Xung đột ở đông Ukraina đã "đóng băng" ngay khi Nga bắt đầu triển khai quân sự ở Syria. Việc Moscow trở lại sân khấu thế giới đang đặt ra nhiều cơ hội mới và không ít thách thức mới.

Theo báo Đức DW, Nga không mấy khi khen Mỹ, nhưng 17/12 là một ngày như vậy. Tổng thống Vladimir Putin đã gây ngạc nhiên tại cuộc họp báo cuối năm khi thông báo kế hoạch của Nga về Syria khớp với kế hoạch của Mỹ ở nhiều mặt chủ chốt. Ông khẳng định Moscow sẽ ủng hộ sáng kiến mới nhất của Washington để giải quyết xung đột ở Syria.

{keywords}
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đối thoại với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov và Tổng thống Putin. (Ảnh: Reuters)

Tuyên bố này theo sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới Nga 2 ngày trước đó. Trước khi gặp ông Putin, ông Kerry đã đi tản bộ một cách thoải mái ở Arbat, con phố mua sắm nổi tiếng nhất Moscow, để mua quà tặng. Hình ảnh này mang đậm tính biểu tượng mà vốn đã không hiện diện nhiều năm qua.

Báo Novaya Gazeta hàng đầu ở Nga nhắc đến khả năng "khơi thông" của quan hệ Nga - Mỹ, vốn đang giá lạnh chủ yếu vì xung đột Ukraina. Vấn đề chính là liệu hai bên có thể nhất trí về tương lai của Tổng thống Syria Bashar al-Assad hay là không. Nga thì ủng hộ ông Assad, còn Mỹ đòi ông này phải từ bỏ quyền lực.

"Putin đã đánh bại Barack Obama một lần nữa", nhà báo Konstantin Eggert ở Moscow viết trong bài phân tích gửi cho báo DW.

Với việc can thiệp quân sự vào Syria, ông chủ điện Kremlin đã thành công trong việc làm bất cứ điều gì ông muốn ngay từ đầu, "buộc Mỹ phải đối thoại bình đẳng" với mình. Konstantin Eggert còn cho rằng, ông Putin đã đặt ra nghị trình đưa xung đột Ukraina và vấn đề Nga sáp nhập bán đảo Crưm vào hậu cảnh.

Vào cuối tháng 9, Nga bắt đầu oanh tạch ở Syria, nơi liên minh quốc tế dưới sự dẫn dắt của Mỹ đã thực hiện chiến dịch không kích từ nhiều tháng trước đó. Bằng cách triển khai các chiến đấu cơ tới Syria, Nga thông báo quân đội nước này đã trở lại sân khấu thế giới, bởi đây là sứ mệnh đầu tiên của họ từ khi Liên Xô rút quân khỏi Afghanistan năm 1989.

Nga khẳng định không lực nước này giúp quân đội Syria trong cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS) nhưng Washington cáo buộc Moscow nhắm tới cả các nhóm chống đối Assad.

Ngày 24/11, tình hình trở nên phức tạp hơn khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiến đấu cơ Su-24 của Nga ở biên giới Syria với lý do vi phạm không phận. Đây là lần đầu tiên trong nhiều thập niên, một nước NATO bắn rơi máy bay quân sự Nga. Moscow lập tức đáp trả Ankara bằng loạt đòn cấm vận kinh tế và tăng cường sự hiện diện quân sự ở Syria.

Theo Dmitri Trenin - Giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow, Nga có ý định yểm trợ cho quân đội Assad và chặn IS tiến vào thủ đô Damascus của Syria. Nhưng ông nhận định, viễn cảnh của cuộc chiến này vẫn chưa rõ, nếu Syria được nhìn nhận ở một bối cảnh lớn hơn trong các kế hoạch của Putin.

"Cũng như Ukraina, đây là một bước trực tiếp chống lại trật tự thế giới hiện thời mà vấn đề chiến tranh và hòa bình đều do Mỹ và các đồng minh quyết định. Putin đã phá vỡ nguyên tắc đó", ông Trenin bình luận.

Sabine Fischer thuộc Viện Các vấn đề an ninh và quốc tế Đức ở Berlin lại đề cập đến một khía cạnh xa hơn. Bà cho rằng, một trong những mục đích của Moscow ở Syria là "phá vỡ thế cô lập của Nga với phương Tây" xuất phát từ việc sáp nhập Crưm và cuộc xung đột ở Ukraina.

Tuy nhiên, hy vọng thành công của Kremlin vẫn chưa thành hiện thực. Đến nay, một liên minh rộng lớn chống khủng bố quốc tế mà ông Putin kêu gọi trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hồi tháng 9, vẫn chưa ló dạng. Bà Fischer không tin sẽ có một liên minh như vậy trong tương lai gần, bởi "các mục tiêu và phương pháp của các bên rất khác biệt".

Sự nối lại quan hệ Nga - Mỹ về vấn đề Syria đang được xem là cực kỳ quan trọng ở Ukraina, một đất nước trước kia vẫn nằm ở vị trí đầu trong nghị trình giữa Nga và phương Tây. Các chính trị gia phương Tây tuyên bố sẽ không thay đổi lập trường phản đối Nga ủng hộ Damascus. Tuy nhiên, những nhà quan sát như Eggert dự đoán: Kiev sẽ phải trả giá cho việc Nga và Mỹ phục hồi hiểu biết lẫn nhau.

Năm 2015, xung đột Ukraina sang một ngã rẽ. Vào tháng 1, chiến sự giữa quân đội và phe li khai thân Nga ở Donetsk và Luhansk leo thang. Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đi cùng Tổng thống Pháp Francois Hollande đến Kiev và Moscow.

Hai người đứng ra làm trung gian cho các cuộc đối thoại trực tiếp giữa Tổng thống Putin và người đồng cấp Ukraina Petro Poroshenko ở thủ đô Minsk của Belarus ngày 12/2. Kết quả là các thỏa thuận Minsk ra đời, cụ thể là Minsk 2, vì thỏa thuận đầu tiên về một lệnh ngừng bắn ở đông Ukraina hồi tháng 9/2014 chỉ kéo dài vài tuần.

Khi đó, bà Merkel đã nói về một "tia hy vọng". Nhưng 10 tháng sau, tia hy vọng ấy có nguy cơ lụi tàn. Chỉ một trong số các điều khoản trong thỏa thuận - liên quan đến các cuộc gặp của Nhóm Tiếp xúc - được thực thi đầy đủ. Và khi xung đột nguội bớt thì không có thỏa ước ngừng bắn nào. Liên Hợp Quốc ước tính hơn 3.300 người đã phải bỏ mạng ở đông Ukraina kể từ sau Minsk 2.

Nhiều chuyên gia đồng ý rằng, năm 2015 sẽ không mang lại sự thay đổi thực sự nào trong mối quan hệ Nga và phương Tây. Mối quan hệ này tiếp tục căng thẳng. Mặc dù sẽ có sự hợp tác hạn chế trong năm 2016, chẳng hạn như chiến đấu chống IS, nhưng nhìn chung mối quan hệ ấy vẫn tiếp tục bị phủ bóng bởi sự kình địch và đối đầu.

Thanh Hảo