Các quan chức thương mại Mỹ ngày 7/5 cho biết sẽ thực hiện lời đe dọa được Tổng thống Donald Trump đưa ra vài ngày trước về  tăng thuế xuất nhập khẩu đối với 200 tỉ đô-la hàng hóa Trung Quốc. Dự kiến, mức tăng từ 10% lên 25% sẽ được áp dụng bắt đầu từ 10/5. Ông Trump cũng cho biết sẽ sớm áp thuế với 325 tỉ đô-la hàng hóa còn lại hiện đang được "tạm tha". Những lời đe dọa này được đưa ra sau khi Mỹ cho rằng Trung Quốc đã thất hứa và "rút lại" các cam kết đã đưa ra trong quá trình đàm phán. 

Giữa những đe dọa, Trung Quốc từng cân nhắc hủy bỏ buổi đàm phán theo lịch sẽ diễn ra trong tuần này tại thủ đô Washington. Nhiều chuyên gia lo ngại những động thái leo thang này có thể sẽ tái khơi mào một cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Đình chiến sau căng thẳng

Trước đây, ông Trump đã liên tục chỉ trích Trung Quốc vì những chính sách thương mại mà theo ông là thiếu công bằng, đặc biệt là những chính sách liên quan đến thị trường kinh tế, sở hữu trí tuệ và những trao đổi về công nghệ. Ông cho rằng, việc Mỹ có tỉ lệ nhập siêu lớn với Trung Quốc cho thấy đất nước của ông đang bị thiệt.

{keywords}
Căng thẳng thương mại gia tăng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Cuộc đàm phán dự định sẽ diễn ra trong tuần này có mục tiêu dàn xếp những tranh chấp đã gây ảnh hưởng tới các đơn vị xuất khẩu Trung Quốc, tổn hại một phần kinh tế Mỹ và làm chậm phát triển kinh tế toàn cầu, bắt đầu từ tháng 7 năm ngoái.

Khi đó, Mỹ đã nổ phát súng đầu tiên khi áp dụng mức thuế 25% trên 50 tỉ đô-la hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, trên các mặt hàng thuộc ngành hàng không vũ trụ, robot và giao thông vận tải. Trung Quốc phản đòn bằng cách áp mức thuế tương tự với 50 tỉ đô-la hàng Mỹ bao gồm sản phẩm nông nghiệp và hóa học.

Khoảng hai tháng sau, ông Trump gửi đến Bắc Kinh một “món quà” nữa: mức thuế 10% áp dụng lên khoảng 200 tỉ đô-la hàng hóa. Trung Quốc không chịu thua, phản hồi với một loạt thuế từ 5% đến 10% trên lượng hàng Mỹ trị giá khoảng 60 tỉ đô-la.

Đầu tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đã đồng ý “đình chiến”, thỏa thuận sẽ không tăng các mức thuế lên cao hơn nữa. Ông Trump đã hoãn lại kế hoạch tăng mức thuế hiện hành từ 10% lên 25%.

Các nhà đầu tư lo ngại

Hai phía đã tổ chức nhiều cuộc đàm phán kể từ thỏa thuận đình chiến năm ngoái, và cuộc họp mới nhất được lên lịch vào ngày 8/5. Nhưng chỉ vài ngày trước lịch hẹn, ông Trump bất ngờ gia tăng sức ép, và các nhà đầu tư đang lo ngại về khả năng một cuộc chiến tranh thương mại tổng lực sẽ nổ ra, và những ảnh hưởng nó có thể gây ra cho các đơn vị kinh doanh và nền kinh tế thế giới.

Hôm 6/5, kinh tế toàn cầu đã phản ứng một cách mạnh mẽ. Chỉ số Shanghai Composite ở Thượng Hại giảm 6% và Hang Seng ở Hồng Kông giảm gần 3%. Các chỉ số tiêu chuẩn ở Paris và Frankfurt cũng giảm khoảng 1,5%.

