Khi xem những hình ảnh đầu tiên về đoàn người biểu tình ủng hộ Trump chiếm đồi Capitol và tòa nhà Quốc hội Mỹ, con trai tôi - sinh viên đại học năm thứ nhất - gọi giật giọng: Mẹ, mẹ có biết điều gì đang xảy ra không?

Con đưa tôi xem những hình ảnh trên điện thoại, rồi tiếp: Mẹ có thấy phi lý không? Nếu đây là những người da đen hay da màu thì họ đã bị bắn chết từ lâu rồi, chứ không thể vào tận trong tòa nhà như thế này được. Mẹ có hiểu không? Họ làm được thế là vì họ da trắng!

Đấy là lập luận của đứa con tôi. Tôi không muốn tiếp tục đề tài sắc tộc và bất bình đẳng này với một thanh niên đang bước vào cuộc đời. Tôi luôn cố gắng cho con thấy thế giới còn nhiều bất công, nhưng cái quan trọng là mỗi cá nhân nỗ lực vượt qua nó bằng chính các hành động hàng ngày, thay vì để cho những ý nghĩ tiêu cực ngăn cản sự cố gắng của mình.

{keywords}
Những gì xảy ra với chính trị Mỹ, với đám đông ủng hộ ông Trump làm tôi nhớ về nghiên cứu ở Anh Quốc

Gia đình tôi trước đó đã từng tranh luận về đám đông ủng hộ Trump. Chồng tôi nói: Trump giỏi mà. Ông ta đã làm được những điều mà các tổng thống Mỹ khác không làm được. Nhưng con tôi thì lại có ý khác: Không ba ơi, ông ta lôi kéo được đám đông là vì ông ta kích động sự thượng đẳng của người da trắng và sự đe dọa từ phía người da màu. Ông ta tạo ra sự thù ghét trong xã hội, tạo cơ hội cho những kẻ phân biệt chủng tộc thể hiện. Và thế là những kẻ đó cuồng ông ta thôi!

Tôi không có ý kiến gì thêm, bởi ai cũng có lập luận của mình, không sai.

Những gì xảy ra với chính trị Mỹ, với đám đông ủng hộ ông Trump làm tôi nhớ về cái nghiên cứu về chính trị ở Anh Quốc mà chúng tôi đã đăng trên tạp chí hành chính công Public Administration Review của Mỹ năm 2014.

Câu chuyện lôi kéo phiếu bầu

Ở Anh có rất nhiều đảng phái chính trị. Tuy nhiên, phần lớn dân chúng trước đây thường trung thành với một trong hai đảng chính: đảng Bảo thủ và đảng Lao động.

Mỗi đảng lên nắm quyền có nhiệm kỳ 5 năm. Trong nghiên cứu đó, chúng tôi lấy mẫu người từ 5.500 hộ gia đình ở Anh trong vòng 18 năm, từ 1991 đến 2008. Trong đó có 1.667 nam giới với 8.159 lần lấy mẫu, và 2.519 phụ nữ với 11.893 lần lấy mẫu trong vòng 18 năm đó.

Tất cả những người này đều làm trong khu vực công - họ là công chức nhà nước. Chúng tôi nghiên cứu xem họ ủng hộ đảng nào và điều đó có tác động tới sự hài lòng trong công việc mà họ đang phụng sự khi đảng đó lên nắm quyền không.

Kết quả tìm được đối với nam giới là: Nếu bạn bỏ phiếu cho đảng mà bạn ủng hộ và đảng đó lên nắm quyền thì sự hài lòng trong công việc của bạn tăng cao trong năm đầu. Nhưng sự hài lòng với công việc của bạn giảm xuống từ năm thứ hai và ba, thậm chí thấp hơn cả trước khi đảng của bạn thắng cử (có nghĩa khi đó bạn đang phục vụ cho đảng ‘đối lập’).

Và phải mất đến 2 năm sau, sự hài lòng của bạn mới tăng trở lại, nhưng không thể cao như năm đầu tiên. Điều này đúng với bất luận bạn bỏ phiếu cho đảng Lao động hay Bảo thủ.

{keywords}
 

Kết quả đối với nữ giới thì hơi khác một chút. Nếu bạn bỏ phiếu cho đảng mà bạn ủng hộ và đảng đó lên nắm quyền thì sự hài lòng trong công việc của bạn giảm dần và thấp hơn trước khi đảng của bạn thắng cử và cầm quyền.

Phải đến năm thứ ba trở đi thì sự hài lòng của bạn mới dần tăng trở lại, và tăng cao nhất trong năm thứ 5 (năm cuối của nhiệm kỳ). Điều này đúng với bất kỳ đảng Lao động hay Bảo thủ mà chị em bỏ phiếu.

Những điều này có nghĩa gì? Chính trị dường như bị tác động mạnh hơn tới sự hài lòng trong công việc của nam giới hơn phụ nữ. Nhưng cho dù có là đảng phải chính trị nào thì rồi người ta cũng sớm thất vọng mà thôi. Bởi bản chất của chính trị trong nền dân chủ là dụ dỗ lôi kéo phiếu bầu, chứ chưa chắc các chính trị gia quan tâm tới bạn, bởi họ có tham vọng của riêng họ, mà không nhất thiết trùng với những quan tâm của cử tri.

Khả năng thích ứng

TS Scott Frampton, làm việc cho FBI, Washington, có thâm niên 22 năm phục vụ trong Hải quân Mỹ, khi đọc nghiên cứu này đã viết rằng không thể đúng hơn với nước Mỹ. Năm 2014 ông viết: “Hoa Kỳ hiện hoạt động với một chính phủ chia rẽ, kết hợp với đảng phái dữ dội”.

Điều này vẫn đúng khi chúng ta đang ở năm 2021, không chỉ ở Hoa Kỳ, mà ngay Vương quốc Anh nơi tôi đang làm việc. Bắt đầu từ một quyết định trưng cầu dân ý không được tính toán kỹ của chính phủ, Brexit trải qua 4 năm quằn quại, gây nhiều chia rẽ trong xã hội. Rút ra kết luận từ nghiên cứu của chúng tôi, Scott viết tiếp: “Nguồn gốc sâu xa nhất của sự hài lòng trong công việc trong khu vực công có thể là về khả năng thích ứng”.

Đúng thế. Các chính trị gia sẽ đến rồi đi. Chỉ có khả năng thích ứng và kiên cường của cá nhân với những thay đổi của môi trường mới là tác nhân quan trọng trong sự tiến bộ của xã hội. Bởi nếu các bạn nghiên cứu về chính trị và xã hội học thì mới thấy là các chính trị gia chỉ giỏi hứa thôi, chứ các thách thức xã hội phức tạp không thể giải quyết chỉ bằng lời hứa, mà phải bằng sự đồng kiến tạo tiến tới sự bền vững của toàn thể xã hội. 

PGS.TS Bùi Thị Minh Hồng (Trường Quản lý, ĐH Bath, Giám đốc Mạng lưới Giáo dục, AVSE Global)

Big Tech đang tiếp quản nước Mỹ và thế giới

Big Tech đang tiếp quản nước Mỹ và thế giới

Tiếp theo thành công về mặt thương mại, Big Tech bắt đầu tác động đến nhận thức, thái độ, hoạt động chính trị, và hành vi bỏ phiếu của người dùng bằng cách sử dụng các thuật toán tinh vi.