Trái phiếu chính phủ là tiền đi vay cá nhân và tổ chức trong nước. Khoản vay hàng trăm ngàn tỷ này đang làm nặng thêm gánh nợ của quốc gia nhưng việc quản lý chi tiêu lại đang có nhiều vấn đề. Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm toán chuyên đề phát hành, quản lý và sử dụng vốn trái phiếu chính phủ năm 2014 đã chỉ ra một loạt sai phạm trong vấn đề này.

Rót tiền sai địa chỉ, chi ít xin nhiều

Theo Kiểm toán Nhà nước, việc xây dựng nhu cầu vốn trái phiếu chính phủ năm 2014 còn nhiều điểm chưa phù hợp. Nổi lên là dự án đã hoàn thành và không có nhu cầu vốn nhưng vẫn nằm trong danh sách nhận vốn trái phiếu chính phủ, dẫn đến hệ quả là không thể nào giải ngân được. Thậm chí, dự án đã được bố trí đủ vốn vẫn tiếp tục được “rót” thêm.

Huyện Vĩnh Thạnh (Cần Thơ) đăng ký 3 dự án làm đường ô tô đến trung tâm xã Vĩnh Bình, Đường Thạnh Mỹ - Thạnh Lộc, đường ô tô đến trung tâm xã Thạnh Lợi. Những dự án này đã được giao đủ vốn trái phiếu chính phủ 2012-2015 song vẫn “xin” thêm tiền.

Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra có nhiều dự án “vung tay” chi tiền nhiều hơn tổng mức đầu tư được duyệt.

{keywords}
Chi sai địa chỉ, giảm hiệu quả đồng vốn.

Cụ thể, ở Yên Bái, khi tỉnh phê duyệt dự án đường Mường La – Mù Căng Chải thì tổng mức đầu tư là xấp xỉ 300 tỷ đồng. Nhưng khi xin vốn trái phiếu chính phủ thì lại xây dựng kế hoạch vốn lên đến 324 tỷ đồng. Cuối cùng, UBND tỉnh Yên Bái lại xin Thủ tướng, các bộ ngành cho chuyển số tiền hơn 24 tỷ đồng này cho một dự án khác.

Kiểm toán Nhà nước cũng phát hiện những con số chưa chính xác từ nhiều địa phương khi báo cáo số liệu vốn trái phiếu chính phủ đã phân bổ hàng năm.

Điển hình là thành phố Cần Thơ. Khi “xin” vốn trái phiếu chính phủ, Cần Thơ đã “quên” số vốn đã được cấp từ những năm trước. Việc ‘quên’ số vốn này đã khiến Trung ương bổ sung kế hoạch vốn cho Cần Thơ vượt gần 290 tỷ đồng.

Nhiều địa phương khác như Kiên Giang, Điện Biên, Thái Bình, Lào Cai, Cần Thơ… còn thanh toán vốn trái phiếu chính phủ cho dự án không được sử dụng nguồn vốn này.

Tỉnh Kiên Giang thanh toán cho dự án cầu Nguyễn Trung Trực 80 tỷ đồng trong khi dự án không có trong danh mục được sử dụng vốn trái phiếu chính phủ. Điện Biên cũng thanh toán gần 18 tỷ đồng, Lào Cai gần 30 tỷ đồng cho dự án không được phép dùng vốn trái phiếu chính phủ.

Tương tự, một số dự án chủ đầu tư không đăng ký vốn trái phiếu chính phủ nhưng cũng được tỉnh “ưu ái” cấp vốn. Ở Bạc Liêu, huyện Giá Rai không đăng ký dự án bệnh viện đa khoa huyện Giá Rai nhưng tỉnh vẫn đăng ký vốn trái phiếu chính phủ hơn 24 tỷ đồng.

