Nhằm nỗ lực chống hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), gỡ “thẻ vàng” của Uỷ ban châu Âu (EC), thời gian qua, Quảng Ninh đã thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục những tồn tại và hạn chế vi phạm trong đánh bắt hải sản.

Theo đó, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị chuyên đề về phát triển thủy sản và phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định IUU; thành lập, ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU cấp tỉnh.

Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cho các chủ tàu; rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; quản lý, kiểm soát tàu cá, sản lượng hải sản khai thác; tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và thực thi pháp luật thủy sản trên biển…

W-cang-ca-1.jpg

Hoạt động bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản đã chuyển dịch từ tập trung chủ yếu ở cấp tỉnh sang phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, đặc biệt chính quyền cấp huyện, xã, các tổ chức và người dân. Từ năm 2018 đến nay, hơn 35 triệu con giống thủy hải sản đã được các ngành chức năng tỉnh Quảng Ninh thả về môi trường tự nhiên. 

Cuối tháng 9 vừa qua, tỉnh Quảng Ninh còn phối hợp với Hải Phòng mở các đợt kiểm tra, kiểm soát chống khai thác IUU trên vùng biển giáp ranh của 2 tỉnh.

Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh cùng tỉnh Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa ký kết phối hợp kiểm tra, kiểm soát tàu cá, sản lượng khai thác và chống khai tác IUU giai đoạn 2023-2025. 

Theo đó, 6 tỉnh sẽ tăng cường phối hợp trong việc chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý, tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm các quy định về chống khai thác IUU và các quy định về truy xuất nguồn gốc hải sản.

Thống kê cho thấy, chỉ tính riêng 7 tháng năm 2023, các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện, xử lý vi phạm hành chính 317 vụ cá vi phạm, thu nộp ngân sách gần 4,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng đã tiến hành tịch thu, tiêu hủy 39 tàu cá cùng hàng trăm ngư cụ, dụng cụ khai thác bất hợp pháp; tổ chức ngăn chặn, xua đuổi gần 500 phương tiện tàu cá của ngư dân nước ngoài vi phạm chủ quyền, đánh bắt hải sản trái phép. 

Hiện, Quảng Ninh có gần 5.600 tàu cá. Trong đó, có 1.425 tàu cá dưới 6m, 3.414 tàu từ 6m đến dưới 12m, 492 tàu từ 12m đến dưới 15m và 246 tàu từ 12m trở lên. Song, Quảng Ninh cũng là tỉnh có số lượng tàu “3 không" (không đăng ký, không đăng kiểm, không có giấy phép khai thác thủy sản) lớn nhất cả nước.

Nguyên nhân được xác định là do chủ tàu gặp nhiều vướng mắc về hồ sơ đăng ký như: không có giấy chứng nhận xuất xưởng; không có văn bản chấp thuận đóng mới tàu; ngư dân tự mua máy cũ trôi nổi trên thị trường, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc; tự ý cải tạo, nâng cấp tàu cá không báo cáo…

Để sớm xoá bỏ tình trạng tàu cá “3 không” theo khuyến nghị mới đây của Uỷ ban châu Âu, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh đã cử cán bộ xuống cơ sở để hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương rà soát, thống kê và thực hiện đăng ký, đăng kiểm tàu cá. 

Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu trong quý I/2024 sẽ đăng ký 100% số tàu cá đủ điều kiện hoạt động lâu dài, các trường hợp không đủ điều kiện sẽ thực hiện đăng ký tạm. 

Theo đó, đến hết ngày 25/2/2024 cơ bản hoàn thành việc đăng ký, đăng kiểm chính thức; phấn đấu hoàn thành đăng ký, đăng kiểm các phương tiện thủy trước ngày 30/3/2023 và có kế hoạch ra quân cao điểm xử lý triệt để vào tháng 4/2024.

Từ ngày 1/4/2024, tàu cá nào chưa đăng ký, đăng kiểm sẽ bị di dời lên bờ, không cho phép hoạt động. 

Thời điểm hiện tại, tỉnh Quảng Ninh có 22 cơ sở đóng mới, sửa chữa và cải hoán tàu cá hoạt động. Theo đó, tỉnh yêu cầu cơ quan chức năng kiểm soát chặt các cơ sở này, đồng thời công bố danh sách các cơ sở đủ điều kiện hoạt động giúp ngư dân nắm rõ, tiếp cận các cơ sở hợp pháp trong thực hiện đóng mới, cải hoán tàu cá theo quy định.

Hồ Giáp và nhóm PV, BTV