Mỹ đã gửi 31 xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) M1A1 Abrams cho Ukraine, và chúng đã gặp phải nhiều rắc rối kể từ khi bắt đầu được sử dụng trên tiền tuyến.
Hồi tháng 4, Bộ Tổng tham mưu Ukraine tuyên bố đã tạm thời rút xe tăng M1A1 Abrams khỏi tiền tuyến để tránh tổn thất. Theo giới phân tích quân sự, quyết định của Ukraine xuất phát từ việc xe tăng Abrams hoạt động quá phức tạp, quá nặng nề, hoặc không đáng tin cậy về mặt cơ học.
Còn theo trang quân sự của Pháp Opex360, một quan chức quân sự Mỹ cho hay việc xe tăng Abrams bị tổn thất là do các lực lượng Ukraine "không áp dụng những chiến thuật có thể khiến xe tăng hoạt động hiệu quả hơn", cũng như bỏ qua "phương pháp vũ trang kết hợp" đã được thực hành trong quá trình huấn luyện.
Tuy nhiên, lý do thực sự mà các chỉ huy Ukraine phát hiện là giống như hầu hết các xe bọc thép khác, siêu tăng M1A1 Abrams dễ bị tổn thương trước đòn tấn công của máy bay không người lái (UAV) góc nhìn thứ nhất (FPV).
Trong cuộc phỏng vấn với Breaking Defense, lần đầu tiên, Chuẩn tướng Geoffrey Norman, Giám đốc Nhóm phát triển các phương tiện chiến đấu thế hệ tiếp theo của quân đội Mỹ, thừa nhận "xe tăng M1A1 Abrams được bảo vệ cực kỳ tốt trước hỏa lực trực tiếp từ các xe chiến đấu khác", nhưng "nó không được thiết kế để chống lại các cuộc tấn công từ trên cao mà chúng ta đang thấy ở Ukraine, cho dù đó là tên lửa chống tăng có điều khiển, hay đạn dược lảng vảng, hay UAV”.
Trên thực tế, Ukraine đã cố gắng khắc phục vấn đề này bằng cách lắp “chuồng cọp” cho các xe tăng Abrams.
Ukraine đã nhận được chiếc đầu tiên trong tổng số 31 xe tăng M1A1 Abrams vào tháng 9/2023, và triển khai chiến đấu từ đầu năm nay. Kiev đã mất chiếc Abrams đầu tiên vào tháng 2 trong quá trình giao tranh quanh thành phố Avdiivka ở vùng Donetsk. Theo trang tin tình báo nguồn mở (OSINT) Oryx 13, Ukraine đã mất gần 1/2 số xe tăng Abrams được viện trợ.
Xe tăng M1A1 Abrams được thiết kế cách đây 50 năm. Giống như hầu hết các xe tăng chiến đấu chủ lực khác, Abrams có lớp giáp trước chắc chắn cố định vào thân xe và tháp pháo để bảo vệ tối đa khỏi tác động từ hỏa lực trực tiếp từ các xe tăng khác ,và tên lửa dẫn đường của đối phương. Song xe tăng lại không có khả năng đối phó với các phương tiện tấn công từ trên cao hiện nay như FPV.
Lớp giáp của Abrams giống như các xe tăng cùng thời là Challenger của Anh, Leopard của Đức và T64, T72, T80 của Nga đều sử dụng vật liệu tổng hợp gồm nhiều lớp thép, gốm, và thậm chí uranium nghèo, cũng như giáp phản ứng nổ (ERA) để chống lại các loại đạn xuyên giáp tốc độ cao, hoặc đầu đạn nổ lõm.
Để giảm trọng lượng nên nóc và đỉnh thân xe, hầu hết các xe tăng không được bọc thép dày như mặt trước và hai bên. Đây chính là điểm yếu mà các loại vũ khí chống tăng từ trên cao thời hiện đại như Javelin của Mỹ và NLAW của Anh - Thụy Điển, cùng FPV đã khai thác, và chứng minh hiệu quả tấn công như trong xung đột ở Ukraine.
Điểm yếu này đang được nhóm nghiên cứu của Tướng Norman khắc phục. Điều này chắc chắn cũng sẽ được Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, và Nga chú trọng cho các thế hệ MBT tiếp theo. Trong hơn 100 năm, xe tăng đã là vua trên chiến trường. Mặc dù sự thống trị này đang bị đe dọa bởi UAV, nhưng các nhà thiết kế xe tăng sẽ không cho phép lợi thế này kéo dài.