Sau giai đoạn 1 của tái cơ cấu thành công, giai đoạn 2 với trọng tâm gia tăng năng lực, thu gọn đầu mối NH theo hình thức mua bán, sáp nhập cũng đang đi vào giai đoạn cuối. Các ông lớn NH do nhà nước chi phối đã vào cuộc các ca khó là dấu hiệu cho thấy lộ trình đang đến giai đoạn chốt cuối cùng.

Nhiệm vụ và tự nguyện

Trước thềm đại hội cổ đông, ngày 14/4, ông Trần Bắc Hà – Chủ tịch BIDV đã chính thức xác nhận MHB sẽ sáp nhập về BIDV. Hai nguyên tắc cơ bản của thương vụ này là tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu là 1/1 và việc sáp nhập sẽ thực hiện theo hình thức bàn giao nguyên trạng.

Điều này không khó để giải thích. Về mặt cơ cấu, đến nay cả hai tổ chức đều có tỷ lệ nắm giữ của nhà nước trên 90% nên về cơ bản đây là việc dịch chuyển đầu mối sở hữu. Trong khi đó, xét về mặt thị trường, việc sáp nhập này cũng không mấy ảnh hưởng đến cổ phiếu BID của BIDV vì quy mô của MHB khá nhỏ so với BIDV và cổ phiếu này dù chưa niêm yết nhưng diễn biến trên thị trường là rất tích cực.

{keywords}
Các ngân hàng lớn làm trụ cột cho những cuộc sáp nhập chốt lộ trình tái cơ cấu.

Việc sáp nhập MHB vào BIDV không chỉ có sự đặc biệt khi hai tổ chức tín dụng đều có gốc nhà nước về chung một nhà mà qua đây sẽ tạo nên một NH lớn nhất hệ thống.

Ông Trần Bắc Hà thừa nhận, điều thuận lợi khi sáp nhập MHB sẽ được tiếp quản một hệ thống mạng lưới 44 chi nhánh và 180 phòng giao dịch. BIDV đang có chiến lươc hướng về nông nghiệp và nông thôn với đặc biệt là ĐBSCL mà đây chính là khu vực thế mạnh của MHB. Bên cạnh đó, BIDV chủ yếu tâp trung bán lẻ cũng chính là yếu tổ bổ sung cho chiến lược phát triển của BIDV.

Cũng trong ngày 14/4, thương vụ sáp nhập PG Bank vào VietinBank đã được đại hổi cổ đông Vietinbank thông qua với tỷ lệ hoán đổi 1 cổ phiếu PGBank đổi 0,9 cổ phiếu VietinBank và kế hoạch tăng vốn điều lệ lên trên 40 và sau đó là 49 nghìn tỷ đồng.

Lãnh đạo Vietinbank cho biết trong 3 tháng đầu năm nay đã hoàn thành hợp đồng sáp nhập và dự kiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ chấp thuận về nguyên tắc vào tháng 6/2015.

Đại diện VietinBank cũng cho biết, trong tương lai VietinBank sẽ tiếp tục tìm kiếm để thực hiện các vụ M&A.

Như vậy, 2 trong 3 thương vụ sáp nhập có sự tham gia của các NH lớn đã chính thức được xác định. Thương vụ được theo dõi còn lại là sáp nhập Saigonbank vào Vietcombank. Hiện tại, Vietcombank là cổ đông lớn tại Saigonbank, sở hữu gần 10% có lẽ việc sáp nhập sẽ sớm diễn ra khi gần đây NHNN đã chấp thuận chủ trương này.

Ngoài 3 thương vụ lớn trên, trước đo việc Maritimebank hợp nhất với đại Á, các phương án tái cơ cấu liên quan đến Sacombank – Phương Nam, Nam Á – Eximbank… hay trường hợp PGBank gần đến thời điểm quyết định đã cho thấy thời điểm chốt của lộ trình tái cơ cấu như khẳng định của Thống đốc Nguyễn Văn Bình.

