- Việt Nam có thể là nước được hưởng lợi nhiều nhất trong 12 nước thành viên tham gia TPP. Bộ Công Thương đã công bố bản đánh giá tác động tới kinh tế xã hội của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương chiều 9/10.
Chiều nay, 9/10, Trưởng đoàn đàm phán TPP, Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Trần Quốc Khánh đã chủ trì họp báo về việc kết thúc đàm phán hiệp định TPP.
Bộ Công Thương đã dẫn lại, theo tính toán của các chuyên gia độc lập, trong điều kiện kinh tế thuận lợi, TPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23, 5 tỷ USD vào năm 2020, tăng thêm 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Xuất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỷ USD năm 2025. Trên phương diện này, Việt Nam hưởng lợi nhiều nhất trong các nước tham gia TPP. Đây là các kịch bản đánh giá so sánh với khi kinh tế Việt Nam chưa tham gia TPP.
Dệt may không lo phụ thuộc Trung Quốc
Lo ngại nhất trong TPP cho ngành dệt may là, để hưởng thuế suất ưu đãi của Hiệp định, ngành này sẽ phải đáp ứng quy tắc "xuất xứ từ sợi" trở đi và về dài hạn, sẽ khuyến khích các DN đầu tư vào công nghiệp dệt, giúp nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm dệt may xuất khẩu, làm ngành này phát triển bền vững.
Tuy nhiên, TPP cũng cho phép áp dụng một danh mục "nguồn cung thiếu hụt" đối với những nước có ngành công nghiệp dệt chưa phát triển. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ được quyền nhập khẩu một số chủng loại vải, sợi từ nước thứ 3 ngoài TPP để làm ra sản phẩm may mặc mà vẫn sẽ được hưởng ưu đãi TPP.
TPP cũng có một số cơ chế linh hoạt để ngành này hưởng ưu đãi nhiều hơn ngay khi Hiệp định có hiệu lực mà không quá phụ thuộc quy tắc xuất xứ từ sợi.
Dệt may sẽ không lo phụ thuộc Trung Quốc |
Theo đánh giá tác động, với việc Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada giảm thuế nhập khẩu về 0% sẽ tạo cú hích lớn cho hàng hoá Việt Nam tiếp cận. Ngành dệt may sẽ tăng đáng kể kim ngạch. Ước tính cứ tăng 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may thì sẽ tạo ra khoảng 250.000 việc làm các loại. Ngành này tăng xuất khẩu sẽ tạo thêm nhiều việc làm cho người dân.
Tác động tích cực này cũng sẽ có hiệu ứng ở ngành da giày, thuỷ sản, nông lâm sản.
Không xoá bỏ trợ cấp DNNN
Hiệp định TPP đã dành hẳn một chương thoả thuận về doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) với nhiều điều khoản đòi hỏi nguyên tắc minh bạch, công khai, công khai trong hoạt động của khu vực này.
Khi tham gia TPP, các DNNN sẽ phải hoạt động hoàn toàn theo cơ chế thị trường, không được có các hành vi phản cạnh tranh khi có vị trí độc quyền, gây ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư. Đặc biệt, TPP yêu cầu Nhà nước không trợ cấp quá mức, làm gây ảnh hưởng lớn đến lợi ích của nước khác.
Tuy nhiên, TPP chỉ áp dụng với các DNNN có vốn Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ. Và cũng chỉ khi các DNNN này có doanh thu vượt quá một ngưỡng nhất định thì mới chịu sự điều chỉnh của hiệp định này.
Ông Trần Quốc Khánh giải thích thêm, như vậy TPP không yêu cầu xoá bỏ hoàn toàn trợ cấp của Nhà nước đối với DNNN. Hiệp định thiết kế một ngưỡng doanh thu mà DNNN nào 3 năm liên tiếp đạt trên ngưỡng doanh thu đó thì mới chịu sự điều chỉnh.
Ông Khánh cũng cho biết, Việt Nam bảo lưu loại trừ tất cả các doanh nghiệp NN có liên quan đến an ninh, quốc phòng. Với các DNNN khác, Việt Nam chấp nhận yêu cầu cạnh tranh bình đẳng trên thị trường nhưng Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục hỗ trợ các DNNN. Song, mức hỗ trợ này sẽ không lớn, không tới mức gây bất bình đẳng lớn, ảnh hưởng tiêu cực tới thương mại đầu tư giữa các nước TPP.
Về nguyên tắc minh bạch, Việt Nam cũng đồng ý minh bạch thông tin DNNN khi có yêu cầu, nhưng loại trừ những thông tin an ninh quốc phòng, hoặc phạm vi bí mật kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này cũng có nghĩa các DNNN Việt Nam không phải công bố tất cả mọi thông tin.
Nguyên tắc chung của TPP là hạ thuế nhập khẩu của hầu hết các dòng thuế về 0%. Tuy nhiên, TPP vẫn loại trừ một số ít dòng thuế nhạy cảm nhất, có thể áp dụng hạn ngạch thuế quan hoặc giảm đáng kể, với điều kiện là được cả 11 nước thành viên còn lại đồng ý. Bộ Công Thương cũng ước tính, TPP không gây ra tác động lớn và đột ngột về thu ngân sách. Khi xoá bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình thì thu ngân sách có thể bù lại từ các sắc thuế các sẽ gia tăng lên khi sản xuất, kinh doanh phát triển. Ông Khánh cho hay, Việt Nam đã đồng ý nguyên tắc này nhưng phải theo lộ trình hợp lý, đồng thời, đề nghị bảo lưu thuế xuất khẩu một số mặt hàng có ý nghĩa quan trọng đối với thu ngân sách như dầu thô, than đá... |
Phạm Huyền