{keywords}
Thị trường chứng khoán thế giới đồng loạt giảm điểm. Ảnh: Reuters (minh họa)

Sáng 7/5, chứng khoán Châu Á có mức giảm thấp nhất trong vòng 5 tuần qua. Chỉ số Nikkei ở Nhật Bản giảm 1,1% sau kì nghỉ 10 ngày để ăn mừng lễ đăng quang của Tân Nhật hoàng.

Giá hàng hóa cũng tỏ ra lung lay trước khả năng kìm hãm tăng trưởng. Hôm qua, giá dầu giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 1 tháng qua, trước khi phục hồi trở lại.

“Các thị trường đang chuẩn bị tinh thần cho một sự đổ vỡ trong quá trình đàm phán Mỹ - Trung”, ông Jeffery Halley, một chuyên gia phân tích thị trường ở New York cho biết.

Trước đó, các nhà đầu tư đã trông đợi vào một giải pháp sẽ sớm được đưa ra cho những bất đồng giữa Bắc Kinh và Washington. Kì vọng này là một yếu tố quan trọng trong những dự đoán về thị trường chứng khoán Mỹ trong năm nay.

Cả thế giới gặp rủi ro

Hôm 7/5, tỉ phú Warren Buffet đã phát biểu rằng nếu một cuộc chiến tranh thương mại nổ ra, điều này sẽ “rất tệ cho cả thế giới”. “Bất cứ diễn biến gì đáng kể xảy ra giữa Mỹ và Trung Quốc cũng sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ các thị trường lớn trên toàn cầu” – tỉ phú 88 tuổi nhận xét.

Hiện tại, chưa rõ những đe dọa của ông Trump thể hiện một lập trường cứng rắn hơn của Mỹ trong tiến trình đám phán, hay đơn giản chỉ là một chiến thuật thương lượng. Hôm 6/5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Washington đã đe dọa tăng thuế rất nhiều lần trong quá khứ, và cho rằng hai nước nên đàm phán để đưa ra một thỏa thuận có lợi cho cả đôi bên.

Các nhà phân tích cho rằng gia tăng căng thẳng Mỹ - Trung sẽ ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế của cả 2 nước, và kéo theo là nền kinh tế thế giới.

{keywords}
Tỉ phú Warren Buffet cho rằng cuộc chiến thương mại sẽ "rất tệ cho cả thế giới". Ảnh: Reuters

“Gia tăng căng thẳng trong cuộc chiến thương mại sẽ khiến tăng trưởng toàn cầu bị yếu đi”, người phụ trách chiến lược thị trường Châu Á cho JP Morgan, anh Tai Hui, cho biết. “Chúng tôi vẫn khá kì vọng vào nền kinh tế nội địa Mỹ, nhưng những tác động từ bên ngoài có thể sẽ dập tắt sự lạc quan này”.

Nếu Mỹ thực hiện lời đe dọa tăng thuế lên 25% với toàn bộ hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ, sẽ đồng nghĩa với mức tụt giảm 0,3% trên tổng GDP của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là một cú huých khá lớn đánh trực tiếp vào sự phát triển của Trung Quốc, và nhiều khả năng nước này sẽ phản hồi bằng các biện pháp mới để kích thích tăng trưởng.

Các tập đoàn toàn cầu hầu hết đều phản đối việc tăng thuế. Ví dụ, các nhà sản xuất ôtô đa quốc gia như Volkswagen, General Motors hay BMW, sẽ đều một lúc gặp tổn thất từ cả hai phía. Ở Mỹ, họ phải trả thuế cho những nguyên liệu như thép và nhôm. Mặt khác, các hãng này rất phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc – nơi chiếm một phần lớn trong tổng doanh thu toàn cầu. Với việc Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tăng thuế để đáp trả, cộng với việc tăng trưởng kinh tế chậm lại, các tập đoàn này sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Tương tự, rất nhiều đơn vị kinh doanh thuộc nhiều ngành công nghiệp khác, nhiều quốc gia, cũng sẽ bị “kẹt ở giữa” trong căng thẳng Bắc Kinh - Washington. Và nếu một cuộc tranh chiến thương mại thật sự nổ ra giữa hai “ông lớn” này, cả thế giới sẽ là người “vạ lây”.

Anh Thư