- Những ngày đầu làm đại diện ngoại giao chính thức ở Mỹ đối với ông Lê Văn Bàng, nguyên Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Mỹ luôn có nhiều kỷ niệm đặc biệt. Dù quan hệ kinh tế Việt - Mỹ đã bước sang một trang mới, nguyên Đại sứ Bàng vẫn mong chờ và hi vọng, sẽ có sự bùng nổ hơn nữa trong tương lai.
LTS: Để chọn một điển hình hội nhập kinh tế của Việt Nam thì chắc chắn quan hệ giao thương Việt - Mỹ là một câu chuyện thành công.
20 năm từ ngày Việt Nam - Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ, giao thương giữa hai nước từ gần như con số 0 thương mại hai chiều đã bùng nổ lên hơn 35 tỷ USD vào cuối 2014. Mỹ đã trở thành đối tác thương mại, nhà đầu tư hàng đầu của Việt Nam. Điều này phản ánh nét tiêu biểu nhất trong quan hệ kinh tế hai nước là: Bùng nổ về quy mô và gia tăng tốc độ mạnh mẽ.
Từ bình thường hóa quan hệ, tới Hiệp định thương mại Việt - Mỹ, rồi WTO và sắp tới có thể là TPP, mỗi bước tiến hội nhập chính là một nấc thang mới trong quan hệ kinh tế hai nước.
Nhân dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, VietNamNet xin giới thiệu với bạn đọc loạt bài: “20 năm giao thương Việt - Mỹ: Bùng nổ quy mô, gia tăng tốc độ” để góp cái nhìn tổng thể về quan hệ kinh tế Việt - Mỹ cũng như một góc nhìn về hội nhập kinh tế của Việt Nam.
Bình thường hoá quan hệ: Chiến thắng trọn vẹn
Thưa ông, trở về ngày 11/7/1995, khi Tổng thống Bill Clinton và Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký tuyên bố bình thường hoá quan hệ ngoại giao, thời khắc ấy đối với ông đã diễn ra như thế nào?
Nguyên Đại sứ Lê Văn Bàng: Phải nói rằng, sau 20 năm đấu tranh, từ 1975 đến 1995, Hoa Kỳ mới chịu bỏ cấm vận, bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.
Là một người trong cuộc, tham gia nhiều cuộc đàm phán giữa hai nước từ 1980 đến 1995, tôi thật sự vui mừng và tự hào vì cuối cùng Hoa Kỳ cũng chính thức công nhận Việt Nam về mặt ngoại giao và đồng ý thiết lập sứ quán ở thủ đô hai nước.
Tuy nhiên, vì trải qua quá nhiều khó khăn, thất vọng trước đó nên khi hai nước tuyên bố chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, tôi vui mà nước mắt cứ trào ra.
Nguyên Đại sứ Lê Văn Bàng |
Lúc diễn ra tuyên bố bình thường hóa quan hệ hai nước tôi đang ở Washington D.C., cả cơ quan đã mở tiệc rượu ăn mừng. Từ Văn phòng liên lạc, chúng tôi trở thành nhân viên Đại sứ quán đầu tiên của nước CHXHCN Việt Nam tại Hoa Kỳ. Mọi hoạt động của chúng tôi giờ đây sẽ chính thức hơn, dễ dàng hơn.
Những ngày làm Đại sứ đầu tiên ở Hoa Kỳ, với ông, thử thách nào là lớn nhất và ông vượt qua nó như thế nào?
Khi được Nhà nước cử sang làm Đại sứ tại Liên Hợp Quốc tháng Giêng năm 1993, tôi rất lo lắng. Đây là một vị trí phụ trách Liên Hợp Quốc và quan hệ với Mỹ. Tôi công tác tại Liên Hợp Quốc từ năm 1993 đến năm 1995, sau đó chuyển lên Washington DC và làm việc cho tới 2001. Tổng cộng gần 9 năm.
Trong suốt thời gian này, điều khó nhất đối với tôi và toàn cơ quan là làm thế nào để hóa giải được hội chứng Việt Nam trong lòng nước Mỹ. Vấn đề này tồn tại ngay từ Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao, Lầu Năm Góc đến Quốc hội, các tổ chức cựu binh, gia đình người mất tích,…và người Việt di tản. Nước Mỹ là siêu cường bị thất bại ở Việt Nam, vì vậy họ khó quên.
Khi nói đến Việt Nam, họ mường tượng đó là một cuộc chiến tranh mà Mỹ bị thua và không muốn nhắc đến. Hoặc họ nhớ đó là kẻ thù không cần có quan hệ.
Khó nhất vẫn là số người Việt di tản. Họ biểu tình, hò hét thóa mạ và gây rối. Tất cả các hoạt động của Sứ quán liên quan đến công chúng Mỹ lớn nhỏ đều hiện diện nhóm người Việt biểu tình ít nhất cũng hàng trăm và đôi khi lên cả nghìn người.
