Hội nghị Thượng đỉnh về Thành phố thông minh ASOCIO 2018 - Hà Nội có chủ đề “Xây dựng thành phố thông minh hơn, an toàn hơn bằng các giải pháp số". |
Trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh về thành phố thông minh ASOCIO 2018 – Hà Nội được UBND TP.Hà Nội, Tổ chức Công nghiệp điện toán châu Á-châu Đại Dương (ASOCIO) và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) phối hợp tổ chức ngày 18/9/2018, tại hội thảo chuyên đề “Hạ tầng, nền tảng cơ sở quan trọng cho các thành phố thông minh”, đại diện Bộ Xây dựng đã chia sẻ các quan điểm, nguyên tắc trong phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay cũng như các chương trình nghị sự ưu tiên nhằm thúc đẩy phát triển đô thị thông minh bền vững ở Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại “Đề án Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030”.
Nhận định phát triển đô thị thông minh là một xu hướng đang được Việt Nam và nhiều quốc gia ASEAN rất quan tâm, đại diện Bộ Xây dựng cho hay, thực tiễn trên thế giới cho thấy phát triển đô thị thông minh đem lại nhiều hiệu quả thiết thực về tiết kiệm chi phí quản lý vận hành đô thị, sự đơn giản thuận tiện cho người dân, gia tăng hiệu quả chỉ đạo điều hành của cơ quan quản lý. Đặc biệt, ứng dụng đô thị thông minh góp phần tạo sự chuyển biến quan trọng trong mối quan hệ giữa chính quyền với người dân từ chỗ chính quyền là bên đơn phương cung cấp dịch vụ cho dân cư sang mối quan hệ đối tác cùng quản lý và phát triển đô thị.
Tuy nhiên, phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam cũng tiềm ẩn những rủi ro và thách thức như yêu cầu chuyển đổi công việc làm, yêu cầu trình độ lao động, rủi ro về an ninh mạng, về sự liên tục của chuỗi tài chính, sự phụ thuộc vào công nghệ thiết bị, những thách thức về sự xáo trộn trong lối sống gia đình và suy giảm văn hóa truyền thống do mặt trái của thực tại ảo...
Hiện nay, đã có hơn 20/63 tỉnh,thành phố trong cả nước đã và đang xây dựng đề án, kế hoạch tổng thể phát triển đô thị thông minh. Các bộ, ngành cũng đang khẩn trương thúc đẩy việc phát triển ứng dụng CNTT thông minh trong từng lĩnh vực chuyên ngành như cung cấp dịch vụ y tế, quản lý dân cư, tài chính thông minh... “Song nhận thức chung của xã hội cũng như của các bộ, ngành, địa phương về phát triển đô thị thông minh cũng như cách tiếp cận của các đề án tại các địa phương cũng tương đối có nhiều sự khác biệt, còn thiếu vắng những nền tảng chung. Xu thế chủ yếu đang chú trọng việc áp dụng các phần mềm ứng dụng. Chưa có sự chú trọng cần thiết đối với việc hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng công nghệ thông tin ICT, xây dựng nền tảng hệ thống hạ tầng dữ liệu không gian đô thị trên cơ sở quy hoạch đô thị thống nhất”, đại diện Bộ xây dựng đánh giá.
Theo đại diện Bộ Xây dựng, hiện đã có hơn 20/63 tỉnh,thành phố trong cả nước đã và đang xây dựng đề án, kế hoạch tổng thể phát triển đô thị thông minh (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet) |
Cũng theo chia sẻ của đại diện Bộ Xây dựng, trong bối cảnh chung của xu thế trên thế giới và trên cơ sở kế thừa các lý luận, kinh nghiệm thực tiễn của thế giới và thực tiễn của Việt Nam, với mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng đô thị hướng tới phát triển đô thị thông minh bền vững, ngày 1/8/2018 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam. Đề án đã xác định 7 quan điểm và nguyên tắc xuyên suốt trong việc phát triển đô thị thông minh bền vững ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Phát triển đô thị thông minh cần phải luôn lấy người dân làm trung tâm, hướng tới mục tiêu để mọi thành phần trong xã hội có thể được thụ hưởng lợi ích, tham gia đầu tư xây dựng và giám sát, quản lý đô thị thông minh.
“Với bối cảnh chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế, tổ chức thực hiện phát triển đô thị thông minh bền vững kết hợp cả 2 cách từ trên xuống và từ dưới lên, trung ương điều hành tập trung xây dựng hệ thống quy định pháp lý và chính sách hỗ trợ, các địa phương đóng vai trò chủ động. Tổ chức thực hiện thí điểm điển hình, rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng”, đại diện Bộ Xây dựng nhấn mạnh.
Trong giai đoạn 2018 – 2025, phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam cần ưu tiên xây dựng các nội dung cơ bản: thứ nhất, quy hoạch đô thị thông minh; thứ hai, xây dựng và quản lý đô thị thông minh; thứ ba, cung cấp các tiện ích đô thị thông minh cho các tổ chức, cá nhân trong đô thị. thứ tư, với Cơ sở nền tảng là Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và hệ thống hạ tầng ICT trong đó bao gồm cơ sở dữ liệu không gian đô thị thông minh được kết nối liên thông và hệ thống tích hợp hai hệ thống trên.
Mục tiêu phấn đấu giai đoạn từ nay đến năm 2020 tập trung xây dựng nền tảng cơ sở pháp lý phát triển đô thị thông minh, tiến hành công tác chuẩn bị đầu tư triển khai thí điểm ở cấp khu đô thị và đô thị (tối thiểu 3 khu đô thị mới và 3 đô thị). Từ năm 2021 đến 2025 tiến hành thí điểm phát triển đô thị thông minh, phấn đấu mỗi vùng kinh tế xã hội có một đô thị thông minh. Đề án đã xác định 10 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm cần được thực hiện để đạt được các mục tiêu phát triển đô thị thông minh bền vững ở Việt Nam. Chủ thể thực hiện các nhiệm vụ này được xác định không chỉ có các cơ quan nhà nước mà là toàn thể các thành phần kinh tế trong xã hội.
Đại diện Bộ Xây dựng cho rằng, để có thể thực hiện thành công mục tiêu phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam, tạo sự chuyển biến quan trọng mô hình tăng trưởng kinh tế - xã hội của các đô thị là những động lực phát triển kinh tế xã hội trong kỷ nguyên mới, chúng tôi rất mong muốn Đề án này sẽ không chỉ dừng lại là một sự quyết tâm từ một phía.
Khẳng định Bộ Xây dựng sẽ nỗ lực thúc đẩy để nhiệm vụ phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam được đón nhận, có sự vào cuộc của các bên, đại diện Bộ này một lần nữa nhấn mạnh: “Tất cả nỗ lực của chúng ta trong việc sử dụng các giải pháp khoa học, CNTT-TT, các ứng dụng kỹ thuật số, ứng dụng các công cụ tự động hay trí tuệ nhân tạo trong đô thị đều nhằm một mục tiêu chung, đó là phát triển đô thị hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, khai thác, phát huy các tiềm năng và lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; khai thác tối ưu hiệu quả tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời đảm bảo tạo điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân, người dân tham gia hiệu quả nghiên cứu, đầu tư xây dựng, quản lý phát triển đô thị thông minh; hạn chế các rủi ro và nguy cơ tiềm năng; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và các dịch vụ đô thị; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, hội nhập quốc tế”.