Trong talkshow trực tiếp tối 20/1, Đại sứ Phạm Quang Vinh và TS Tạ Minh Tuấn cùng chia sẻ nhìn nhận về chính sách đối ngoại mà Tổng thống Biden và nội các mới của Mỹ sẽ thực hiện.
XEM VIDEO:
Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, Trung Quốc và châu Á sẽ nằm trong chính sách đối ngoại chung của ông Joe Biden với khẩu hiệu là lấy lại niềm tin và khôi phục vai trò lãnh đạo của nước Mỹ trên thế giới.
Ông Biden sẽ tập trung vào khôi phục ngoại giao truyền thống, đề cao các vấn đề giá trị như dân chủ, tiêu chuẩn lao động hay môi trường và biến đổi khí hậu, tham vấn và trao đổi nhiều hơn với các đồng minh, đối tác. Chắc chắn ông cũng sẽ sử dụng các thiết chế đa phương nhiều hơn.
Đẩy mạnh cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc
Theo Đại sứ, nước Mỹ nói chung, không chỉ dưới thời ông Trump hay ông Biden, đều đã nhìn nhận lại lợi ích của mình, nhìn nhận lại về Trung Quốc, coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh về mặt chiến lược. Do đó, ông Biden sắp tới dự kiến sẽ tiếp tục đẩy mạnh cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc.
Đại sứ Phạm Quang Vinh. Ảnh: Phạm Hải |
Đây là câu chuyện được đồng thuận trong lòng nước Mỹ. Có rất nhiều dấu hiệu đã cho thấy, ông Biden sẽ tiếp tục đẩy mạnh cạnh tranh chiến lược và cứng rắn với Trung Quốc.
Các tuyên bố của ông Joe Biden và các nhân sự ông đề cử nắm giữ các chức vụ chủ chốt trong chính quyền mới, như đề cử Ngoại trưởng Antony Blinken, đề cử Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, ứng cử viên Bộ trưởng Quốc phòng, đại diện thương mại và ngay cả điều phối viên về châu Á Thái Bình Dương Kurt Campbell đều nói sẽ tiếp tục các biện pháp kiềm chế và cứng rắn với Trung Quốc.
Nhưng điểm thứ hai có thể khác so với thời kỳ ông Trump là, chính sách sẽ dễ đoán định hơn - ngoại giao truyền thống và tham vấn các nước đồng minh và đa phương, trong đó quản trị ổn định và chiến lược cạnh tranh với Trung Quốc sẽ được giữ tốt hơn.
Thứ ba, cạnh tranh sẽ bao gồm cả kinh tế và chiến lược, ý thức hệ, chính trị an ninh và khoa học công nghệ. Với những biện pháp áp đặt hạn chế và trừng phạt với Trung Quốc thời ông Trump, ông Biden sẽ tìm cách gỡ một phần nhưng chưa gỡ ngay, để tiếp tục đòi hỏi những câu chuyện lớn hơn trong quan hệ Mỹ - Trung, trong đó có cả thương mại và tự do dân chủ.
Coi trọng châu Á - Thái Bình Dương
Đại sứ Phạm Quang Vinh cho rằng, châu Á - Thái Bình Dương là khu vực tiếp tục được ông Biden coi trọng. Đây là khu vực địa chiến lược quan trọng của Mỹ.
Thứ hai, khả năng ông sẽ tiếp tục sử dụng khái niệm về “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, cách đặt tên có thể khác và được nâng cấp. Vị trí của ông Kurt Campbell đã được nâng cấp theo cách nhìn của ông Biden, là điều phối viên về các vấn đề Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, điều phối liên ngành trong toàn bộ hệ thống của nước Mỹ.
Thứ ba, rất nhiều vấn đề như cạnh tranhg với Trung Quốc, Biển Đông, Mekong, chắc Mỹ sẽ tiếp tục các chính sách của ông Donald Trump. Cách tiếp cận có thể khác, nhưng mục tiêu vẫn như cũ. Đây là câu chuyện không chỉ của ông Biden mà là của cả nước Mỹ.
Tiến sĩ Tạ Minh Tuấn |
Theo TS Tạ Minh Tuấn, châu Á - Thái Bình Dương vẫn còn một số vấn đề dang dở mà chính quyền Biden cần phải quyết định làm như thế nào, như với chương trình hạt nhân của Triều Tiên, các hiệp định thương mại tự do mà Mỹ đã rút khỏi hoặc bị gạt ra.
