Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ thực hiện chuyến thăm hiếm hoi tới Bắc Kinh từ ngày 5 – 6/2, giữa lúc hai nước đang tồn tại bất đồng trong nhiều vấn đề như Đài Loan (Trung Quốc) và thương mại. Câu hỏi đặt ra là “Làm thế nào để hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tránh được một cuộc Chiến tranh Lạnh mới?”

Trong những năm qua, mối quan hệ hai nước chứng kiến tình trạng căng thẳng và thậm chí còn rơi xuống mức thấp kỷ lục hồi tháng 8/2022, thời điểm Chủ tịch Hạ viện Mỹ lúc bấy giờ là bà Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan. Đáp trả, Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự chưa từng có gần đảo Đài Loan. 

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sắp tới thăm Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Kể từ đó, chính quyền của Tổng thống Joe Biden bày tỏ hy vọng sẽ xây dựng "nền tảng cho mối quan hệ" với Trung Quốc, và đảm bảo sự cạnh tranh không biến thành xung đột. Như trong cuộc gặp vào tháng 11/2022, Tổng thống Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã cam kết liên lạc thường xuyên hơn.

Song một vấn đề phức tạp hơn đã xuất hiện vào ngày 2/2, khi Lầu Năm Góc cho biết một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bị nghi ngờ bay qua lãnh thổ Mỹ trong vài ngày qua. 

Hiện chưa rõ vụ việc trên sẽ ảnh hưởng như thế nào đến chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken. Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của một Ngoại trưởng Mỹ kể từ sau lần tới Bắc Kinh vào tháng 10/2018 của Ngoại trưởng Mike Pompeo dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump. 

Trên thực tế, việc Mỹ tăng cường các quy định đối với Trung Quốc như kiểm soát xuất khẩu có thể gây cản trở ngành sản xuất chip của đất nước tỷ dân, cũng đang làm bùng phát căng thẳng trong quan hệ hai nước. 

Bên cạnh đó, việc Mỹ - Philippines vừa ký kết một thỏa thuận mới nhằm mở rộng khả năng tiếp cận của Washington tới các căn cứ quân sự ở quốc gia châu Á, cùng khả năng tân Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy sẽ thực hiện chuyến thăm tới Đài Loan khiến giới phân tích nhận định sứ mệnh quan trọng của Ngoại trưởng Blinken chính là đảm bảo Mỹ - Trung có thể tránh được một cuộc khủng hoảng.

Ông Jude Blanchette, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho rằng "Đây là việc thiết lập lại nền tảng của mối quan hệ, và đưa ra các thủ tục và cơ chế để có thể quản lý một số căng thẳng trong mối quan hệ".

Tìm kiếm sự ổn định nhưng triển vọng mờ mịt

Trung Quốc cũng đang tìm kiếm mối quan hệ ổn định với Mỹ để có thể tập trung vào khôi phục nền kinh tế vốn bị tác động lớn từ chính sách “Zero Covid”. 

Trong những tháng gần đây, ông Tập đã gặp gỡ nhiều nhà lãnh đạo thế giới, tìm cách thiết lập lại quan hệ, và giải quyết các bất đồng như để Australia nối lại hoạt động xuất khẩu than sang Trung Quốc sau ba năm gián đoạn. Ông Tập cũng đã loại bỏ một số nhà ngoại giao “chiến lang”, những người có lời lẽ cứng rắn khiến nhiều đối tác thương mại xa lánh Trung Quốc.

Truyền thông Trung Quốc cũng dùng ngữ điệu hòa giải trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Blinken. Điển hình, một bài viết trên Nhân dân Nhật báo lập luận rằng hai nền kinh tế Mỹ - Trung là không thể tách rời, và hai nước "nên tăng cường hợp tác để thúc đẩy sự phát triển của các mối quan hệ song phương”.

Tuy nhiên, kỳ vọng thay đổi quan hệ Mỹ - Trung theo hướng tốt lên đối với chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken là rất thấp. Bởi những bất đồng về các vấn đề lớn như Đài Loan và thương mại giữa Mỹ - Trung đã tồn tại nhiều năm mà chưa tìm ra được hướng giải quyết. 

Ngoài ra, chính quyền của Tổng thống Biden hiện có rất ít chỗ để hành động, trong bối cảnh Quốc hội Mỹ ngày càng có quan điểm diều hâu. Hồi tháng Một, Hạ viện Mỹ do Đảng Cộng hòa kiểm soát đã cho thành lập một ủy ban chuyên trách về Trung Quốc để tập trung ngăn chặn tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh trên thế giới. 

>> Đọc tin thế giới trên báo VietNamNet