Theo AP, các quan chức quân sự của Mỹ cho biết, hải quân nước này đang giảm tốc độ thiết kế và đóng mới các tàu khu trục thế hệ tiếp theo. Quyết định này được đưa ra để đảm bảo các công nghệ như vũ khí laser và tên lửa siêu vượt âm "được hoàn thiện" trước khi trang bị lên tàu chiến.
"Hãy nhớ lại những bài học đắt giá, đôi khi muốn bước đi quá nhanh thì dễ vấp ngã", Đô đốc Michael Gilday - Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ nói.
Trong thời gian vừa qua, hải quân Mỹ đã mắc phải những sai lầm vô cùng "đắt đỏ" liên quan tới việc đóng tàu. Vào tháng 8/2022, lực lượng này đã cân nhắc tới việc loại biên 9 tàu tuần duyên lớp Freedom. Chi phí để đóng 9 tàu chiến này là 4,5 tỷ USD, nhưng toàn bộ đều gặp lỗi liên quan tới hệ thống đẩy phản lực. Chi phí sửa chữa vô cùng tốn kém, và hải quân Mỹ được cho là sẽ tiết kiệm được 450 triệu USD mỗi năm nếu loại bỏ số tàu này.
Trước đó, siêu tàu sân bay USS Gerald R. Ford cũng gặp phải nhiều vấn đề trong tiến độ phát triển và chịu thêm nhiều chi phí phát sinh. Với việc phải tốn thêm một khoản tiền không nhỏ cho các hệ thống phóng máy bay mới, chi phí sản xuất cho mẫu hạm này đã lên tới 13,3 tỷ USD.
Với các tàu khu trục tên lửa thế hệ mới, việc liên tục thử nghiệm các hệ thống vũ khí và radar mới cũng gây ra những lãng phí không cần thiết. Có trường hợp một trục hạm đã được lắp ráp hoàn chỉnh, nhưng sau đó phải tiến hành tháo dỡ vì các chuyên gia muốn thay đổi hệ thống pháo chính.
Theo AP, hải quân Mỹ đang ưu tiên phát triển tàu khu trục tên lửa thế hệ mới, tàu ngầm tấn công và một giải pháp thay thế cho tiêm kích F/A-18 Super Hornet. Bên cạnh đó, hải quân Mỹ vẫn muốn áp dụng những công nghệ mới nhất cho trục hạm của mình. Vào tháng 2, tập đoàn Lockheed Martin đã nhận được một bản hợp đồng trị giá 1,2 tỷ USD để phát triển tên lửa siêu vượt âm cho tàu khu trục.
Rút kinh nghiệm từ những bài học đắt giá, Đô đốc Gilday cho biết việc sản xuất các trục hạm thế hệ mới sẽ bắt đầu từ năm 2032. Ở thời điểm hiện tại, hải quân muốn duy trì việc sản xuất các tàu khu trục lớp Arleigh Burke.