- Đã dần hồi phục sau cuộc khủng hoảng kéo dài, làm ăn có tý lãi nhưng không ít đại gia nổi đình nổi đám trong các năm trước đây phải đầu tắt mặt tối, "nhịn ăn" để trang trải nợ nần để yên thân, tồn tại tính chuyện dài hơi.

Bóp mồm bóp miệng

Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (KBC) của ông Đặng Thành Tâm, người từng giàu nhất trên TTCK, vừa công bố tờ trình đại hội cổ đông. Trong đó, KBC dự kiến sẽ không trả cổ tức 2014 bằng tiền mặt do kế hoạch trả nợ trong năm 2015 của riêng công ty mẹ là khá lớn, ước tính khoảng 940 tỷ đồng, trong tổng cộng hơn 3 nghìn tỷ đồng nợ ngân hàng.

Trong năm 2014, theo báo cáo tài chính Công ty mẹ của KBC ghi nhận lợi nhuận hơn 226 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền này sẽ được giữ lại và KBC sẽ trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 4%, tương đương gần 188 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp của ông Đặng Thành Tâm đã kéo dài chuỗi năm tháng không trả cổ tức bằng tiền mặt lên 6-7 năm.

Không ít các đại gia trong mấy năm gần đây đã phải "nhịn ăn" để trang trải nợ nần, giải quyết nợ xấu hoặc nhằm phục vụ kế hoạch tái cấu trúc cho cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt ở phía trước.

Tại ĐHCĐ Nhà Từ Liêm (NTL) sáng 4/4 vừa qua cổ đông đã khá gay gắt vì không có cổ tức mặc dù năm qua doanh nghiệp này vẫn có lãi. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, đầu tư phải có lợi nhuận, doanh nghiệp phải chia cho NĐT. Tuy nhiên, chốt lại NTL vẫn không chia cổ tức.

Ông Nguyễn Văn Kha, chủ tịch NTL cho rằng, công ty còn khó khăn, năm nay không chia cổ tức để lấy vốn đầu tư cho các dự án đang triển khai.

{keywords}

Không ít đại gia nổi đình nổi đám trong các năm trước đây phải đầu tắt mặt tối, "nhịn ăn" để trang trải nợ nần

Với ông trùm ngành gỗ Võ Trường Thành, Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) của đại gia này suốt từ năm 2011 tới nay không trả cổ tức bằng tiền mặt mà chỉ liên tục phát hành riêng lẻ, bán ưu đãi, thưởng bằng cổ phiếu và trả cổ tức bằng cổ phiếu. Dù không còn thua lỗ nhưng khoản lời 71 tỷ vẫn không đủ trả nợ nên ông chủ Gỗ Trường Thành vẫn khất cổ tức và tìm cách xoay vần thoát nợ.

TCT Cổ phần Khoáng Sản Na Rì Hamico (KSS) gần đây xin gia hạn tổ chức đại hội cổ đông. Và nhiều khả năng, DN này sẽ không trả cổ tức bằng tiền như các năm trước đó do lợi nhuận quá thấp, hơn 3,9 tỷ đồng, so với tổng nợ lên tới gần 1,9 nghìn tỷ đồng, trong đó vay nợ ngân hàng ngắn hạn 588 tỷ đồng, vay nợ ngân hàng dài hạn và trái phiếu hơn 550 tỷ đồng.

Cũng ở trong tình trạng tương tự, lĩnh vực ngân hàng trong một hai năm gần đây chứng kiến cảnh các cổ đông lớn bóp mồm bóp miệng không chia cổ tức bằng tiền mặt để phục vụ cho quá trình tái cơ cấu, giảm nợ xấu trong hệ thống.

Đầu tháng 10/2014, chủ tịch HĐQT DongABank Trần Phương Bình ra thông báo kêu gọi cổ đông ủng hộ quyết định không chi trả cổ tức đợt 1/2014 do "tình hình khó khăn chung" và ngân hàng đang tập trung giải quyết giảm thiểu nợ xấu và tái cơ cấu. .

Nhìn ăn tính chuyện dài hạn

Rất nhiều doanh nghiệp gần đây cũng đã giảm tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền mặt mà mục tiêu không gì khác vẫn là để tái cơ cấu lại hoạt động.

{keywords}

Trong vài năm gần đây, tình trạng DN không phân phối lợi nhuận diễn ra khá phổ biến.

Tại ĐHCĐ 31/3 vừa qua, ông Trần Đình Long, chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cho biết, năm 2015, tập đoàn này phân phối lợi nhuận 2014 với tỷ lệ 30%, trong đó 10% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu. Trong năm 2015, HGP dự kiến tăng vốn điều lệ bằng phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông với tỷ lệ 30% và giảm tỷ lệ cổ tức xuống chỉ còn 20%.

Thực tế, HPG đang đối mặt với khá nhiều nguy cơ do sức ép cạnh tranh trong ngành thép khi nền kinh tế mở cửa cho nước ngoài. Việc nâng cao quy mô cũng như mở sang các ngành nghề khác là bài toán mà tập đoàn này đã tính toán trong nhiều năm nay.

Với nhiều doanh nghiệp khác, bài toán không chia phân phối lợi nhuận cho cổ đông hay phân phối ở mức thấp, phần lớn cũng hướng tới mục đích tái cơ cầu và tăng khả năng cạnh tranh trong thời gian vài năm tới.

Ông Nguyễn Đăng Quang, chủ tịch Tập đoàn Masan (MSN) gần đây cho biết, việc trả hay không trả cổ tức thì cổ đông là người quyết định. Tuy nhiên, lãnh đạo tập đoàn luôn cố gắng tối đa hóa tái đầu tư đảm bảo cho sự tăng trưởng.

Trong trường hợp KBC, đại gia Đặng Thành Tâm dường như đã thành công trong việc vực dậy tập đoàn vốn nợ như chúa chổm này. Theo kế hoạch đã được cơ cấu, trong năm 2015, KBC của ông Đặng Thành Tâm sẽ trả nợ ngân hàng 838 tỷ đồng tiền gốc, 102 tỷ đồng tiền lãi. Bên cạnh lợi nhuận để lại, dự kiến số tiền phải thu của toàn bộ các hợp đồng đã ký của cả tập đoàn nhà ông Tâm ước đạt 700 tỷ đồng sẽ là một trong những nguồn thu đảm bảo khả năng trả nợ cho ngân hàng trong năm 2015.

Có thể thấy, trong vài năm gần đây, tình trạng DN không phân phối lợi nhuận diễn ra khá phổ biến. Phần lớn các doanh nghiệp không trả cổ tức là do thua lỗ. Một số trường hợp DN chây ỳ cổ tức. Nhưng không ít các trường hợp DN không trả cổ tức vì phải trả nợ hoặc/và thực hiện kế hoạch tái cấu trúc trong bối cảnh mới.

Hầu hết các DN Việt đều có quy mô rất nhỏ, năng lực cạnh tranh cũng rất thấp, thua hầu hết các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines. Do vậy, việc căn cơ để tái cấu trúc có lẽ cũng cần thiết. Mặc dù vậy, không phải tất cả các DN xây dựng được quy mô lớn đều có khả năng cạnh tranh cao và ngược lại các DN có quy mô nhỏ không có nghĩa là có khả năng cạnh tranh thấp. Các DN đi sai hướng hoặc thiếu niềm tin với các cổ đông sẽ khó lòng giữ chân được các NĐT.

Mạnh Hà