chỉ có 4 dự án BOT được đưa vào sản xuất, 14 dự án BOT khác đang trong quá trình đàm phán, không đúng trong kế hoạch ngành điện, khéo theo nguy cơ có thể khó khăn trong cung ứng điện từ năm 2021-25.

Ông Vượng nói: “Trước đây chúng ta nói đất nước nước nhiều tài nguyên, nhưng giờ ta phải nhập khẩu than, điện từ Lào, Trung Quốc”.

Ông bổ xung thêm: “Yêu cầu của xã hội về ngành năng lượng xanh, môi trường trong lành, trong khi năng lực chi trả rất hạn chế, gây sức ép rất lớn cho ngành điện. Ai đi đâu cũng nói không được làm điện than, thủy điện thì nói ngập lụt. Trong khi đó, năng lượng tái tạo không phát triển nhanh được nên thách thức rất lớn”.

“Hiện nay xây dựng nhiệt điện than là rất khó vì các địa phương nói không với điện than”, ông Vượng nói.

Ông kiến nghị cần có cơ chế đặc biệt về giá năng lượng, đất đai, vốn và các thủ tục đầu tư. “Về giá phải có chính sách giá theo cơ chế thị trường cho nhà đầu tư”, ông Vượng nói.

Trung Quốc-Myanmar: Những mắc mứu quanh cái đập thủy điện

Trung Quốc-Myanmar: Những mắc mứu quanh cái đập thủy điện

Đã đến lúc Trung Quốc nhận ra rằng quyết định chấm dứt dự án đập thủy điện Myitsone ở Myanmar sẽ không thể được đảo ngược.

Đập thủy điện đang định đoạt số phận ĐBSCL

Đập thủy điện đang định đoạt số phận ĐBSCL

Bị ảnh hưởng nặng nề của sự nóng lên của trái đất và quá trình đô thị hóa, miền Nam Việt Nam đang tìm giải pháp để cứu cây lúa và người dân của mình.

Đập Thủy điện Hòa Bình chịu được 4 quả bom nguyên tử

Đập Thủy điện Hòa Bình chịu được 4 quả bom nguyên tử

Sau vụ vỡ đập thủy điện ở Lào, lại rộ lên tin đồn về các vết nứt ở những quả đồi bên đập Thủy điện Hòa Bình, khiến độc giả bày tỏ lo lắng.

Giải mã bí ẩn về quá trình tìm nơi đặt đập thủy điện Sơn La

Giải mã bí ẩn về quá trình tìm nơi đặt đập thủy điện Sơn La

Nếu đập Sơn La vỡ, chiếc xe tăng 40 tấn ở Sơn Tây sẽ bị thổi bay như lá vàng. Sau 30 phút, toàn đồng bằng Bắc Bộ chìm sâu 4-60m, cướp đi sinh mạng 15 triệu người'.