- Ngay sau cuộc họp báo về Hiệp định TPP của Bộ Công Thương, một DN đã bức xúc: "TPP quá cao cấp nhưng cần được hiểu theo nghĩa của một người dân bình thường. Họ cần phải được biết, ngày mai gió bão là gì? DN chẳng biết cần chuẩn bị gì trong TPP".

DN cần được biết phải chuẩn bị

Cuộc họp báo về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Bộ Công Thương chiều 9/10 đã không thể đáp ứng kỳ vọng của giới truyền thông, cũng như một vài đại diện DN góp mặt.

{keywords}

Ông Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán TPP

Ông Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán TPP, Thứ trưởng Bộ Công Thương đã liên tục cáo lỗi vì không thể đưa ra các thông tin quá cụ thể do giới hạn thoả thuận bí mật của TPP.

Đặc biệt, trước nhiều câu hỏi quá sâu về tác động một mặt hàng nào đó, ông chia sẻ: "Tôi không thể nói bây giờ, TPP sẽ tác động tới ngành này ra sao được. DN sẽ tìm hiểu sau khi TPP được công bố".

Với một số mặt hàng cụ thể, ông Khánh hé mở: "Đối với ô tô, TPP có cam kết về việc giảm thuế nhập khẩu cho xe nguyên chiếc nhưng tốc độ giảm thuế sẽ khác nhau giữa các loại xe, xe du lịch, xe bán tải... xe trên 3.0 lít, xe dước 3.0 lít... Ô tô cũng có một quy tắc tương tự như quy tắc xuất xứ từ sợi của dệt may, một sản phẩm ô tô được ưu đãi và được chấp nhận có một số linh kiện, phụ tùng ô tô phải nhập khẩu từ bên ngoài TPP".  

Đặc biệt, với ngành dệt may, "sẽ không quá phụ thuộc vào quy tắc "xuất xứ từ sợi" bởi còn có danh mục "nguồn cung thiếu hụt". Việt Nam sẽ được nhập một số chủng loại vải, sơi từ nước ngoài TPP để làm ra sản phẩm mà vẫn được hưởng ưu đãi trong TPP", ông cho biết.

Dù vậy, danh mục nguồn cung mà Việt Nam được phép nhập nhưng không bị mất quyền lợi trong TPP cũng chưa được ông Khánh công bố.

Tan cuộc họp, bà Nguyễn Hồng Thanh, Phó Trưởng Ban Kết nối cộng đồng DN, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nói: "Rốt cục, chúng tôi vẫn không hiểu phải làm gì trong TPP?"

Bà Thanh chia sẻ: "Tôi đã đi khảo sát, tiếp xúc với nhiều DN Việt Nam, gần như, đến 70-80% chưa đón nhận được thông tin chính xác, với TPP, tôi sẽ phải làm cái gì. Tôi đánh cuộc rằng, người chỉ hiểu 1/3 thôi đã là quá hạnh phúc rồi".

"Họ cần phải được biết, ngày mai gió bão là gì? Ta đi ra biển khơi, ta cần chuẩn bị thuyền buồm những cái gì? Nếu thiếu nước, ta lại chết máy giữa đường, làm thế nào ta có nước uống? Không chuẩn bị được 10 thùng nước thì phải chuẩn bị được 5 thùng nước. Để khi gặp nạn, ta vẫn qua được, tự cứu sống mình và đến được cái đích", bà Thanh nói.

{keywords}

Bà Nguyễn Hồng Thanh, Phó Trưởng Ban Kết nối cộng đồng DN, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Vị đại diện doanh nghiệp này phân tích: "Nếu không chuẩn bị kỹ, hàng hoá của ta xuất khẩu đi sẽ gặp khó. Hàng hoá của ta dù có tốt đi chăng nữa nhưng một chút khuyết điểm nhỏ đối với nước ngoài là cả một vấn đề. Nhưng nếu DN Việt Nam biết thì họ sẽ chỉnh trang được ngay".

Bà đề nghị: "Chúng tôi không đòi hỏi đoàn đàm phán phải nói rõ, mặt hàng nào giảm bao nhiêu thuế. Nhưng chúng tôi cần biết, với từng ngành hàng thì khung giảm thuế sẽ là ước khoảng bao nhiêu. Doanh nghiệp mới biết mà chuẩn bị. Nếu có những gạch đầu dòng cơ bản, khuyến nghị cụ thể thì DN sẽ được chuẩn bị một phần nào tốt hơn, để họ học hỏi nhau, để không bị out ngay lập tức khi TPP có hiệu lực".

Lo cho Nhà nước nhiều hơn DN

Có mặt tại cuộc họp họp này, ông Trương Đình Tuyển, nguyên bộ trưởng Bộ Thương mại, thành viên đoàn đàm phán TPP chia sẻ: "Tôi không lo cho DN, nhưng tôi lo nhiều cho bộ máy Nhà nước. Bộ máy của doanh nghiệp chịu sức ép cạnh tranh lớn, sẽ buộc phải cải cách. Sẽ có anh sắp chết nhưng có anh trưởng thành. Nhưng bộ máy Nhà nước mà không thay đổi, trì trệ thì cực kỳ nguy hiểm".

"Cơ hội tự nó không biến thành lợi ích trên thương trường, không tự nó biến thành sức mạnh cạnh tranh trên thị trường. Thách thức tuy là sức ép trực tiếp nhưng thách thức tới đâu thì tuỳ thuộc khả năng phản ứng của chúng ta. Đây là điều đáng lưu ý. Nếu không nhấn mạnh điều này, chúng ta sẽ vỡ mộng hoặc bi quan", ông Tuyển lưu ý.

{keywords}

"Việt Nam sẽ được nhập một số chủng loại vải, sơi từ nước ngoài TPP để làm ra sản phẩm mà vẫn được hưởng ưu đãi trong TPP".

Ông cũng nhấn mạnh: "Hiện nay, chúng ta đưa ra nhiều dự báo tác động, công bố với nhiều số liệu về tăng trưởng GDP, về xuất khẩu. Điều đó có thể không sai nhưng điều rất cơ bản nhưng nó không phải ánh được biến động trên thị trường thế giới, không phản ánh được thái độ của Chính phủ hay phản ứng của chúng ta".

"Những ngày qua, chúng ta sống cảm xúc quá nhiều. Thắng một trận bóng đá thì tung hô, thua một trận thì chê bai. Phải hết sức bình tĩnh với TPP", ông khuyến nghị.

Dù vậy, ông Tuyển cũng tin tưởng: "Trong TPP, cơ hội cho xuất khẩu là có nhưng có khả năng là nhập siêu trong lúc đầu là tăng. Vì doanh nghiệp FDI vào nhiều, đó là hiện tượng bình thường. Tuy nhiên, không phải nhập siêu là xấu. Không nhất thiết, ngay trước mặt, xuất khẩu tăng nhanh hơn nhập khẩu nhưng, tương lai, xuất khẩu sẽ hơn nhập khẩu".

Các nước đánh giá cao việc Việt Nam tham gia đàm phán TPP

Bộ Công Thương cho biết, một trong các lý do các nước đánh giá cao Việt Nam tham gia TPP là: "Việt Nam là nước đang phát triển ở trình độ thấp. Việc Việt Nam có thể tham gia thành công vào TPP sẽ là bằng chứng thuyết phục về việc Hiệp định TPP thực sự quan tâm đến các nước đang phát triển. Đây là yếu tố quan trọng, giúp thu hút các nước có trình độ phát triển kinh tế chưa cao cùng tham gia vào TPP để TPP có thể mở rộng trong tương lai".


Phạm Huyền