Hơn 9.000 bác sĩ nội trú, thực tập sinh đã tham gia cuộc đình công phản đối kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh ở các trường y của Chính phủ Hàn Quốc. Điều đó đã gây nên tình trạng rối loạn ở các bệnh viện do thiếu nhân viên, khiến bệnh nhân mất niềm tin vào các bác sĩ. 

Dưới đây là chia sẻ của bác sĩ Chung Chan-seung, Giám đốc Ủy ban trách nhiệm xã hội của Hiệp hội Thần kinh - Tâm thần học Hàn Quốc, về vấn đề trên: 

Cho đến nay, tôi và bệnh nhân đã có mối quan hệ tin cậy vững chắc. Nếu công việc chỉ đơn thuần là sửa chữa máy móc thì kiến thức và kỹ năng là đủ. Tuy nhiên, chủ thể của nghệ thuật y học không phải là cỗ máy mà là con người. Để điều trị cho cơ thể và tâm trí con người, sự tin tưởng lẫn nhau quan trọng hơn kiến thức và kỹ năng.

Mối quan hệ tốt sẽ mang lại kết quả điều trị tốt hơn trong khi mối quan hệ kém sẽ làm chậm quá trình điều trị và gây ra những hiểu lầm, bất đồng không đáng có. Các bác sĩ, những người biết quá rõ điều này, đang bỏ rơi bệnh nhân của mình, nghỉ việc và rời bỏ các bệnh viện ở Hàn Quốc.

bac si.jpg
Các bác sĩ Hàn Quốc hô khẩu hiệu trong cuộc họp trước khi biểu tình phản đối chính sách y tế của chính phủ tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Reuters

Tình trạng bi đát này xảy ra do chính phủ đơn phương công bố kế hoạch tăng tuyển sinh vào trường y. Hàn Quốc vận hành một hệ thống bảo hiểm y tế toàn dân gọi là Dịch vụ Bảo hiểm Y tế Quốc gia cho phép mọi người nhận được các dịch vụ y tế chất lượng.

Tuy nhiên, gần đây một số khó khăn đã xuất hiện như sự mất cân bằng về số lượng bác sĩ giữa các vùng miền hay các bác sĩ tránh những nơi có nguy cơ cao bị kiện tụng và chi phí y tế quá thấp. Ngày 6/2, chính phủ bất ngờ tuyên bố tăng số lượng tuyển sinh vào trường y từ 3.058 hiện nay lên 5.058 bắt đầu từ năm 2025. 

Chính phủ thúc đẩy quyết liệt các chính sách mà không có sự tham vấn đầy đủ của cộng đồng y tế, điều tra sơ bộ hay kế hoạch cụ thể. Điều đó khiến các bác sĩ sốc, tức giận và xuống đường lên án. Trên các phương tiện truyền thông, đại diện chính phủ và cộng đồng y tế tham gia vào các cuộc tranh luận sôi nổi về việc liệu có thiếu bác sĩ hay không.

Điều thực sự quan trọng không phải là kết quả mà là quá trình. Khi công bố các chính sách, chính phủ đã bỏ qua tiến trình tôn trọng các ý kiến đa dạng, lắng nghe và đạt được sự đồng thuận thông qua thảo luận. Một chính sách không có sự tin tưởng lẫn nhau thì không thể thuyết phục được.

Bất cứ khi nào đất nước gặp khủng hoảng, các chuyên gia y tế đều cống hiến hết mình cho người dân. Ngay cả trong đại dịch Covid-19, các bác sĩ đã đặt sự an toàn và lợi ích của bản thân sang một bên, hy sinh bản thân để phục vụ, đã giúp Hàn Quốc được thế giới ca ngợi là nước đi đầu trong công tác phòng chống dịch bệnh. 

Những quyết định của các nhà lãnh đạo quốc gia, bỏ qua quá trình thuyết phục tốn nhiều công sức, thoạt nhìn có vẻ giống như những giải pháp nhanh chóng và hiệu quả. Tuy nhiên, những gì còn lại sau đó là sự mất lòng tin lẫn nhau và xung đột xã hội. Nếu muốn cải thiện, việc xây dựng niềm tin là ưu tiên hàng đầu. Phá hủy lòng tin thì dễ nhưng khôi phục lại thì khó.

Cho dù chính sách y tế có được cải thiện đến đâu, mối quan hệ tin cậy giữa bác sĩ và bệnh nhân bị tổn hại lần này sẽ không dễ dàng phục hồi. Không có sự tin tưởng thì không thể đạt được điều trị hiệu quả. Mối quan hệ tin cậy giữa bác sĩ và chính phủ đang ở trạng thái tồi tệ hơn, không có cách nào hữu hình để hàn gắn.

Cả bác sĩ điều trị cho bệnh nhân và chính phủ ban hành các chính sách đều cần ưu tiên đôi tai lắng nghe hơn là những cái miệng ra lệnh. Lắng nghe, thấu hiểu và đồng cảm là những nguyên tắc cơ bản quan trọng nhất trong cả điều trị y tế và quản trị.