Sứ quán đã kiên trì thuyết phục dư luận Mỹ rằng Việt Nam giờ đây là một đất nước, một dân tộc và đang trên đường đổi mới, là một thị trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và thương mại.
Chúng tôi đã tới thăm gần 40 bang và cuối cùng cũng đã thành công trong việc quảng bá hình ảnh Việt Nam đổi mới trong lòng nước Mỹ. Tôi nhớ khi gặp các đại sứ Miến Điện, Mông Cổ hay Đại diện phòng quyền lợi Cu Ba, các bạn thán phục và chỉ mong sao có ngày được đón tiếp thân thiện như Đại sứ Việt Nam tại Mỹ.
Môi trường kinh doanh minh bạch mới hút được vốn Mỹ
Sau này, năm 2000, khi hai nước ký Hiệp định thương mại (BTA), quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Mỹ đã bắt đầu bùng nổ. Việt Nam đã liên tục xuất siêu và Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Ông có thực sự hài lòng với kết quả đó?
Tôi nhớ, khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, kim ngạch buôn bán hai chiều rất khiêm tốn, chỉ đạt khoảng 50 triệu đô la.
Việt Nam đã liên tục xuất siêu và Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. |
Tuy nhiên, tôi rất vui vì từ năm 1987, Việt Nam đã có chính sách đổi mới mở cửa, nhưng khi đó, các doanh nghiệp của ta làm ăn với nước ngoài vẫn gặp rất nhiều trở ngại. Một doanh nghiệp nhỏ nhờ tôi can thiệp vì đối tác Ấn Độ trả tiền qua ngân hàng Mỹ và bị giữ vì lệnh cấm vận. Tất nhiên là tôi bất lực.
Giờ thì doanh nghiệp đó đã có thể lấy lại tiền và tự do kinh doanh kể cả với doanh nghiệp Mỹ.
Chỉ có điều, tôi không ngờ tới là sau khi Hiệp định thương mại BTA có hiệu lực (tháng 12/2001), nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam bị phía Hoa Kỳ tìm mọi cách áp đặt thuế chống phá giá, điển hình là cá tra rồi đến tôm của nông dân ta.
Mặt khác, tôi cũng đã kỳ vọng đầu tư của Hoa Kỳ sẽ nhanh chóng đứng đầu trong danh sách các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Thế nhưng, điều này cho đến nay vẫn chưa diễn ra. Thực sự, tôi có chút thất vọng. Kể cả sau này, nếu Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, tôi cũng băn khoăn chưa chắc kỳ vọng đó của tôi thành hiện thực.
Mặc dù vậy, về thương mại, với kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ năm 2014 đạt gần 30 tỷ đô la thì tôi cho rằng, đó cũng là một thành tích đáng kể.
Theo ông, chúng ta cần phải làm gì hơn nữa để có thể thu hút mạnh mẽ hơn dòng vốn FDI từ Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao trong giai đoạn tới?
Hãy nghe người Mỹ, DN Mỹ đang muốn gì ở Việt Nam? Như ông Đại sứ Mỹ vừa qua đã nói rõ, DN Mỹ vào Việt Nam vẫn gặp rất nhiều khó khăn, mà lớn nhất là câu chuyện phí lót tay, bôi trơn, tham nhũng.
Chúng ta sẽ phải cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh làm sao cho thật sự minh bạch mà ở đó, mọi quan hệ kinh tế phải dựa trên pháp luật, chứ không phải dựa vào mối quan hệ xin - cho, quan hệ cá nhân. Doanh nghiệp Mỹ sẽ khó làm ăn ở Việt Nam nếu như chúng ta có một môi trường kinh doanh nặng xin - cho như vậy.
Người Mỹ cũng đã khuyến chúng ta phải chủ động phát triển kinh tế sáng tạo. Các DN Việt Nam phải có sáng tạo về khoa học, kỹ thuật, tìm tòi và cải tiến và dựa trên nền tảng đó, giành được thị trường. Nếu như chúng ta chỉ trông chờ vào nguồn lực bên ngoài, hi vọng vào sự chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI thì không ổn. Bởi, phần lớn, chẳng có công ty lớn nào muốn chuyển giao công nghệ, nhất là công nghệ nguồn.
Tôi nhớ, phía Mỹ muốn giúp Việt Nam làm vườn ươm công nghệ, nhưng 15 năm rồi, vẫn chưa thấy thành công.
Có lẽ, trong câu chuyện thu hút vốn Mỹ và làm sao tranh thủ được tác động lan toả từ các DN công nghệ cao của Mỹ, chúng ta sẽ phải làm rất nhiều việc. Chính phủ và các bộ ngành giờ đây cũng đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh để tiến tới, Việt Nam đạt thứ hạng trung bình của ASEAN- 6, năm sau là ASEAN - 4 qua đó, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tôi mong, ngày nào đó, vốn Mỹ có thể sẽ đầu tư Việt Nam lớn hơn Nhật Bản, Hàn Quốc hay Singapore.
Phạm Huyền (thực hiện)