“Điểm mấu chốt, theo tôi, Trung Quốc không còn đơn thuần là sự cạnh tranh chiến lược, mà theo như ứng cử viên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tuyên bố, Trung Quốc đã trở thành mối đe dọa ngày càng gia tăng. Tuyên bố thẳng thừng như vậy sẽ khiến Trung Quốc phản ứng, và sự cọ xát ngày càng lớn hơn”, TS Tạ Minh Tuấn nói.
Vị trí Việt Nam
Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, về Biển Đông, có lẽ nước Mỹ sẽ duy trì chính sách của ông Trump, tiếp tục các hoạt động thúc đẩy tự do hàng hải, coi trọng tham vấn các đồng minh ở đây và khẳng định nước Mỹ ủng hộ luật pháp quốc tế, trật tự dựa trên luật lệ và kể cả các bước phát triển trong thời gian gần đây như bác bỏ các yêu sách phi lý về đường lưỡi bò của Trung Quốc, công nhận quyền hợp pháp về mặt kinh tế đối với thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển.
Tổng thống Biden nhậm chức: Thách thức và hy vọng
Bóng dáng của ông Trump được nhắc tới trong phát biểu nhậm chức của ông Biden về một trong những giá trị quan trọng của nước Mỹ và cũng của nhân loại, đó là dân chủ.
“Tôi nghĩ những câu chuyện đó không chỉ là của ông Donald Trump, mà đã có sự đồng thuận của cả hai đảng của nước Mỹ. Gần đây, trong cuộc chiến công hàm, chúng ta có thể thấy nhiều nước trên thế giới đã gia tăng nhận thức và ủng hộ Việt Nam”, Đại sứ nói.
Đại sứ cho rằng, Việt Nam trong 25 năm qua thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Mỹ, đã có rất nhiều các cơ sở tốt và lợi ích hai bên đan xen với nhau. Với vị trí địa chiến lược của Việt Nam trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, việc Việt Nam đổi mới và hội nhập sâu rộng hơn với thế giới, và vị thế Việt Nam trong ASEAN, nước Mỹ thấy rằng cần phải tranh thủ Việt Nam.
Thứ hai, về quan hệ kinh tế, nhìn chung các doanh nghiệp và công ty Mỹ rất coi trọng Việt Nam. Nếu ông Biden bằng hình thức nào đó, dù là khó khăn quay trở lại liên kết với khu vực với dạng TPP, có thể đặt tên khác hoặc hình thức khác, thì chắc chắn Việt Nam có vị trí.
Ngoài ra, chúng ta có quan hệ ngày càng phát triển về kinh tế thương mại đối với Mỹ. Nếu vào năm 1995, hai nước chỉ đạt chưa đầy nửa tỷ USD thương mại hai chiều, đến nay đã tăng lên 77-78 tỷ USD, tức là gấp hơn 150 lần. Rõ ràng, khuôn khổ cho quan hệ hai nước có lẽ phải được cập nhật và tăng lên.
TS Tạ Minh Tuấn nhìn nhận, quan hệ hai nước dưới nhiệm kỳ ông Obama và ông Trump là tiệm tiến theo chiều hướng tốt, và ông Biden được kế thừa một di sản rất tốt trong quan điểm của Mỹ với Việt Nam.
Về chính sách chung giữa hai nước, tôi cho rằng vẫn sẽ được duy trì như thế, đặc biệt trong vấn đề kinh tế, khi nước Mỹ đang gặp khó khăn trong thời kỳ dịch Covid-19, rất nhiều chuỗi sản xuất của Mỹ đã bị đứt gãy, và người ta đang tìm nơi mới cho các chuỗi sản xuất này, thì Việt Nam đang được hướng đến.
Tuy nhiên, TS Tuấn lưu ý vấn đề thặng dư thương mại Việt Nam với Mỹ.
Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, mỗi một chính quyền mới đều có một điều chỉnh ưu tiên. Cách nhìn nhận chiến lược và ổn định ngoại giao truyền thống hơn, những vấn đề nảy sinh trong quan hệ hai nước, sẽ được quản trị tốt hơn bằng cách tham vấn giữa hai bên, sẽ kín đáo và sử dụng ngoại giao nhiều hơn.
Tuần Việt Nam
Chặng đường sắp tới của ông Biden sẽ rất bề bộn
Hai chuyên gia nghiên cứu và phân tích chính trị Mỹ: Đại sứ Phạm Quang Vinh và PGS.TS Tạ Minh Tuấn trao đổi về thời khắc chuyển giao quyền lực giữa ông Donald Trump và Joe Biden.