Giãn thuế nhưng có thể không được hưởng trong thực tế

Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, giãn, hoãn tiền thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất. Tổng giá trị được giãn, hoãn lên tới 180 nghìn tỷ đồng.

Bà Phạm Nguyên Hạnh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), đánh giá: Chính sách hỗ trợ của Chính phủ là rất tốt với doanh nghiệp, bởi giảm được áp lực bất cứ dòng tiền ra nào lúc này đều vô cùng quan trọng đối với sự sống còn của doanh nghiệp. Chính sách hỗ trợ thể hiện sự đồng cảm, sẻ chia của Chính phủ trong thời đoạn khó khăn, thách thức nhất của DN, là nguồn động viên giúp DN vượt qua, tránh được phá sản, duy trì việc làm cho người lao động trong và sau dịch, đảm bảo an sinh xã hội.

{keywords}
Gói giãn thuế 180 nghìn tỷ vẫn đang chờ phê duyệt sau 1 tháng đề xuất.

“Chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất khi được ban hành sẽ giúp doanh nghiệp có được một nguồn tài chính để góp phần giữ chân, chăm sóc đội ngũ lao động... ”, đại diện Vinatex chia sẻ.

Là doanh nghiệp thuộc diện tạm hoãn nộp thuế, nhưng đại diện một doanh nghiệp khác cho rằng thời điểm này vẫn chưa đưa ra thực thi là “quá chậm”. Bởi vì tới nay việc quyết toán thuế 2019 đã kết thúc, trong khi văn bản vẫn chưa ra thì doanh nghiệp không được hưởng lợi gì. Từ tháng 1 đến nay, công ty hầu như không có doanh thu cho nên việc giãn hoãn các loại thuế không có nhiều tác dụng.

Lần đầu Bộ Tài chính đề xuất giãn thuế là vào ngày 10/3 với giá trị là 30 nghìn tỷ đồng. Sau đó ngày 26/3 nâng lên thành 80 nghìn tỷ đồng và mở rộng thêm sắc thuế được giãn. Đến ngày 3/4 lại tăng gói giãn thuế lên 180 nghìn tỷ đồng. Đến nay, gói giãn thuế này vẫn ở trạng thái chờ.

Đó cũng là điều khiến đại diện Vinatex băn khoăn. Bởi thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019 doanh nghiệp đã tạm nộp hàng quý, số còn lại chưa nộp của năm 2019 chỉ là một quý; trong khi quý I/2020 thì không có lợi nhuận nên thực chất chiểu theo chính sách này thì doanh nghiệp dệt may cũng không được giảm. Tiền thuê đất tỷ trọng trong chi phí thấp, nên cũng không tác động được đáng kể khi được gia hạn nộp.

Điều này không chỉ đúng với trường hợp của doanh nghiệp dệt may mà với hàng chục ngàn doanh nghiệp khác. Do đó, việc hoãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, hay thuế giá trị gia tăng cũng không thực sự có nhiều tác động.

Những nhận xét trên khá tương đồng với khảo sát của nhóm nghiên cứu Đại học Kinh tế quốc dân trong báo cáo đánh giá tác động dịch Covid-19 đến kinh tế Việt Nam cách đây ít ngày.

Trong số các chính sách hỗ trợ được doanh nghiệp đánh giá, thì việc gia hạn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng, tiền thuê đất,... có số điểm thấp nhất với chỉ 2,43 điểm. Chính sách được đánh giá cao nhất chính là rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp (3,08 điểm); không tăng chi phí điện, nước (2,9 điểm), tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn (2,78 điểm)...

{keywords}
Doanh nghiệp cần chính sách hỗ trợ thực chất để tránh cảnh đóng cửa.

Nên giảm thuế thay vì giãn thuế

Mặt khác, tổng giá trị gói giãn thuế và tiền thuê đất được Bộ Tài chính tính toán lên tới 180 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này có thể là số tiền được tính theo tình hình nộp ngân sách của những năm trước đó. Khi ấy, doanh nghiệp vẫn còn “sung sức”. Nay dưới tác động của dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã đóng cửa, không còn doanh thu, không có lợi nhuận thì số thuế phải nộp cũng thấp hơn rất nhiều. Do vậy, số thuế được giãn thực tế sẽ không phải là 180 ngàn tỷ đồng như Bộ Tài chính tính toán mà thấp hơn đáng kể.

Nghị định về giãn thuế cần nêu rõ ràng các điều kiện, tiêu chí để doanh nghiệp được giãn thuế, bởi vẫn còn nhiều chỗ chưa thật sự rõ ràng. Điều đó dễ đẩy doanh nghiệp khó khăn về sau khi sự vận dụng của các cơ quan thuế địa phương thường cứng nhắc, bám theo câu chữ... Khi vướng mắc doanh nghiệp không biết kêu ai.

Để việc hỗ trợ thuế được thực chất hơn, có tác động đến doanh nghiệp hơn, ông Chung Thành Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Kế toán Đồng Hưng nêu quan điểm: Thuế thu nhập doanh nghiệp 2019 là số của năm trước không cần thiết phải giãn vì doanh nghiệp thực tế đã tạm nộp 80% theo số ước tính, 20% còn lại của kỳ kinh doanh 2019 chưa phải kỳ bị ảnh hưởng của dịch bệnh, do đó doanh nghiệp nên nộp đủ. Nhưng năm 2020 (từ tháng 1-6) thay vì giãn thuế, Bộ Tài chính nên tính mức giảm thực tế cho tất cả doanh nghiệp vì với dịch bệnh này doanh nghiệp nào cũng ảnh hưởng chứ không phải chỉ các ngành nghề như dự thảo nêu.

Cùng quan điểm, nhóm nghiên cứu Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng nên giảm thuế, miễn thuế, tiền thuê đất thay vì chỉ là giãn, tạm hoãn.

Theo đó, nhóm nghiên cứu đề xuất giảm, miễn một số loại thuế (thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân) với quy mô hợp lý.

Thứ nhất, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trường hợp doanh nghiệp đang trong thời gian được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thì số thuế được giảm 50% tính trên số thuế còn lại sau khi đã trừ đi số thuế được ưu đãi theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Thứ hai, giảm 50% thuế suất thuế giá trị gia tăng cho các hàng hóa dịch vụ gặp khó khăn, giãn nộp thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng, xem xét hoàn ngay thuế giá trị gia tăng đầu vào cho doanh nghiệp xuất khẩu trong 3 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.

Lương Bằng

Hơn 450 ngàn tỷ trợ sức vượt dịch: Đối tượng, số tiền được hưởng

Hơn 450 ngàn tỷ trợ sức vượt dịch: Đối tượng, số tiền được hưởng

 Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 gây ra, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành đề ra nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Đây là biện pháp cần thiết để doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn trước mắt.