“Các biện pháp trừng phạt này nhằm vào giới tinh hoa nước Nga cùng người thân của họ. Trong đó gồm có hai con gái của Tổng thống Putin là Katerina Tikhonovna và Maria Putina; vợ và con của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov; một số thành viên trong Hội đồng An ninh Nga như cựu Tổng thống Dmitry Medvedev và Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin”, thông cáo đăng trên trang web của Nhà Trắng hôm 6/4 nêu rõ. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Sputnik

“Những nhân vật trên chịu trách nhiệm cho việc cung cấp nhiều hỗ trợ cần thiết cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Động thái trừng phạt này sẽ ‘cắt đứt’ họ khỏi hệ thống tài chính Mỹ, cũng như đóng băng bất kỳ tài sản nào được họ gửi ở đất nước chúng tôi”, thông cáo trên viết thêm. 

Động thái Mỹ giáng đòn trừng phạt lên hai con gái của ông Putin được thực hiện chỉ một ngày sau khi Liên minh châu Âu (EU) cũng đưa ra đề xuất tương tự. 

NATO cảnh báo chiến sự Ukraine kéo dài nhiều năm

Chúng ta phải nhìn nhận trên thực tế rằng, chiến sự Nga-Ukraine có thể diễn ra trong một khoảng thời gian dài, trong nhiều tháng, hay thậm chí nhiều năm. Chúng ta cần phải chuẩn bị cho chặng đường dài, bao gồm hỗ trợ cho Ukraine, duy trì những biện pháp trừng phạt Nga cũng như tăng cường việc phòng thủ của chúng ta”, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg nói với tờ Politico hôm 6/4.

Theo ông Stoltenberg, các nước trong NATO kể từ khi chiến sự nổ ra đã hỗ trợ nhiều cho chính quyền Kiev, bao gồm nhiều vũ khí, trong khi “vẫn duy trì việc khối quân sự này không gửi máy bay hay binh sĩ tới Ukraine”.

“NATO đang phải chịu áp lực về việc cung cấp thêm nhiều vũ khí, xe tăng hay thậm chí tiêm kích cho Ukraine. Trong khi đó, chúng tôi đang chứng kiến Nga rút quân khỏi miền bắc sang phía đông Ukraine, nơi chúng tôi nhận định sẽ có một cuộc tấn công lớn nổ ra”, ông Stoltenberg nói thêm.

Nga không tính đóng cửa các đại sứ quán nước ngoài ở Moscow

Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, khả năng đóng cửa các đại sứ quán của nhiều nước châu Âu ở thủ đô Moscow “không được tính đến”. 

“Chúng tôi coi ngoại giao là một công cụ bất di bất dịch trong việc giao tiếp quốc tế, và ngoại giao ngày càng quan trọng hơn trong hoàn cảnh hiện nay. Tôi nhắc lại một lần nữa rằng chúng tôi sẽ đáp trả mọi lúc, nguyên tắc có đi có lại trong quan hệ quốc tế không thay đổi. Chúng tôi sẽ quyết định một số quyết sách cụ thể, dựa trên các lợi ích của chúng tôi”, bà Zakharova nói với hãng tin TASS.

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh hơn 120 nhà ngoại giao Nga đã bị các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) trục xuất trong những ngày gần đây. Trong đó, số nhà ngoại giao Nga bị trục xuất ở Italia, Pháp và Đức lần lượt là 30, 35 và 40 người.

Bộ Tư pháp Mỹ cùng đồng minh điều tra vụ việc ở Bucha, Ukraine

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland hôm 6/4 nói rằng các công tố viên của nước này trên khắp thế giới đang nỗ lực thu thập bằng chứng và thông tin “về việc giết hại dân thường ở thị trấn Bucha, Ukraine”.

“Các công tố viên Mỹ ở thành phố Paris đang gặp gỡ các công tố viên về tội ác chiến tranh của Pháp, trong khi các luật sư của Bộ Tư pháp Mỹ đã có cuộc gặp với nhiều công tố viên châu Âu nhằm đưa ra kế hoạch thu thập chứng cứ vụ việc, với một sự tôn trọng dành cho Ukraine”, ông Garland nói với hãng AP.

Đồng thời, ông Garland tuyên bố rằng Bộ Tư pháp Mỹ sẽ sử dụng toàn bộ thẩm quyền của cơ quan này để buộc “những nhà tài phiệt Nga ủng hộ cuộc chiến ở Ukraine phải chịu trách nhiệm”.

Bộ Ngoại giao Nga sau đó cùng ngày nói rằng, vụ giết hại dân thường ở thị trấn Bucha là tội ác được dàn dựng bởi chính quyền Kiev.

“Thế giới hôm 3/4 đã chứng kiến một tội ác được thực hiện bởi giới chức Ukraine. Lần này ở thị trấn Bucha, khi một chiến dịch ‘cờ giả’ đã được dàn dựng để đổ tội cho những người lính Nga sát hại dân thường. Khi Bucha nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Nga, không có bất kỳ người dân địa phương nào chịu ảnh hưởng bởi những hành vi bạo lực”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói với hãng tin TASS.

Tuấn Trần