Như VietNamNet từng đưa tin, “kỳ lân” công nghệ MoMo đang có dự định ra mắt một trung tâm công nghệ đặt tại Đà Nẵng, biến nơi này trở thành “cứ địa” công nghệ thứ ba, sau TP.HCM và Hà Nội.

Nguyên nhân dẫn đến quyết định này mới đây đã được người đứng đầu mảng công nghệ của MoMo chia sẻ tại một sự kiện công nghệ vừa tổ chức. 

Theo đó, startup công nghệ này muốn mở rộng sự hiện diện của mình ở những thành phố cấp 2 và cấp 3, sau khi đã có mặt tại những thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM. 

“Chúng tôi chọn Đà Nẵng vì tin rằng sẽ có cơ hội để hiểu rõ hơn nhu cầu, tâm lý người dùng để phục vụ người dân nơi đây tốt hơn, từ đó đi sâu hơn đến các khu vực lân cận”, ông Thái Trí Hùng - CTO MoMo chia sẻ.

Trước mắt, MoMo sẽ tập trung thu hút nhân sự, xây dựng đội ngũ công nghệ tại Đà Nẵng. Mục tiêu của startup này là hoàn thiện các bộ phận khác (non-tech) trong năm tới để xây dựng Trung tâm công nghệ Đà Nẵng với vai trò và quy mô tương đương so với Hà Nội, TP.HCM.

Ông Thái Trí Hùng - Giám đốc Công nghệ (CTO) startup "kỳ lân" MoMo.

Bình luận về câu chuyện nhân lực công nghệ, theo ông Hùng, tại Indonesia, việc thu hút nhân sự công nghệ đang trở nên rất khó khăn. Các công ty công nghệ nhỏ hơn không thể tìm được đội ngũ kỹ sư giỏi để phát triển. 

Vị chuyên gia này cho rằng, Việt Nam sẽ gặp vấn đề tương tự như Indonesia trong 2-3 năm nữa. Do đó việc chuẩn bị đội ngũ cho mục tiêu tăng trưởng ngày càng lớn là rất quan trọng. 

Theo đại diện Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng, địa phương này đã có những kế hoạch cụ thể phát triển thành phố trở thành đô thị thông minh, thu hút nhiều hơn các kỳ lân đến và đầu tư phát triển. 

Song song với Dự án chuyển đổi số hướng tới thành phố thông minh đang triển khai, Đà Nẵng sẽ lên kế hoạch cho Dự án xây dựng Đà Nẵng trở thành Trung tâm Tài chính mới của khu vực. 

Ông Thái Thanh Hải - Trưởng phòng CNTT (Sở Thông tin & Truyền thông Đà Nẵng) cho biết địa phương này đang có kế hoạch nhằm thu hút nhiều hơn các startup công nghệ đến hoạt động và đầu tư trên địa bàn. 

Trước mắt, Đà Nẵng dự kiến sẽ đưa vào vận hành khu công viên phần mềm số 2. Tại đây sẽ có không gian về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và các doanh nghiệp về phần mềm. Nhu cầu về nguồn nhân lực công nghệ tới đây là rất lớn. 

“Đà Nẵng đang tích cực làm việc cùng các trường đại học phát triển nguồn đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn, tạo điều kiện để người lao động trong lĩnh vực công nghệ ở lại đóng góp cho quê hương, đồng thời có chính sách khuyến khích, thu hút chuyên gia, nhân tài khu vực tỉnh thành khác đến Đà Nẵng làm việc và sinh sống”, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng chia sẻ. 

Là một trong những thành phố lớn của Việt Nam, Đà Nẵng hiện sở hữu nguồn nhân lực công nghệ dồi dào với hơn 40.000 nhân sự (chiếm gần 7% lực lượng lao động trên địa bàn). 

Đây cũng là địa phương có nguồn nhân lực công nghệ được bổ sung liên tục từ các trường đại học, cao đẳng về lĩnh vực CNTT. Đó là lý do Đà Nẵng được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những “hub công nghệ” mới của Việt Nam.

Trọng Đạt