Ngày 7/6, câu chuyện thu hút nhân tài để khoa học công nghệ bứt phá trở làm nóng phiên chất vấn Bộ trưởng KH-CN Huỳnh Thành Đạt.

Cuộc tranh luận này bắt đầu từ câu hỏi của đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau):  “Đâu là điểm kích nổ về chính sách để Việt Nam bứt phá về công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế và bảo vệ quốc phòng, an ninh của Tổ quốc?”.

Đại biểu Lê Thanh Vân

Trả lời, Bộ trưởng KH-CN Huỳnh Thành Đạt cho rằng, vấn đề bứt phá về công nghệ thì có nhiều giải pháp nhưng trước tiên giải pháp quan trọng là đầu tư cho nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đầu tư cả về kinh phí, nguồn lực cũng như về cơ chế chính sách để làm sao nhà khoa học có điều kiện, có tâm thế sẵn sàng cống hiến cho khoa học.

“Phải nói là tôi rất tin tưởng năng lực của các nhà khoa học chúng ta. Nếu như chúng ta đầu tư đúng mức, tạo điều kiện thích hợp thì sẽ phát huy được năng lực nghiên cứu khoa học cũng như đổi mới sáng tạo. Đó là việc rất quan trọng để có điều kiện phát triển”, Bộ trưởng nói.

Chỉ có nhân tài mới có thể làm thay đổi diện mạo công nghệ ở Việt Nam

Tranh luận sau đó, đại biểu Lê Thanh Vân bày tỏ “chưa hài lòng” với câu trả lời của Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt.

“Có lẽ, tôi nghĩ và nhiều người khác cũng nghĩ như tôi điểm kích nổ trong chính sách để khoa học công nghệ Việt Nam bứt phá chính là nhân tài, chỉ có nhân tài, nhất là nhân tài khoa học công nghệ mới có thể làm thay đổi diện mạo công nghệ ở Việt Nam”, đại biểu tỉnh Cà Mau nêu quan điểm.

Đại biểu Lê Thanh Vân gợi ý, thứ tự ưu tiên trong việc lựa chọn chính sách để kích nổ trong công nghệ đó là nhân tài ở các lĩnh vực như là trí tuệ nhân tạo, blockchain, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, một loạt những vấn đề khác trong y tế và giáo dục.

Bộ trưởng KH-CN Huỳnh Thành Đạt

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt bày tỏ: “Cá nhân tôi xin rất cảm ơn đại biểu đã có những chia sẻ và gợi ý. Chúng tôi sẽ có nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này.

“Như gợi ý của của đại biểu là vấn đề kích nổ sự phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước chúng ta. Về vấn đề con người, chúng tôi xin nhận, sắp tới đây chúng tôi sẽ trình đề án về đội ngũ trí thức trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Chúng tôi sẽ hết sức lưu ý vấn đề này để thể hiện vào đề án đó”, Bộ trưởng cam kết.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) cũng bấm nút tham gia tranh luận: “Bộ trưởng có nói là đồng ý coi nhân tài là một hướng để phát triển khoa học công nghệ, tuy nhiên việc thực hiện rất khó khăn. Tôi muốn hỏi Bộ trưởng là trong thời gian tới đây, ngay tại Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng có phương án nào để có thể chiêu mộ nhân tài về bộ làm việc?”

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) cũng bày tỏ rất đồng tình với ý kiến của đại biểu Lê Thanh Vân, đại biểu Lân Hiếu khi nói về cốt lõi trong phát triển khoa học, công nghệ phải là vấn đề nhân tài.

Cho rằng trả lời của Bộ trưởng còn tương đối khái quát, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa nhấn mạnh một yếu tố quan trọng hơn nữa, đó là nhà khoa học đầu ngành.

“Trong báo cáo của bộ có nêu đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ có tăng nhưng thiếu các nhà khoa học đầu ngành. Đây là một vấn đề không mới nhưng vẫn rất nhức nhối”, đại biểu tỉnh Phú Yên nhấn mạnh.

Ông dẫn chứng thực tế khi đi khảo sát ở các trường, các viện nghiên cứu thì thấy rõ sự hụt hẫng này của các nhà khoa học đầu ngành.

Đại biểu băn khoăn tại sao trong thời chiến tranh hay những năm tháng bao cấp kinh tế rất khó khăn, thông tin rất ít, chúng ta vẫn tự hào có đội ngũ các nhà khoa học đầu ngành và đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bây giờ trong điều kiện công nghệ phẳng, chúng ta có thể tiếp cận rất nhiều với khoa học trên thế giới cũng như điều kiện kinh tế - xã hội đã tốt hơn rất nhiều thì đội ngũ khoa học đầu ngành lại hụt hẫng.

Băn khoăn trong các lĩnh vực khoa học, các trường, các viện những lĩnh vực nào thiếu bao nhiêu các nhà khoa học đầu ngành, đại biểu bày tỏ: “Chúng tôi rất lo sau này chúng ta ra nghị quyết mới hoặc lần sau chất vấn thì vấn đề thiếu hụt các nhà khoa học đầu ngành lại tiếp tục nêu lên như mới. Khoa học cần những sản phẩm rất cụ thể, cần những giải pháp rất cặn kẽ, đi vào con người, đi vào chính sách, đi vào những đơn vị”.

Trăn trở của ông Huỳnh Thành Đạt khi về Bộ KH-CN

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhìn nhận: “Phải nói đây là điều rất trăn trở khi tôi về Bộ cũng như trước đây làm việc ở cơ sở giáo dục đại học. Cứ loay hoay là có chủ trương, tuy nhiên khi triển khai ở cơ sở thì gặp rất nhiều khó khăn bởi vì còn liên quan đến rất nhiều quy định khác ở Luật Công chức, viên chức; các quy định về tài chính...".

Tư lệnh ngành KH-CN cho biết, vừa rồi triển khai Nghị quyết 27 về xây dựng đội ngũ trí thức, Bộ Khoa học và Công nghệ được Chính phủ giao để xây dựng đề án này. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn, nhưng bộ sẽ hết sức cố gắng làm thế nào để đề án thực sự thu hút được những nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong nước, ngoài nước về làm việc một cách hiệu quả nhất.

Bộ trưởng mong các đại biểu sẵn sàng trong việc đóng góp cho đề án này. Kinh nghiệm của các địa phương khi làm đề án để thu hút nhân tài ở các nơi, nước ngoài, các địa phương khác về làm việc ở địa phương đó thì hầu hết thành công không cao, thậm chí có đề án thất bại.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc

Chia lửa với Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt về nội dung này, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc bày tỏ đồng tình với quan điểm “điểm để kích nổ khoa học công nghệ đột phá phải có nhân tài" như đại biểu Lê Thanh Vân nói.

“Những rõ ràng để có nhân tài phải có môi trường để họ cống hiến tốt, cơ chế chính sách phù hợp. Ngày xưa, trong điều kiện khó khăn cũng có nhiều nhà khoa học nổi tiếng như Trần Đại Nghĩa sản xuất vũ khí súng ba càng, súng bazooka, bác sĩ Đặng Văn Ngữ sản xuất Penicillin, hay nhà bác học như Lương Đình Của”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc dẫn chứng.

Vì vậy, Bộ trưởng Tài chính cho rằng, phải thu hút nguồn lực xã hội để đảm bảo sáng kiến, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học.