- Một “Án lệ Grab” là cần thiết, không chỉ để giải quyết những vụ việc đơn lẻ mà phải để tạo ra những nền tảng tư duy đúng đắn, đứng vững được trước sự phát triển của công nghệ có thể thay đổi về căn bản những quan hệ trong xã hội.
Ngày 20/12/2017, Tòa án Công lý Châu Âu (EJC) đưa ra phán quyết cho vụ kiện giữa Asociación Profesional Élite Taxi (một hiệp hội taxi chuyên nghiệp) tại Barcelona với Uber Tây Ban Nha, rằng: “một dịch vụ trung gian như dịch vụ đang được xem xét tại phiên tòa này, với mục đích kết nối, bằng cách sử dụng một ứng dụng trên smartphone và vì mục đích lợi nhuận, trong đó lái xe không chuyên sử dụng phương tiện của chính mình kết nối với những người có nhu cầu đi lại trong thành phố, phải được xem là một dịch vụ vận tải”.
Phán quyết này và những lập luận của nó không chỉ phản bác lại luận điểm của Uber Tây Ban Nha cho rằng dịch vụ mình cung cấp là một dịch vụ kỹ thuật số mà còn là cơ sở lập luận quan trọng cho những tranh chấp giữa những dịch vụ đặt xe với các hiệp hội lái xe, công ty taxi đang diễn ra không chỉ ở Châu Âu mà còn ở trên toàn thế giới. Phán quyết trực tiếp ảnh hưởng mạnh mẽ và căn bản hay nói khác đi là gần như giới hạn, kiềm chế hoàn toàn hoạt động của Uber trên toàn Châu.
Nên nhớ rằng, liên minh Châu Âu, là nơi mà quyền tự do lưu thông dịch vụ được xem chính là một trong bốn nền tảng tạo ra liên minh (3 nền tảng còn lại là hàng hóa, con người và tư bản) và công nghệ là một trong những mũi nhọn được đề cao nhất trong toàn bộ nền kinh tế đã không ngần ngại đưa ra phán quyết lịch sử này.
Nhưng không phải đến tận cuối năm 2017, Uber mới phải nhận những phán quyết bất lợi từ phía cơ quan nhà nước. Từ năm 2015, Uber đã bị cấm hoàn toàn ở một số bang tại Úc, năm 2016 bị cấm tại Bangladesh chỉ sau 36 tiếng hoạt động, hay hiện nay đã bị cấm hoàn toàn tại Đan Mạch, Bulgaria, Hungary. Chưa kể đến bị cấm một phần ở Ý, Pháp, Đức, bang Oregon – Hoa Kỳ và đang đối mặt với lệnh cấm có thể xảy ra trong tương lai gần tại Vương Quốc Anh hay Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với hoạt động biểu tình, khởi kiện đang diễn ra ở hơn 40 quốc gia khác trên toàn thế giới.
Nhìn lại lập luận tại phán quyết của EJC và của Uber Tây Ban Nha trong vụ án đã nói ở trên, dễ dàng để nhận thấy nó gần như tương đồng với lập luận của Viện Kiểm Sát Nhân Dân TP. HCM và Grab Việt Nam trong vụ kiện của Vinasun đang diễn ra căng thẳng không chỉ ở phòng xét xử mà còn ở trên báo chí và mạng xã hội vào những ngày này.
Và nếu ngày mai Grab, vốn cùng một mô hình kinh doanh với Uber, phải nhận một bản án bất lợi, hay thậm chí có thể bị cấm ở Việt Nam, thì hãy xem đó như là một phán quyết bình thường.
Nhưng nếu ngày mai Grab bị cấm ở Việt Nam, chúng ta sẽ lại phải quay về với những cuốc taxi giá cao, đồng hồ nhảy số tùy hứng, từ chối chạy ở giờ cao điểm, lái xe với thái độ không giống như thái độ cần có của người làm dịch vụ hay những cuốc xe ôm dù mặc cả 1 nửa vẫn hớ trên những cung đường khó đoán trước.
Công nghệ đã tạo ra những lợi ích không thể chối cãi cho tất cả chúng ta, nhưng những hình thức kinh doanh dựa trên công nghệ rõ ràng vẫn còn nhiều khoảng trống cần phải xem xét.
Từ khi xuất hiện, sự tồn tại của grab luôn đưa đến nhiều tranh luận. Ảnh minh họa |
Tự vệ
Không phải đến vụ kiện Vinasun và Grab chúng ta mới bắt đầu nhắc đến chuyện những doanh nghiệp trong nước tự vệ trước làn sóng các doanh nghiệp sử dụng công nghệ trong ngành vận tải.
Hành động tự vệ đầu tiên mà tôi biết có lẽ là từ cú đấm của một bác xe ôm già vào mặt một cậu sinh viên chạy Grab bắt khách ngay tại 1 góc cửa bến xe, nơi mà bác xe ôm vẫn thường ngày đón khách mà tôi xem được trên Facebook. Tiếp sau đó là những vụ đánh nhau giữa hai thế hệ xe ôm, những bài báo về những bác xe ôm truyền thống thất thu và nghèo đói trước lực lượng xe ôm công nghệ trẻ và đông đảo; hay những status và tranh luận gay gắt trên FB về việc dặn mình và khuyên nhau chọn những bác xe ôm truyền thống thay vì xe ôm công nghệ và ngược lại.
