Sức mạnh của đồng USD lại trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết sau bước đi lịch sử của Fed. Chính sách thắt chặt tiền tệ ngược chiều thế giới của Mỹ gây áp lực lớn lên nhiều nền kinh tế và đồng tiền trong đó có VND của Việt Nam. Tâm lý găm giữ USD của người dân là không dễ dàng từ bỏ.

Lãi suất 0%, USD vẫn nóng

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa quyết định hạ lãi suất tiền gửi bằng USD đối với cá nhân từ 0,25% về 0% bắt đầu từ ngày 18/12. Đây là phản ứng đầu tiên tại Việt Nam sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất, chấm dứt gần một thập kỷ giữ lãi suất ở mức thấp gần bằng 0%.

Trước đó, hồi cuối tháng 9, NHNN cũng đã giảm lãi suất tiền gửi USD đối với tổ chức từ 0,25% xuống 0% và đối với cá nhân từ 0,5% về 0,25%. Các động thái này, theo NHNN, là nhằm thực hiện các giải pháp đồng bộ trong nỗ lực nâng cao giá trị đồng nội tệ, chống hiện tượng đôla hóa trong nền kinh tế, chuyển từ quan hệ huy động - cho vay sang quan hệ mua - bán bằng ngoại tệ.

Quyết định cũng được lý giải là để ngăn chặn tình trạng găm giữ ngoại tệ nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả các giải pháp về chính sách tiền tệ và trên cơ sở đánh giá diễn biến kinh tế vĩ mô, tình hình thị trường tiền tệ, ngoại hối.

{keywords}
Tỷ giá USD/VND chịu áp lực lớn trong năm 2016 do Fed tăng lãi suất.

Tuy nhiên, sau quyết định “gửi USD không được trả lãi”, đồng USD vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Các ngân hàng vẫn đồng loạt niêm yết giá bán ở mức kịch trần 22.547 đồng/USD. Giá mua vào được kéo cao lên, chỉ còn cách giá bán ra 20-30 đồng, so với mức chênh 50-70 đồng trước đó. Trên thị trường tự do, USD có lúc đã lên tới  22.800 đồng/USD, tăng khoảng 20-30 đồng so với phiên liền trước.

Trên thực tế, tác động của việc Fed tăng lãi suất đã biểu hiện rất rõ trong thời gian gần đây khi USD/VND liên tục kịch trần trong cả tuần qua. Trên thị trường tự do, giá liên tực vượt trần, thường cao hơn 20-40 đồng.

Quyết định cắt lãi suất tiền gửi USD đối với cả các nhân và tổ chức cũng như tuyên bố chủ trương bình ổn thị trường ngoại hối và tỷ giá của đại diện NHNN Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng được xem là tín hiệu cho thấy: NHNN nhất quán và sẽ “nói không” với điều chỉnh tỷ giá VND trong ngắn hạn, ít nhất trong thời gian còn lại của năm 2015.

Bà Hồng cho biết, về mặt chủ trương, NHNN sẽ bình ổn thị trường ngoại hối và tỷ giá. Và trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục nhất quán với những giải pháp điều hành, kể cả các giải pháp về lãi suất, về tiền gửi và các giải pháp liên quan đến cơ chế điều hành.

Có thể tháy, chính sách tiền tệ trong giai đoạn 2011-2015 nhận được sự đồng thuận và đánh giá cao từ Đảng, Quốc hội, Chính phủ, của xã hội và các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế. Tuy nhiên, áp lực với đồng USD trước mắt là rất lớn.

Ghìm cương USD?

Tại hội thảo “Hoạt động quản lý, điều hành chính sách tiền tệ, giai đoạn 2011-2015 và những tác động đối với nền kinh tế” mới đây, nhiều chuyên gia rất lo ngại áp lực đối với tỷ giá và cũng đã đề xuất kéo lãi suất tiền gửi USD về 0%, như một cách thức xử lý tình huống.

{keywords}
Vàng, USD vẫn là lựa chọn của người nhiều dân.

Tuy nhiên, công cụ còn lại không nhiều. Đa số các chuyên gia lo ngại, tỷ giá sẽ chịu áp lực lớn trong năm 2016, USD có thể tăng hơn nữa so với VND, trong bối cảnh Fed có thể còn tăng lãi suất USD thêm 0,5-1%. Tỷ giá chịu áp lực lớn bởi thanh toán thương mại của VN chủ yếu bằng đồng USD.

Một số chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới, NHNN nên giảm bớt các biện pháp hành chính và để cho đồng VND biến động sát với thị trường hơn, tránh những cú sốc phải điều chỉnh tới hơn 9% như hồi 2011.

Chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng, trong năm 2016, NHNN cần điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng linh hoạt hơn, nhiều lần hơn. Biên độ cũng có thể nới rộng hơn. Ông Lực thậm chí còn nghĩ tới khả năng đồng VND neo vào một rổ tiền tệ, thay vì chỉ USD.

PGS. TS. Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện nghiên Kinh tế Ngân hàng, thuộc Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cho rằng, NHNN cần tăng cường các công cụ gián tiếp hơn nữa, thay bớt hành chính để giảm bớt chi phí đồng thời tăng cường công khai minh bạch.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng trước áp lực của tỷ giá, NHNN có thể tiếp tục bán ngoại tệ ra thị trường để cân bằng cung cầu; triệu tập các ngân hàng lớn để hỗ trợ NHNN… Tuy nhiên, các biện pháp này đều có giới hạn.

Theo ông Hiêu, chính sách 2016 nên linh hoạt hơn, không nên neo ở mức nào, không nên cam kết cứng như trong các năm vừa qua.

Ở một góc độ khác, TS. Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, việc Fed tăng lãi không không quá lo ngại. Ông cho rằng, NHNN không nên điều chỉnh hối đoái quá 5% bất chấp Fed “làm cái gì”. Vượt quá 5% sẽ làm phá vỡ ổn định kinh tế vĩ mô.

Ông Phước cho rằng, tiếp cận tỷ giá hối đoái không có gì khó. Người điều hành phải lắng nghe nhưng nghe nhiều quá cũng không tốt. Theo ông Phước, bất chấp thế giới như thế nào, VN vẫn phải xử lý bài toán riêng có của mình. Đồng tiền mất giá sẽ thúc đẩy xuất khẩu, người Mỹ cũng biết tăng giá USD là không tốt cho xuất khẩu, cho DN nhưng Mỹ vẫn làm bởi Mỹ tính toán dựa trên nền kinh tế của Mỹ.

M. Hà