“Chồng tôi nhận thông báo phải xuất viện vì ở đây không còn đủ bác sĩ. Nhưng vết mổ của ông ấy không thể tự lành ở nhà được", người phụ nữ 59 tuổi chia sẻ với Hankyoreh khi đang đẩy xe lăn cho chồng.

Người chồng mắc bệnh viêm tủy xương mạn tính, vừa trải qua phẫu thuật tại Bệnh viện Đại học Guro ở Seoul. Nhưng ông buộc phải chuyển sang bệnh viện khác để có thể được bác sĩ theo dõi trực tiếp. 

Bà Park Yeong-hee, 51 tuổi, vội vã đưa mẹ bị chảy máu, đau bụng dữ dội tới phòng cấp cứu của Bệnh viện Severance (Seoul). Khi đến nơi, bà được thông báo bệnh viện chỉ nhận các bệnh nhân ung thư đã điều trị trước đó. Hiện tại, mỗi bác sĩ phải lo cho 20-30 bệnh nhân và không còn đủ sức. 

Bà Park cuống cuồng đưa mẹ tới Bệnh viện Dongshin gần đó. Cơ sở này cũng chỉ có nhân lực để chụp CT. Không có gì hơn. “Ngay cả khi họ phát hiện ra u nang, bệnh viện cho biết họ không thể làm gì được nữa. Tôi không biết phải làm gì vào thời điểm này”, bà Park nổi giận. 

benh nhan 1.jpg
Vừa phẫu thuật xong, nam bệnh nhân phải chuyển sang viện khác để có bác sĩ theo dõi. Ảnh: Hankyoreh

Một phụ nữ 64 tuổi tên Kim cũng rơi vào nỗi bi quan tương tự: “Con trai tôi bị xuất huyết não. Cháu cần trải qua quá trình phục hồi chức năng tại bệnh viện này nhưng họ nói rằng hiện tại không có chuyên gia”. 

Quá nhiều bệnh nhân rơi vào tình trạng như mẹ của bà Park, con trai bà Kim, thậm chí tồi tệ hơn. Ngày 23/2, một người phụ nữ đã tử vong trên xe cứu thương sau khi 7 bệnh viện từ chối tiếp nhận do thiếu bác sĩ. 

Khủng hoảng vì đâu? 

Suốt 10 ngày qua, nhiều bác sĩ tại hàng trăm bệnh viện trên khắp Hàn Quốc đã ngừng làm việc. Đến tối 28/2, khoảng 9.000 trong số 13.000 bác sĩ nội trú và thực tập sinh của cả nước rời bệnh viện sau khi nộp đơn xin nghỉ. Chỉ có 294 người trở lại làm việc. 

13.000 bác sĩ nội trú, thực tập sinh chỉ chiếm một phần nhỏ trong số 140.000 bác sĩ của Hàn Quốc. Nhưng họ chiếm khoảng 30-40% tổng lượng bác sĩ tại một số bệnh viện lớn và thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng để hỗ trợ đội ngũ y tế cấp cao.

benh nhan 3.jpg
Một bệnh nhân đến cấp cứu tại bệnh viện đại học ở Seoul ngày 21/2. Ảnh: Yonhap

Mâu thuẫn dẫn tới cuộc đình công bắt nguồn từ kế hoạch của Chính phủ Hàn Quốc tuyển thêm 2.000 người vào các trường y từ năm tới, tăng mạnh so với con số hơn 3.000 hiện tại. Nước này đặt mục tiêu bổ sung thêm 10.000 bác sĩ mới vào năm 2035 để đối phó với tình trạng dân số già đi nhanh chóng, cần chăm sóc sức khỏe nhiều hơn. Trong khi đó, tỷ lệ bác sĩ trên dân số của Hàn Quốc thuộc hàng thấp nhất trong số các nước công nghiệp phát triển.

Nhưng nhiều bác sĩ phản đối kế hoạch này với lý do các trường đại học chưa sẵn sàng cung cấp nền giáo dục chất lượng cho số lượng sinh viên lớn như vậy. Họ cũng đánh giá kế hoạch trên không giải quyết được tình trạng thiếu bác sĩ thường xuyên ở các chuyên khoa thiết yếu nhưng bị trả lương thấp như khoa nhi và khoa cấp cứu.

Bên cạnh đó, một luồng dư luận cho rằng các bác sĩ trẻ đình công vì lo lắng thu nhập dự kiến sẽ thấp hơn do số lượng bác sĩ tăng mạnh. 

Theo Fox News, cuộc đình công của các bác sĩ đã khiến hàng trăm ca phẫu thuật phải hủy bỏ hoặc trì hoãn. 

“Một số giáo sư và nghiên cứu sinh đang làm việc 90 giờ một tuần. Nếu tình trạng này kéo dài thêm 2 tuần hoặc lâu hơn, các bác sĩ sẽ kiệt sức”, một giáo sư tại bệnh viện hàng đầu lên tiếng. Ngoài công việc chuyên môn, họ phải thực hiện thêm nhiệm vụ của bác sĩ nội trú và thực tập sinh bao gồm băng bó vết thương và tháo ống thông. 

Khoa Cấp cứu tại Bệnh viện Sacred Heart thuộc Đại học Hallym đã tê liệt hoàn toàn. Tất cả 6 bác sĩ nội trú và thực tập sinh đã nghỉ việc, 11 chuyên gia ở lại không thể kham hết khối lượng công việc.  

benh nhan 2.jpg
Nhân viên y tế đi qua phòng cấp cứu ở Daegu vào ngày 27/2. Ảnh: Yonhap

Ngày quyết định 

Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra thời hạn để các bác sĩ đình công trở lại làm việc là ngày 29/2. Tuy nhiên, tới nay, vẫn chưa có tín hiệu lạc quan nào. 

Giới quan sát cho rằng nhiều người đình công có khả năng bất chấp thời hạn, tiếp tục tẩy chay công việc trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng. Chính phủ dự kiến bắt đầu các bước chính thức vào ngày 4/3. 

Thứ trưởng Bộ Y tế Park Min-soo khẳng định: “Chúng tôi sẽ không buộc họ phải chịu trách nhiệm nếu họ quay trở lại vào hôm nay… Các bác sĩ ở đó để phục vụ bệnh nhân và bệnh nhân đang sốt ruột chờ đợi các bạn. Đây không phải là cách phản đối chính phủ". 

Ông Park Min-soo đã gặp một số bác sĩ đình công trong hơn 3 giờ đồng hồ. Các quan chức mời 94 đại diện đến họp nhưng chỉ có 10 người xuất hiện và không phải là lãnh đạo. 

Theo luật pháp Hàn Quốc, chính phủ có thể yêu cầu các bác sĩ quay trở lại làm việc nếu nhận thấy có nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng. Những người từ chối tuân theo các mệnh lệnh này có thể bị đình chỉ giấy phép y tế tới một năm và đối mặt với án tù ba năm hoặc phạt tiền (khoảng 22.500 USD). Những người nhận án tù sẽ bị tước giấy phép hành nghề y tế.

Cuộc khủng hoảng y tế ở Hàn Quốc: Niềm tin bị sụp đổ?

Cuộc khủng hoảng y tế ở Hàn Quốc: Niềm tin bị sụp đổ?

"Bác sĩ, ông cũng đình công à? Vậy từ nay tôi sẽ điều trị như thế nào? Tôi luôn tôn trọng các bác sĩ nhưng tôi rất ngạc nhiên và thất vọng khi họ bỏ mặc bệnh nhân để đình công", bệnh nhân điều trị chứng rối loạn hoảng sợ hỏi bác sĩ Chung Chan-seung.