Kyiv Independent dẫn lời nhà lãnh đạo NATO nói trong cuộc phỏng vấn với đài phát thanh LBC của Anh hôm 16/9 rằng: "Các đồng minh riêng lẻ sẽ đưa ra quyết định nhưng điều quan trọng là chúng ta phải tham khảo ý kiến chặt chẽ về những vấn đề chúng ta đang làm".
Ukraine đang hy vọng được phép sử dụng tên lửa tầm xa do phương Tây cung cấp cho nước này để tấn công các mục tiêu quân sự nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Tuần trước, Ukraine đã rất kỳ vọng về cuộc gặp giữa Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Anh Keir Starmer tại Washington nhưng không có quyết định mới nào được đưa ra về việc Kiev có thể sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công Nga.
Khi các cuộc thảo luận về vấn đề này dường như đang tiến gần hơn đến việc thay đổi chính sách, Tổng thống Nga Vladimir Putin và các quan chức khác đã tuyên bố rằng một động thái như vậy có nghĩa là NATO đang trực tiếp tham chiến với Nga.
Tổng thư ký NATO Stoltenberg thừa nhận các mối đe dọa nhưng nói: "Trong xung đột, không có lựa chọn nào là không có rủi ro. Tuy nhiên, tôi tin rằng rủi ro lớn nhất đối với chúng tôi sẽ là Tổng thống Putin giành chiến thắng ở Ukraine".
Mặc dù vậy, trong những ngày gần đây, một số quốc gia thành viên NATO đã bắt đầu thay đổi lập trường về các cuộc tấn công tầm xa.
Tờ The Guardian ngày 11/9 trích lời các quan chức Anh giấu tên cho biết, chính phủ Anh đã đưa ra một quyết định tích cực liên quan tới việc sử dụng tên lửa Storm Shadow trước chuyến đi chung của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Anh David Lammy tới Kiev. Các quốc gia khác như Thụy Điển, Phần Lan và Canada cũng đã tuyên bố họ hoàn toàn ủng hộ Ukraine sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để tấn công sâu vào Nga.
Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết nước này sẽ không cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do Berlin cung cấp cho các cuộc tấn công tầm xa như vậy "ngay cả khi các quốc gia khác quyết định khác".