Reuters trích dẫn một nguồn thạo tin hôm 19/5 tiết lộ, ông Zelensky dự kiến sẽ tới Nhật vào tối 20/5. Chuyến công du châu Á diễn ra sau khi Tổng thống Ukraine tham dự hội nghị thượng đỉnh của Liên đoàn Ảrập tại Ảrập Xêút ngày 19/5, theo tiết lộ của hai nhà ngoại giao Ảrập.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: AP

Cùng ngày, Oleksii Danilov, Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia và quốc phòng Ukraine tuyên bố, việc ông Zelensky trực tiếp dự họp G7 ở Hiroshima là “vô cùng quan trọng”. Động thái diễn ra khi Kiev tiếp tục tìm kiếm sự hỗ trợ quân sự của các đối tác phương Tây trước chiến dịch phản công đã lên kế hoạch từ lâu.

Theo CNN, ông Danilov phát biểu trên truyền hình quốc gia Ukraine rằng: “Sẽ có những thứ rất quan trọng được quyết định ở đó. Do đó, việc hiện diện trực tiếp của Tổng thống Zelensky vô cùng cần thiết để bảo vệ lợi ích của chúng ta, giải thích và đưa ra các đề xuất cũng như lập luận rõ ràng về những sự kiện đang diễn ra ở đất nước chúng ta”.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Nhật hôm 18/5 thông báo, ông Zelensky sẽ dự phiên họp mở rộng của các nhà lãnh đạo G7 bằng hình thức trực tuyến.

Nga tăng cường an ninh quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia

4 nhân chứng tiết lộ với Reuters rằng, lực lượng Moscow đã tăng cường các vị trí phòng thủ trong và xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia lớn nhất châu Âu ở miền nam Ukraine trong những tuần gần đây.

Theo 2 người Ukraine đang làm việc bên trong nhà máy và 2 cư dân khác ở Enerhodar, quân Nga đã đào các chiến hào mới quanh thành phố và cài đặt thêm nhiều mìn. Các camera giám sát tại nhà máy Zaporizhzhia đang hướng về phía bắc tới phần lãnh thổ đang nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng Kiev ở bên kia một hồ chứa nước lớn.

Các nhân chứng kể, lực lượng Nga đã thiết lập các vị trí nhắm bắn trên nóc một số tòa nhà thuộc cơ sở Zaporizhzhia suốt vài tháng qua. Hệ thống lưới cũng được dựng lên có thể nhằm ngăn chặn máy bay không người lái (UAV).

Các lực lượng Moscow đã giành quyền kiểm soát nhà máy Zaporizhzhia ngay từ những ngày đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi cuối tháng 2/2022.

Petro Kotin, lãnh đạo Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc gia Ukraine (Energoatom) không tin binh lính Kiev sẽ tiến hành tấn công trực tiếp vào cơ sở này. Ông Kotin nhận định, quân Ukraine có thể buộc phía Nga phải rút lui bằng cách cắt đứt nguồn tiếp tế.