Thanh toán sai hơn 500 tỷ đồng

Nhiều dự án đầu tư được tạm ứng trước vốn nhưng Kiểm toán Nhà nước cho rằng việc quản lý vốn tạm ứng còn thiếu chặt chẽ, dẫn đến có dự án hoàn thành từ nhiều năm trước hoặc hết thời hạn thực hiện hợp đồng vẫn chưa thu hồi tiền tạm ứng.

Đơn cử, dự án đường Nậm Khao Tà Tổng (Lai Châu) đã hoàn thành từ năm 2012 nhưng còn hơn 146 triệu tiền tạm ứng chưa thu hồi được. Thậm chí, có dự án lâm cảnh “chết yểu” từ nhiều năm trước song đến thời điểm kiểm toán vẫn chưa thu hồi tiền tạm ứng.

{keywords}
Tiền vay nợ nhưng chi tiêu thiếu kiểm soát chặt chẽ.

Tại báo cáo này, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra tình trạng sử dụng vốn trái phiếu chính phủ sai quy định, thanh toán cho những nội dung không thuộc phạm vi sử dụng vốn hoặc cho những khối lượng vượt quy mô vẫn xảy ra tại một số địa phương.

Đơn cử, trong lĩnh vực kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ giáo viên, tỉnh Điện Biên sử dụng vốn trái phiếu chính phủ mua sắm trang thiết bị không đúng quy định tới gần 27 tỷ đồng.

Đặc biệt, hầu hết các dự án dùng vốn trái phiếu chính phủ phạm vị các địa phương và ngành được Kiểm toán Nhà nước “sờ gáy” đều phát hiện ra có tình trạng nghiệm thu, thanh toán sai khối lượng, đơn giá công trình. Tổng số tiền sai phạm bị Kiểm toán Nhà nước chỉ ra lên tới hơn 510 tỷ đồng. Trong đó sai khối lượng là 268 tỷ đồng, sai đơn giá là gần 80 tỷ đồng, và các sai phạm khác là 163 tỷ đồng.

Trước các sai phạm về tình hình sử dụng vốn trái phiếu chính phủ kể trên, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành địa phương xử lý tài chính số tiền hơn 800 tỷ đồng.

Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước đề nghị thu hồi nộp ngân sách gần 40 tỷ đồng; giảm thanh toán 176 tỷ đồng; giảm giá gói thầu, giá hợp đồng gần 158 tỷ đồng; hủy kế hoạch vốn hơn 41 tỷ đồng…

Đồng thời, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị các đơn vị phải hoàn trả vốn trái phiếu chính phủ đã chi sai quy định với tổng số tiền gần 250 tỷ đồng. Trong đó, sử dụng vốn trái phiếu chính phủ cho dự án ngoài danh mục nghị quyết của Quốc hội hơn 127 tỷ đồng; sử dụng vốn trái phiếu chính phủ thanh toán cho nội dung phải sử dụng ngân sách địa phương và nguồn khác là gần 50 tỷ đồng; mua sắm trang thiết bị y tế không đúng quy định hoặc vượt số lượng hơn 63 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, còn trên 143 tỷ đồng vi phạm khác cũng được Kiểm toán Nhà nước đề nghị xử lý.

Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân để xử lý theo quy định trong việc bố trí vốn trái phiếu chính phủ sai danh mục, sai đối tượng.

Các bộ, địa phương xảy ra vi phạm nhiều nhất trong việc sử dụng vốn trái phiếu chính phủ là Bộ Quốc phòng (gần 117 tỷ đồng), Kiên Giang (hơn 100 tỷ), Điện Biên (56 tỷ đồng), Bộ Giao thông vận tải (47 tỷ đồng), Hậu Giang (41 tỷ đồng)…

Kết quả kiểm toán cũng cho thấy vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn trái phiếu chính phủ khá lớn. Tính đến 31/1/2015 có 40/60 bộ, ngành, địa phương được kiểm toán có nợ đọng với tổng số tiền lên đến hơn 5.000 tỷ đồng.

Hà Duy