- Trong khi hầu hết các ứng viên Trung ương đều đạt tỷ lệ lấy phiếu tín nhiệm 100% thì những người tự ứng cử nhận được ít sự tín nhiệm hơn, theo thống kê ban đầu của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Trao đổi với báo chí chiều 1/4, Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật MTTQ Việt Nam Nguyễn Ngọc Dinh cho hay, các tỉnh thành đã hoàn thành việc lấy ý kiến tín nhiệm của cử tri nơi cư trú. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ thống kê và phân tích số liệu để báo cáo trước phiên họp thứ ba Hội đồng bầu cử Trung ương.
Chưa có thắc mắc về tài sản
Theo ông Dinh, 179/183 ứng viên do Trung ương giới thiệu đều đạt 100% tín nhiệm. Chỉ có 4 ứng viên có tỷ lệ tín nhiệm từ 87% - 98%.
Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật MTTQ Việt Nam
Nguyễn Ngọc Dinh. Ảnh: Lê Nhung
Nhiều tỉnh thành có 100% ứng viên đạt tỷ lệ tín nhiệm 100%, như Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Yên Bái... Tại các hội nghị, chưa có bất cứ thắc mắc nào về vấn đề tài sản hay chuyện tham ô, tham nhũng của ứng viên. Hình thức biểu quyết phổ biến nhất là giơ tay, rất ít nơi tiến hành bỏ phiếu kín.
Theo ông Dinh, tại các hội nghị lấy ý kiến tín nhiệm, người dân đã đóng góp rất nhiều ý kiến cho ứng viên, đặc biệt về việc giữ mối quan hệ chặt chẽ giữa ứng viên với cử tri.
Một số tỉnh thành có số người tự ứng cử QH cao như Hà Nội, TP.HCM hiện đã hoàn thành việc tổ chức lấy ý kiến tín nhiệm nhưng chưa có thống kê cuối cùng.
Tại Hà Nội, hầu hết các ứng viên Trung ương (như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng...) đều đạt tín nhiệm 100%. Trong số 30 người tự ứng cử, một số trường hợp cũng đạt tỷ lệ tín nhiệm tối đa, nhưng một số trường hợp khác chỉ dành được 5 - 10% tín nhiệm.
Một người tự ứng cử rút đơn
Báo cáo sơ bộ từ 22 tỉnh thành có người tự ứng cử cho thấy, tỷ lệ tín nhiệm của những người tự ứng cử không đạt 100% như ứng viên được giới thiệu.
Thậm chí, có ứng cử viên tại tỉnh Thanh Hóa đã xin rút đơn tự ứng cử trước ngày chuẩn bị lấy ý kiến tín nhiệm. Ứng cử viên còn lại đạt tỷ lệ tín nhiệm 24%.
Chỉ có 9/47 cử tri khu bán đảo
Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) đồng ý tín nhiệm anh Nguyễn Công Hùng, Hiệp sĩ CNTT tự ứng cử.
Ảnh: Lê Nhung
Năm nay, số người ứng cử đại biểu Quốc hội là 1.085 người, gồm 183 ứng viên do trung ương giới thiệu, 902 ứng viên ở các tỉnh thành. Kết thúc hội nghị hiệp thương lần thứ hai, so với tối đa 500 đại biểu Quốc hội khóa 13, tỷ lệ số dư là 2,18 lần.
Trong đó, có 201 ứng cử viên ngoài Đảng (18,47%), 188 ứng viên tái cử (17,28%), 282 người trẻ (25,92%), 388 nữ (31,07%) và 173 người dân tộc thiểu số (15,9%).
Cả nước có 82 người tự ứng cử
đại biểu Quốc hội. Số ứng viên này được phân bổ ở 22 tỉnh thành, trong đó riêng
Hà Nội có 30, TP.HCM 22 người.
Kết quả lấy ý kiến tín nhiệm nơi cư trú và nơi làm việc sẽ được
báo cáo tại phiên họp thứ ba của Hội đồng bầu cử đầu tuần tới.
Hội nghị hiệp thương lần thứ thứ ba ở trung ương và địa phương sẽ được tổ chức vào giữa tháng 4 để lập danh sách chính thức người ứng cử.
-
Lê Nhung