Gánh nặng và hưởng lợi

Điều đáng ngại nhất trong việc sáp nhập một ngân hàng nhỏ vào một NH lớn là việc chất thêm gánh nặng cho ông lớn khi phải gánh thêm nợ xấu, chất lượng hoạt động và bộ máy yếu kém. Tuy nhiên, trong thương vụ này, vấn đề này dường như không đáng ngại khi quy mô của MHB quá nhỏ so với BIDV trong khi chất lượng hoạt động không quá tệ nên chắc chắn sẽ không ảnh hưởng đến tổng tài sản, nợ xấu và kết quả kinh doanh của BIDV trong năm nay.

Dù lường trước sẽ có rất nhiều việc phải làm để sáp nhập diễn ta đúng mong muốn nhưng ông Trần Bắc Hà khá tự tin cho rằng, dự kiến lợi nhuận cả năm 2015 của BIDV có thể vượt mốc 7.500 tỷ đề ra. Tỷ suất lợi nhuận và cổ tức sẽ cao hơn. Được biết, lợi nhuận quý I mới cập nhật của BIDV đạt 1.835 tỷ đồng và nợ xấu là 2,1%.

{keywords}
Các thương vụ sáp nhập dần lộ diện.

Trong khi đó, tại ĐHCĐ, đại diện VietinBank cho biết, ngoài PGBank, ngân hàng này sẽ tiếp tục tìm kiếm để thực hiện các vụ M&A. Hiện tại, VietinBank đang hỗ trợ cho cả PGBank và OceanBank, hỗ trợ về nhân sự để hai NH này điều hành ổn định. Vietinbank chờ chỉ đạo từ NHNN để thực hiện các bước tiếp theo.

Trong khi đó, Vietcombank, hiện đang vai trò chủ lực hỗ trợ VNBC tái cơ cấu sau khi được NHNN mua lại với giá 0 đồng thì việc sáp nhập với Saigonbank vẫn được cho là mang lại nhiều yếu tố thuận lợi khi đây là một tổ chức khá gần với Vietcombank và hoạt động ổn định và bổ sung tốt cho Vietcombank trong việc phát triển quy mô và hệ thống.

Đánh giá về cái được lớn nhất qua M&A, ông Trần Bắc Hà cho rằng, trong hội nhập thì cần có những NH mạnh, tại quyết định về tái cơ cấu hệ thống NH cũng đã đặt ra mục tiêu này. Chúng ta cần có những NH lớn có tầm ảnh hưởng không những trong nước mà cả trong khu vực và thế giới. Đây sẽ là định chế hỗ trợ mạnh mẽ cho DN Việt Nam và cũng là đối tác xứng tầm với các định chế khu vực và thế giới. Vì thế, M&A là cần thiết và cũng chính là một cơ hội.

Chia sẻ điều này tại ĐHCĐ Vietcombank hồi đầu năm, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng nhấn mạnh, các NH lớn tham gia tái cơ cấu các NH nhỏ sẽ không mất mát gì. Điều cần nhất chính là con người, kinh nghiệm, uy tín và công sức. Nhưng đổi lại các NH cũng sẽ đươc rất nhiều về quy mô, hệ thống là lợi thế thị trường. Và theo thống đốc Nguyễn Văn Bình, để trở thành trở thành NH lớn thì không còn con đường nào khác nhanh hơn là phải tham gia quá trình sáp nhập, tái cơ cấu cùng với NHNN'

Sự tham gia tích cực của các ông lớn gánh các NH nhỏ, giúp các ngân hàng yếu hơn khắc phục tình trạng nợ xấu, sở hữu chéo và nâng cao khả năng quản trị. Đổi lại, các ông lớn sẽ có thêm mạng lưới hàng trăm chi nhánh, phòng giao dịch mới. Đây là thách thức cũng là cơ hội để các NH trở thành ông lớn không chỉ trong nước mà cả trong khu vực.

Với diễn biến này, mốc thời gian chốt các vụ mua bán sáp nhập, hợp nhất trước tháng 6/2015 đã đến thời điểm chốt.

Lê Hà