Ưu tiên điện sạch không đấu nối lưới

Báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương về dự thảo quy hoạch điện 8 tiếp tục đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo (NLTT), năng lượng mới, năng lượng sạch (hydro, amoniac xanh, ...) phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành hợp lý, đặc biệt là các nguồn điện tự sản xuất, tự tiêu thụ, điện mặt trời mái nhà. 

Điện tái tạo tiếp tục được ưu tiên phát triển. Ảnh: Thạch Thảo

Khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn nhiên liệu hóa thạch trong nước kết hợp với nhập khẩu: giảm dần tỷ trọng điện than, ưu tiên phát triển điện khí trong nước, phát triển nguồn điện LNG với quy mô phù hợp. 

Đáng chú ý, để hiện thực hóa mục tiêu phát triển điện tái tạo vốn được đánh giá là không ổn định, Bộ Công Thương cho hay sẽ đầu tư mạnh vào nguồn điện lưu trữ.

Cụ thể, đến 2030, phát triển các nhà máy thủy điện tích năng với quy mô công suất khoảng 2.400 MW để điều hòa phụ tải, dự phòng công suất. Pin lưu trữ được phát triển khi có giá thành hợp lý, bố trí phân tán. Đến năm 2030 dự kiến đạt công suất khoảng 300 MW. 

"Định hướng 2050, công suất nguồn điện lưu trữ đạt 30.650-51.850 MW", Bộ Công Thương đặt mục tiêu.

Ngoài ra, Bộ Công Thương nhấn mạnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển điện gió trên bờ và ngoài khơi, điện mặt trời phù hợp với khả năng hấp thụ, giải tỏa công suất của hệ thống, giá thành điện năng và chi phí truyền tải hợp lý, tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng lưới điện hiện có. Ưu tiên, khuyến khích phát triển điện gió, ĐMT (trong đó có ĐMT mái nhà) tiêu thụ tại chỗ, không đấu nối hoặc không bán điện vào lưới điện quốc gia. 

Cụ thể, đến 2030, công suất điện gió trên bờ đạt 21.880 MW. Với điện gió ngoài khơi, dự thảo lần này giảm 1.000MW so với các phiên bản trước đó. Theo đó, đến 2030, công suất khoảng 6.000 MW.

Song, dự thảo cũng mở ra hướng phát triển mới cho điện gió ngoài khơi phục vụ xuất khẩu, không đấu nối với hệ thống điện quốc gia. Dự kiến đến 2030, công suất 3.000-4.000 MW; Cho phép phát triển không giới hạn công suất nếu có các dự án mang lại lợi ích kinh tế tốt cho đất nước.

"Chuyển đổi năng lượng nên được thực hiện với chi phí thấp" 

Tại hội nghị tham vấn quốc tế về quy hoạch điện 8 ngày 4/5, ông Keiju Mitsuhashi - Phó giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Phát triển châu Á cho rằng, Quy hoạch điện VIII được xây dựng với nhiều thách thức để đáp ứng nhiều yêu cầu, bao gồm đảm bảo an ninh năng lượng và khả năng chi trả đồng thời đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. 

“Chúng tôi ủng hộ định hướng tổng thể của dự thảo quy hoạc điện 8” – ông Keiju Mitsuhashi nhấn mạnh đồng thời cho biết, ADB sẵn sàng xem xét tài trợ từ chính phủ và ngoài chính phủ để tăng cường hệ thống lưới điện truyền tải với các dịch vụ phụ trợ nhằm đảm bảo sự ổn định của lưới điện với nhiều năng lượng tái tạo hơn.

Liên quan đến phát triển thị trường điện cạnh tranh, ông Keiju Mitsuhashi cho rằng, quá trình chuyển đổi năng lượng nên được thực hiện với chi phí thấp nhất cho nền kinh tế và con người. Các chính sách giá bán điện mặt trời và gió của Việt Nam đã khuyến khích khối lượng đầu tư lớn từ khu vực tư nhân và cho phép thị trường điện mặt trời và gió phát triển rất nhanh nhưng nó đi kèm với một chi phí cao. 

ADB hoan nghênh định hướng về nghiên cứu xây dựng cơ chế đấu thầu/đấu giá với các dự án và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam triển khai các dự án thí điểm hệ thống lưu trữ năng lượng bằng pin (BESS) để kiểm soát tần số và giảm giờ cao điểm; dự án thí điểm đáp ứng nhu cầu (DR), đặc biệt là ở khu vực phía Bắc nơi có nguy cơ thiếu điện cao. 

Đại diện Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam khuyến nghị, Quy hoạch Điện 8 cần đảm bảo độ linh hoạt đủ để bắt kịp các xu hướng đổi mới toàn cầu về năng lượng tái tạo, công nghệ lưu trữ, điện khí linh hoạt (ICE) và các công nghệ khác mà sẽ có mặt trên thị trường.

Đồng thời cần có sự linh hoạt để cho phép một số dự án nhất định có thể tận dụng nguồn lực đã có để tăng quy mô công suất được phân bổ ban đầu nếu dự án đó có những thuận lợi về thời gian phát triển để đáp ứng các yêu cầu vào vận hành thương mại đến 2030 nếu các dự án khác bị chậm tiến độ.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, Việt Nam luôn ý thức được tầm quan trọng và kiên định với mục tiêu phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Các dự án sử dụng năng lượng hoá thạch đã và đang sử dụng nhiên liệu thay thế, giảm phát thải khí nhà kính. 

Các dự án có hiệu quả sẽ không giới hạn về quy mô công suất ví dụ như điện mặt trời mái nhà tự dùng, các nguồn năng lượng mới như hydro, amoiniac…

Tuy nhiên để đạt được mục tiêu đề ra, Việt Nam mong muốn các đối tác nước ngoài tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc chuyển giao công nghệ; hỗ trợ về nguồn tài chính (các định chế tài chính cần nghiên cứu các gói hỗ trợ vốn giá rẻ để doanh nghiệp, người dân dễ tiếp cận); công tác đào tạo và quản trị.