Rõ ràng, chúng ta đã không đánh giá được trước những thay đổi căn bản về mặt xã hội khi cho phép những công ty tự nhận là công ty công nghệ được vào hoạt động ở Việt Nam. Nói cách khác, đáng lẽ công nghệ phải nâng cấp, cải thiện trải nghiệm cho những dịch vụ hiện có, hỗ trợ cho lực lượng lao động hiện có thì công nghệ ở đây lại tạo ra một lực lượng lao động mới, đối đầu với những gì đã có và đang phần nào tạo ra bất ổn trong xã hội.
Ở phía người dùng, chúng ta có thể tiếc khi không còn được phục vụ bởi Grab. Sẽ không còn những cuốc xe giá rẻ như cho, hay ít nhất là rẻ hơn taxi truyền thống. Nhưng phải nhìn lại rằng, Grab tất nhiên sẽ rẻ bởi mặc dù có thể xem lại một công ty vận tải, Grab không hề tốn chi phí cho bảo hiểm xã hội, đào tạo, phúc lợi… cho những lái xe - người lao động của mình. Cũng quan trọng tương đương là vấn đề kê khai thuế thu nhập vẫn còn nhập nhèm của Grab.
Có nghĩa là mặc dù tưởng rẻ, nhưng nếu Grab vẫn được hoạt động với mô hình công ty công nghệ như đang tự nhận đinh, về mặt tổng thể chúng ta đang tự ăn vào tiền của chính chúng ta, tiền thuế cho các thế hệ con cháu tương lai, và tất nhiên, phần lợi nhuận còn lại sẽ chảy ra nước ngoài.
Một ví dụ đơn giản, vụ sinh viên Đại học Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh chạy Grab vừa bị cướp và giết chết tại Bình Chánh mới đây. Nếu là người lao động trong một công ty vận tải bình thường, được nộp bảo hiểm bình thường, anh này sẽ có đầy đủ các chế độ của người lao động. Nhưng đáng tiếc, anh lại chạy Grab, tức là hoàn toàn không có một chút phúc lợi nào. Và có nghĩa là, nói không ngoa, mỗi cuốc xe rẻ của chúng ta ngày hôm nay là đang ăn vào an sinh của những người lao động đó.
Đến lúc phải lo con người kiện máy móc và ngược lại
Tôi ủng hộ ý kiến trong bài viết: “Đừng nghĩ Việt Nam đang đánh đuổi công nghệ nước ngoài” đăng trên Tuần Việt Nam ngày 26/10/2018 rằng sẽ phải ủng hộ việc ứng dụng công nghệ để kinh doanh nhưng phản đối việc bán phá giá vi phạm pháp luật cạnh tranh và thương mại. Tuy nhiên, vấn đề có lẽ nên được nhìn nhận xa hơn thế, xa hơn việc phân định đúng sai trên những văn bản luật hiện có.
Như cách giải quyết của EJC như đã nêu ở đầu bài, rằng, công nghệ có thể thay đổi cách thức và mô hình kinh doanh nhưng nó sẽ không được phép xâm phạm những quan hệ cơ bản như quan hệ lao động, không được phép tạo ra những bất ổn xã hội. Lợi ích của người dùng sẽ phải được xem xét dưới góc nhìn toàn cảnh và vai trò của nhà nước và pháp luật phải được đề cao hơn là chỉ ủng hộ chủ trương và cho phép thí điểm công nghệ mà không hề có một tính toán lâu dài nào.
Bởi chúng ta trong tương lai sẽ phải đối mặt với những câu hỏi khó hơn rất nhiều nếu muốn hướng đến cuộc cách mạng 4.0 như vẫn thường tuyên bố. Ở đó, công nghệ phát triển ở mức độ cao sẽ khó để phân tích hơn một ứng dụng đặt xe thông thường như Grab hay Uber, hay những người lao động phổ thông sẽ kiện những doanh nghiệp hay kiện chính máy móc khi đẩy họ vào tình trạng thất nghiệp, hay xa hơn khi máy móc đã có thể có tư duy như con người thì nó có được hưởng phúc lợi như con người hay không? Nó có được kiện con người ngược đãi mình không?...
Bởi vậy, một “Án lệ Grab” là cần thiết, không chỉ để giải quyết những vụ việc đơn lẻ mà phải để tạo ra những nền tảng tư duy đúng đắn, đứng vững được trước sự phát triển của công nghệ có thể thay đổi về căn bản những quan hệ trong xã hội. Để công nghệ, dù có phát triển đến đâu, cũng nhằm mục đích phục vụ con người chứ không phải để tạo ra thế đối đầu giữa người với người.
Bùi Phú Châu
Vinasun kiện Grab: Không phải chuyện của con trâu và máy cày
Một nhà nước kiến tạo thì cần phải kiến tạo cả luật lệ, nếu cần thiết, chứ không thể chỉ bám vào quy định cũ và buộc xã hội phải đi theo tốc độ xây dựng, sửa đổi luật của mình.
Đừng nghĩ Việt Nam đang đánh đuổi công nghệ nước ngoài
Tôi ủng hộ ứng dụng công nghệ để kinh doanh, nhưng tôi cũng phản đối việc “bán phá giá” vi phạm pháp luật cạnh tranh và thương mại.
Nếu có lỡ nhịp đó là do cách tư duy, hành xử
“… Lần này mà bỏ lỡ cách mạng 4.0 là do chính chúng ta, do tư duy và hành xử của chúng ta chứ không thể đổ lỗi cho bất kỳ lý do nào khác được”.
Khi người ta cố gắn mào cho xe Grab
Các phần mềm ứng dụng gọi xe điện tử sẽ phải đáp ứng tất cả các quy định kinh doanh như một hãng taxi truyền thống.